Chuyển động Hà Nội

Hà Nội nỗ lực phát triển những công dân số

PV 08:10 15/03/2023

Hà Nội đang nỗ lực hướng đến mục tiêu thực hiện chuyển đổi số dựa vào 3 yếu tố trụ cột là: Xã hội số, Chính phủ số và Kinh tế số. Trong đó, Xã hội số sẽ được hình thành dựa trên các công dân số. Hiện nay, nhiều nhóm tiện ích đã được Thành phố xây dựng và triển khai phục vụ phát triển công dân số Thủ đô.

image_gallery-1-bdgbdtrbh.jpg
Người dân sử dụng mã QR để đăng ký thủ tục tạm trú bằng điện thoại thông minh

Theo Công an Thành phố Hà Nội, đến nay, toàn Thành phố đã thu nhận được hơn 6,5 triệu hồ sơ cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip đối với các trường hợp công dân trong độ tuổi quy định, đã nhận và trả 6.018.796 thẻ CCCD cho người dân. Thông qua thẻ CCCD gắn chip và các dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các lực lượng chức năng của Thành phố đã ứng dụng để mang lại nhiều giá trị thiết thực trong đời sống, xã hội.

Bên cạnh đó, Thành phố đã thu nhận 4.203.923/6.220.864 hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử, đạt 67,6% so với chỉ tiêu, trong đó, toàn Thành phố đã kích hoạt 15.121 tài khoản định danh mức 1 và 724.752 tài khoản định danh mức 2. Tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, cơ quan công an Thành phố đã rà soát, làm sạch 3 cấp đối với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5%).

Về công tác số hoá tàng thư hồ sơ cư trú để phục vụ cho việc đơn giản hoá giấy tờ của công dân khi thực hiện Thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực cư trú, tính đến nay toàn Thành phố đã đưa lên hệ thống dữ liệu tàng thư điện tử được 25.418.379/51.609.038 trang tài liệu, đạt 49,3%.

Thành phố cũng đã tổ chức họp với Cục C06, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia và các doanh nghiệp: Viettel, VNPT, FPT, CMC để bàn giải pháp cấp chữ ký số miễn phí phục vụ công dân trên địa bàn Thủ đô thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử. Trên cơ sở đó, Thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện đề xuất chủ trương báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Đáng chú ý, vào ngày 31/3 tới đây, Thành phố tiếp tục đưa vào khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thế hệ mới. Hệ thống này không chỉ giúp công tác điều hành tác nghiệp trong hoạt động của các cơ quan hành chính thuộc thành phố Hà Nội được thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông” mà còn công khai, minh bạch cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính qua môi trường trực tuyến. Với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính mới này, người dân và tổ chức sẽ được cấp một tài khoản duy nhất để sử dụng cho việc đăng ký trực tuyến dịch vụ công đối với tất cả dịch vụ hành chính công các cấp.

anh-14.3-2.-dao-tao-su-dung-he-thong-thong-tin-giai-quyet-tthc.jpg
Công chức Hà Nội được đào tạo sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính mới

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, việc xây dựng và đưa vào hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Sở triển khai trong đầu năm 2023. Đây là một trong những bước đi quan trọng trong việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin dùng chung của Hà Nội cũng như sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu triển khai các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, với thành phố Hà Nội, việc chuẩn hóa một hệ thống dịch vụ công chính thức và đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, 4 có ý nghĩa quan trọng để thành phố nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và người dân, hình thành mô hình “chính quyền số - công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận tiện hơn và khoa học hơn.

Để tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức sâu sắc hơn nữa, sự vào cuộc quyết liệt, tăng tốc triển khai nhiệm vụ của các cấp, ngành Thành phố.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy, nhằm phát triển nguồn nhân lực số, những thế hệ công dân số Thủ đô trong tương lai gần, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ chủ trì cùng các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý về chuyển đổi số, về an ninh, an toàn thông tin mạng và tính riêng tư trên mạng cho người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước của Thành phố.

anh-14.3-3.-hoc-sinh-ha-noi-tham-gia-hoi-thi-tin-hoc-tre.jpg
Học sinh Hà Nội tham gia Ngày hội sáng tạo, trải nghiệm công nghệ số

Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường các biện pháp đẩy mạnh triển khai chương trình dạy và học về kỹ năng số và STEM/STEAM trong giáo dục tiểu học và phổ thông; đào tạo, tập huấn kiến thức về kinh tế số, kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho người dân và doanh nghiệp, ưu tiên triển khai đào tạo, tập huấn thông qua các nền tảng dạy và học trực tuyến…

Thời gian tới, sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch, chương trình triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU, là cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo Cổng giao tiếp Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nỗ lực phát triển những công dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO