Hà Nội: Nhiều tuyến xe buýt sẽ dừng hoạt động
Sản lượng buýt của thành phố Hà Nội đã có dấu hiệu phục hồi song còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng kéo theo doanh thu giảm và ngốn trợ giá ngân sách tăng lên. Vì vậy, thành phố sẽ xem xét dừng hoạt động các tuyến buýt không hiệu quả.
Tại buổi làm việc với 11 doanh nghiệp hoạt động vận tải buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, năm 2022, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, trong đó phải kể đến dịch Covid-19 những tháng đầu năm vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu đi lại của người dân thấp.
Tình hình ùn tắc giao thông phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành và chất lượng dịch vụ. Trong năm 2022 có tới 5.046 lượt xe phải bỏ do tắc đường (chiếm 0,08%); thời gian chuyến đi của hành khách chưa được bảo đảm do xe buýt vẫn phải vận hành chung với dòng giao thông hỗn hợp.
Thống kê cho thấy, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách (tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021).
Nhưng đáng lo ngại là sau đại dịch Covid-19, một lượng lớn hành khách trung thành của xe buýt có xu hướng chuyển sang phương tiện cá nhân”.
Lý giải về vấn đề này, ông Thái Hồ Phương cho rằng, chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đảm bảo, chưa đủ hấp hẫn với số đông hành khách. Hoạt động của xe buýt vẫn thường xuyên chịu ảnh hưởng do tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Mức độ an toàn trong vận hành đôi lúc chưa được đảm bảo; mức độ thân thiện, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ còn chưa đúng mực gây phản cảm với hành khách, Nhân dân. Lượng phương tiện cũ, đã sử dụng từ 9 - 10 năm vẫn chiếm hơn 10% tổng số xe buýt của Hà Nội, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chung.
Ông Nguyễn Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội – đơn vị đang chiếm khoảng 80% thị phần xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đang thiếu khoảng 400 lao động trực tiếp lái xe và bán vé để vận hành các tuyến buýt. Cùng với đó, hạn chế trong hạ tầng giao thông và hệ thống nhà chờ, điểm dừng đỗ của xe buýt chưa được đầu tư đồng bộ cũng là nguyên nhân đang gây khó khăn cho hoạt động xe buýt. “Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành rà soát, giải quyết các vướng mắc về hạ tầng để sắp xếp lại nhà chờ xe buýt, điểm chờ xe buýt hợp lý, tránh lấn chiếm. Đồng thời tiếp tục khảo sát, hợp lý hóa lộ trình các tuyến buýt nhằm tránh khu vực ùn tắc giao thông, giảm thời gian chuyến đi của hành khách”, ông Thủy nói.
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bày tỏ chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp buýt trong 3 năm vừa qua, năm 2022 lại biến động nhiên liệu khiến doanh nghiệp không còn tiền trong khi sản lượng xe buýt phục hồi nhưng lại chậm. “Có doanh nghiệp nhắn tin cho tôi đã cắm hết cả sổ đỏ ở ngân hàng để vay vốn, rồi không biết đi đâu về đâu. Không chỉ sản lượng khách công cộng giảm mà còn kéo theo ùn tắc giao thông gia tăng, khiến xe buýt chậm giờ và người dân lại rời xa xe buýt,” ông Thường nói.
Nhấn mạnh cơ quan quản lý Nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, theo ông Thường, các đơn vị buýt cần chủ động tăng sản lượng hành khách, doanh thu, giảm trợ giá từ ngân sách Nhà nước phải là mục tiêu tối thượng, yếu tố sống còn đồng thời cải thiện chất lượng phục vụ, nhất là thái độ phục vụ của nhân viên.
“Có thực tế vẫn còn doanh nghiệp ỷ lại, chỉ quan tâm đến lợi ích muốn làm sao được điều chỉnh khối lượng, tăng trợ giá lên còn lại không quan tâm có hành khách hay không? Đây là sự khấp khểnh, bất cập trong phương pháp tiếp cận quản lý. Năm nay yếu tố sản lượng rất quan trọng, doanh nghiệp nào không đưa tiêu chí này lên hàng đầu sẽ rất khó tồn tại trong giai đoạn tới,” Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lưu ý.
Tổng Giám đốc Cty Vinbus Nguyễn Công Nhật cũng cho biết, với các tuyến buýt mở rộng, làm thế nào để sản lượng hành khách tăng tương xứng với mục tiêu, quy mô mở rộng phải làm quan tâm đầu tiên. Nếu như cứ mở rộng quy mô, độ phủ của mạng lưới xe buýt mà sản lượng hành khách không tăng tương xứng sẽ kéo giảm hiệu quả của trợ giá, ảnh hưởng đến sự phát triển đến cả mạng buýt thành phố.
Giám đốc Tramoc Nguyễn Hoàng Hải cho biết, sẽ tiếp thu để có thể có thay đổi tích cực trong công tác đấu thầu các tuyến buýt mới tới đây. Đồng thời đánh giá lại các tuyến đang vận hành, điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Mặt khác, ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định: “DN thiếu gì thì thiếu không thể thiếu lao động. Có đơn vị thiếu đến 20% lao động thì dứt khoát phải ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng chia sẻ với khó khăn của các DN xe buýt của TP, đặc biệt trong ba năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và biến động giá nhiên liệu vừa qua. Tuy nhiên, DN cần xác định rõ mục tiêu sống còn của mình là hành khách. Sản lượng khách sụt giảm, các DN sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Sắp tới, Hà Nội sẽ xây bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ, hiệu quả của các tuyến buýt dựa trên: sản lượng, doanh thu, trợ giá... và chắc chắn sẽ phải điều chỉnh, thậm chí dừng các tuyến không hiệu quả. “Không thể để tình trạng có tuyến trợ giá tới 95 - 96% được. Đây là lãng phí, sử dụng không hiệu quả ngân sách” - ông Nguyễn Phi Thường nói.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội giao Tramoc khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả từng tuyến, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả, tăng tính kết nối với đường sắt đô thị; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng ứng dụng xe buýt dùng chung với đầy đủ dữ liệu của toàn bộ mạng lưới buýt. Thông qua ứng dụng, người dân có thể đánh giá chất lượng từng phương tiện, chuyến đi để phân loại bởi hiện tại là đang cào bằng, tốt xấu như nhau, từ đó có căn cứ để thưởng phạt.