Chuyển động Hà Nội

Hà Nội tăng trưởng GRDP gấp 1,24 lần cả nước

Quỳnh Phạm 16:18 19/01/2024

Chiều 19/1, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và công tác phục vụ các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, năm 2023, Hà Nội tăng trưởng GRDP gấp 1,24 lần cả nước.

ktxh-hn.jpg
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2023 tại Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở UBND Thành phố Hà Nội và kết nối trực tuyến đến các điểm cầu là các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô.

Thông tin chung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tại Hội nghị, ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội (KTXH) vẫn duy trì phát triển và cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2023; tăng trưởng GRDP gấp 1,24 lần cả nước; thu ngân sách vượt 16,4% dự toán; hoàn thành 18/23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu KTXH chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch (KH). Cụ thể các lĩnh vực như sau:

Các cân đối lớn được đảm bảo

Thu ngân sách vượt dự toán, đảm bảo cân đối chi. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 410.624 tỷ đồng, đạt 116,4% dự toán, tăng 23,0% so với năm 2022; trong đó: Thu nội địa 381.477 tỷ đồng, đạt 117,8% dự toán, tăng 25,5% so với năm 2022; thu từ xuất nhập khẩu 24.293 tỷ đồng, đạt 90,0% dự toán, bằng 92,3% năm 2022; thu từ dầu thô 4.529 tỷ đồng, đạt 215,7% dự toán, tăng 56,2%.

Tổng chi ngân sách địa phương: 100.528 tỷ đồng, đạt 95,7% dự toán đầu năm, tăng 8,2% so với năm 2022. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn: 5.181 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4%; Tổng dư nợ: 3.361 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1%, đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế và tiêu dùng. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá bình quân tăng 2,04%, thấp hơn cả nước (3,25%), đạt mục tiêu đề ra là dưới 4,5%.

Kinh tế duy trì tăng trưởng khá

GRDP Hà Nội năm 2023 tăng 6,27%, gấp 1,24 lần mức tăng cả nước (5,05%). GRDP bình quân đầu người đạt 151,1 triệu đồng, vượt kế hoạch (150 triệu đồng). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 776.109 tỷ đồng, tăng 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 16.173 triệu USD (giảm 2,4%); Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 37.714 triệu USD, giảm 8,1%.

seagame.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tặng quà của Thành ủy - UBND - HĐND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố cho Đoàn Thể thao Hà Nội tham dự SEA Games 32. (Ảnh tư liệu).

Du lịch phục hồi mạnh; tổng lượng khách du lịch đạt 24 triệu lượt, tăng 27%; trong đó: 4 triệu lượt khách quốc tế (2,82 triệu khách lưu trú), tăng 138,1% và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3%; đã khởi công 10 cụm công nghiệp (đến nay đã khởi công 19/43 cụm đã có quyết định thành lập); có 55 doanh nghiệp với 79 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, 7 doanh nghiệp trong số đó thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Ngành nông nghiệp phát triển ổn định; năm 2022-2023, đã có thêm 125 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 159 chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản... Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, 100% huyện, thị xã và 100% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đã có thêm 76 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 42 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế, Thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP, có trên 1.000 sản phẩm được triển khai tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại (hệ thống tiêu thụ sản phẩm của tập đoàn Aeon Nhật Bản, Big C, Royal City...).

Vốn đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đăng ký thành lập duy trì tăng

Vốn đầu tư xã hội đạt 506.214 tỷ đồng, tăng 9,3%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2.943 triệu USD, tăng 65,9%. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới: 31.660 doanh nghiệp (tăng 7,1%) với số vốn đăng ký 353.974 tỷ đồng (tăng 7%). Có 8.575 doanh nghiệp hoạt động trở lại (giảm 2%); 3.760 doanh nghiệp giải thể (tăng 4%), 19.894 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 22%).

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển

Tích cực thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; kết quả thực hiện hết năm 2023 hoàn thành 1.005 công trình (382 cấp Thành phố dự án; 623 cấp huyện). Phát triển văn hóa được chú trọng. Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan, hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô; Đã tổ chức 1.650 buổi biểu diễn (đạt 115% KH). Đoàn thể thao Hà Nội tham dự SEA Games 32 tại Campuchia đạt thành tích ấn tượng với 99 huy chương, đóng góp gần 1/3 tổng số huy chương toàn đoàn Việt Nam.

lh-ad.jpg
Các đại biểu, đông đảo người dân và du khách đã đến với Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023. (Ảnh tư liệu).

Phát triển công tác thông tin truyền thông, đẩy mạnh chuyển đổi số. Hệ thống thông tin liên lạc được duy trì tốt, không xảy ra nghẽn mạng, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành phố. Đã thực hiện cấp gần 39.000 chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử nhằm nâng cao chất lượng phục vụ công dân trong giải quyết thủ tục hành chính.

Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư; chất lượng giáo dục và đào tạo được giữ vững. Có thêm 130 trường công nhận mới đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 72,7%. Trong kì thi chọn Học sinh giỏi quốc gia năm 2023, Hà Nội là đơn vị đứng đầu về số lượng đạt giải với 141 giải; Tỷ lệ tốt nghiệp toàn Thành phố là 99,56%; Có 154 cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, tăng 50 cơ sở so với năm 2022.

Hoạt động đổi mới khoa học công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, đã nghiệm thu sản xuất thử nghiệm 49 đề tài, dự án cấp cơ sở; 42 đề tài, dự án cấp thành phố; tỷ lệ ứng dụng thực tiễn của các đề tài là 70%, dự án là 100%. Đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN cho 06 doanh nghiệp, 39 tổ chức, 16 chi nhánh; Hà Nội đang dẫn đầu toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KHCN với 151/730 doanh nghiệp (chiếm 20,5%).

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được cải thiện. Hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng phòng chống dịch bệnh tiếp tục được duy trì.

Đảm bảo an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được chú trọng. Thực hiện tốt chính sách với người có công, chăm lo cho các đối tượng chính sách. Hỗ trợ an sinh xã hội và giải quyết việc làm được đẩy mạnh; Đã giải quyết việc làm cho 200.280 lao động, đạt 115% KH; Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã nỗ lực tuyển sinh, đào tạo lao động; Dự kiến tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2% - hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội được chú trọng; Đã thực hiện hỗ trợ 734 hộ thoát nghèo, tương đương 34,4% số hộ nghèo so với đầu năm 2023, vượt mục tiêu đề ra. Hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Tăng cường quản lý và phát triển đô thị; khai thác hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Đã phê duyệt 03 đồ án quy hoạch chi tiết lập mới; 20 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và 09 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu, 06 nhiệm vụ quy hoạch.... Phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đang xin ý kiến hoàn thiện.

Xây dựng hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Đã hoàn thành đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; khởi công Dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường vành đai 3,… Đường quốc lộ 6, Đường vành đai 3 (đoạn trên địa bàn huyện Đông Anh), vành đai 2,5 (đoạn từ Nguyễn Trãi đến Đầm Hồng) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Đã hoàn thành 152.250 m2 sàn nhà ở, 812 căn hộ. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, hoàn thiện Quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư... Hoàn thành đầu tư xây dựng mới 05 Công viên ; phê duyệt chủ trương cải tạo, nâng cấp 03 công viên (Thống Nhất, Thủ Lệ, Bạch Thảo).

Quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường được tăng cường; Rà soát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ. Đã ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 125 dự án với tổng diện tích 152,3 ha. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin đưa vào vận hành năm 2024; Đảm bảo rác thải được thu gom và vận chuyển trong ngày tại khu vực đô thị và 90-95% tại khu vực nông thôn. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 30,9% (KH là 28,8%).

Thực hiện tốt năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; Đoàn kiểm tra công vụ Thành phố đã thực hiện kiểm tra công vụ độ xuất 30 đơn vị, 02 vụ việc theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Tiếp tục tổ chức triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc và phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính (TTHC) tại 11 đơn vị. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh; đã triển khai 264 cuộc thanh tra, tiếp thường xuyên 20.275 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 32.524 đơn các loại. Các chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng.

Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng địa phương; duy trì trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thành thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ năm 2023 cho 2 sở và 9 quận, huyện.

Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường và mở rộng trên cả ba kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Nhân dân, đạt được những thành tựu ở cả ba phương diện ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, nâng cao hiệu quả các quan hệ song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển KTXH của Thủ đô.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, kế hoạch công tác gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các phong trào thi đua yêu nước; chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả, hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác vận động toàn dân đoàn kết; tặng quà, thăm hỏi gia đình chính sách, đối tượng có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, tết; hỗ trợ các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị thiệt mạng tại vụ hỏa hoạn xảy ra tại quận Thanh Xuân./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng trưởng GRDP gấp 1,24 lần cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO