Chuyển động Hà Nội

Hà Nội lấy ý kiến đóng góp về việc thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự

Văn Thiện 20:06 05/06/2024

Ngày 5/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định tiêu chí thành lập và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự (ANTT); nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn TP.

mat-tran-5-6-1.jpg
Quang cảnh Hội nghị phản biện xã hội vào Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định tiêu chí thành lập và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự...

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, lãnh đạo Công an thành phố, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cùng chung quan điểm cho rằng, mức hỗ trợ cho 3 lực lượng là thành phần của Tổ bảo vệ an ninh trật tự hiện nay chưa thống nhất, do đó, việc quy định các tiêu chí thành lập và số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh trật tự và quy định mức hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là cần thiết.

Báo cáo Dự thảo Nghị quyết, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Hiện, trên toàn TP có 3.618 Công an xã bán chuyên trách được bố trí tại 2.366 thôn; 8.845 bảo vệ dân phố được bố trí tại 192 Ban với 2.067 Tổ Bảo vệ dân phố; 5.372 Đội dân phòng/579 phường, xã, thị trấn với tổng số 55.583 đội viên.

Các lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng đang được tiếp tục sử dụng đều có chung vị trí, chức năng là lực lượng tham gia hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự phòng, tự quản về bảo vệ ANTT trên địa bàn cấp xã.

Tuy nhiên, hiện nay 3 lực lượng là thành phần của Tổ bảo vệ ANTT chưa đồng nhất mức chính sách hỗ trợ; chưa có sự đồng nhất trong quy định về hỗ trợ trang phục, vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ; chế độ hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện; chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau…

Từ những lý do nêu trên cho thấy cần thiết phải ban hành Nghị quyết “Quy định tiêu chí thành lập và số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTT; nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội”.

Về mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là mức 2.520.000đ/người/tháng (tương đương 1,4 mức lương cơ sở); hỗ trợ đóng BHXH, BHYT hằng tháng cho người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, gồm: hỗ trợ đóng BHXH, mức 234.000đ/người/tháng (tương đương 13% mức lương cơ sở); hỗ trợ đóng BHYT hằng tháng, mức 54.000đ/người/tháng (tương đương 3% mức lương cơ sở); hỗ trợ chức danh đối với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là Tổ trưởng Tổ bảo vệ ANTT được hỗ trợ thêm 300.000đ/người/tháng, đối với Tổ phó Tổ bảo vệ ANTT được hỗ trợ thêm 200.000đ/người/tháng.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết quy định hỗ trợ, bồi dưỡng người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ; khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định pháp luật về lao động; khi làm nhiệm vụ tại những nơi miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng, mức hỗ trợ 100.000đ/người/ngày.

Tại Hội nghị, ông Vũ Thành Vĩnh, Thành viên HĐTV Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố là “tai mắt” và “cánh tay nối dài” của Công an tại cơ sở, hỗ trợ Công an cấp xã và là nòng cốt vận động, cùng Nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Đây chính là lực lượng tại chỗ, kịp thời tham gia phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và các vụ việc liên quan ANTT. Do đó, việc xây dựng và hoàn thiện lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố là cần thiết để bảo đảm ANTT từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thành Vĩnh, Tờ trình cần đánh giá sâu hơn những hạn chế và bất cập của 3 lực lượng trước đây, từ đó nêu bật sự cần thiết phải kiện toàn, sát nhập làm tinh gọn đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo; đồng thời bảo đảm chế độ chính sách, điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố được tốt, phù hợp hơn với tình hình KTXH, thực tế địa phương và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại chỗ.

“Qua tìm hiểu tại quận Hoàn Kiếm, đặc biệt nắm tình hình ở phường Hàng Buồm, ý kiến của Trưởng Công an và cụ thể Tổ dân phố số 4 nơi tôi làm Bí thư chi bộ, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc lựa chọn người đủ điều kiện về chế độ, sức khỏe, uy tín để tham gia lực lượng, thực hiện nhiệm vụ được giao. Mặc dù về chế độ, mức bồi dưỡng, hỗ trợ đối với họ, như quy định nêu trên trong dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết là tới đây sẽ được nâng lên”, ông Vũ Thành Vĩnh chia sẻ.

Còn theo Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Ngọc Thảo qua tham chiếu mức hỗ trợ của Hà Nội với TP Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh cho thấy, mức hỗ trợ của Hà Nội là phù hợp quy định của Chính phủ và điều kiện thực tế, khả năng ngân sách, đặc điểm KT-XH của Thủ đô, trong đó có hỗ trợ trách nhiệm theo chức danh là phù hợp. Tuy nhiên, Nghị quyết này chủ yếu mới quan tâm việc thống nhất nội dung về tổ chức và mức hỗ trợ với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT, mà chưa đạt được yêu cầu giảm đầu mối chi ngân sách, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng, giảm số lượng. Trong khi Chính phủ đang thực hiện chủ trương giảm bớt đơn vị hành chính và số lượng cán bộ công chức, nhưng theo Nghị quyết này, số chức danh và số thành viên lại không thay đổi.

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, tờ trình của UBND TP Hà Nội cũng chưa nêu được việc thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có thay thế các lực lượng hiện nay không hay chỉ còn đội dân phòng và Tổ bảo vệ ANTT kiêm nhiệm hoặc tuyển dụng hoàn toàn theo tiêu chí mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao công tác chuẩn bị của đơn vị tham mưu soạn thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết. Nội dung được chuẩn bị kỹ, trên cơ sở các căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn; đảm bảo các quy định của pháp luật về nguyên tắc, phương pháp xây dựng tiêu chí thành lập và số lượng thành viên, mức chi hỗ trợ Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về mức hỗ trợ, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa các mức hỗ trợ thành tỷ lệ chung của mức lương để tránh việc phải ban hành Nghị quyết mới thay đổi về chính sách tiền lương. Cơ quan soạn thảo (Công an thành phố) sớm hoàn thiện các văn bản và có văn bản trả lời các ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam thành phố theo quy định./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội lấy ý kiến đóng góp về việc thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO