Chuyển động Hà Nội

Hà Nội “đến để yêu”, mãi xứng danh Thành phố Vì hòa bình

Trung Kiên 16/07/2024 06:43

Ngày này 25 năm trước (16/7/1999), Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” cho Hà Nội. Càng tự hào bởi Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu này và Hà Nội hôm nay, mai sau vẫn luôn là “Thành phố Vì hòa bình”, “đến để yêu”...

Hà Nội “đến để yêu”, người dân thanh lịch - văn minh

Để được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình, Hà Nội phải đảm bảo nhiều tiêu chí, trong đó Thủ đô của Việt Nam có thành tích tiêu biểu về các lĩnh vực: thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục; giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa...

ttk-lhq.jpg
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres trong chuyến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhân thăm chính thức Việt Nam, tháng 10/2022.

Thực tế chứng minh, trước, trong và sau khi nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa - ngàn năm văn hiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, tích cực đóng góp trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ, công bằng xã hội. Thủ đô Hà Nội đồng thời nỗ lực xây dựng một thành phố hòa bình, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu.

Hình ảnh nổi bật mà Hà Nội đã khẳng định với bạn bè quốc tế lâu nay, đó là Thủ đô của Việt Nam không ngừng phát triển, đồng thời là điểm đến an toàn, thân thiện bậc nhất thế giới, “Hà Nội - đến để yêu”.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, Tổng thống Mỹ lúc ấy là ông Barack Obama, chia sẻ: “Sự thân thiện của các bạn đã chạm đến trái tim tôi. Nhiều người đã vẫy chào tôi bên đường. Hôm qua tôi đi thăm phố phường Hà Nội và được ăn những món ăn rất ngon như bún chả, uống vài chai bia Hà Nội”. Chia sẻ này của ông Barack Obama đã khắc họa một Hà Nội rất đẹp và có giá trị gấp nhiều lần những thước phim quảng bá: người dân Hà Nội rất hiếu khách, thanh lịch, văn minh, gần gũi và Hà Nội rất an toàn. Nếu Hà Nội không an toàn thì người đứng đầu một cường quốc thế giới như ông Obama sẽ không có những phút giây thư thái, thoải mái hòa vào nhịp sống thường nhật thưởng thức ẩm thực Hà thành.

obama.jpg
Năm 2016, sau khi thưởng thức bún chả và bia Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama chụp ảnh lưu niệm cùng chủ quán và một số người dân có mặt tại quán. (Ảnh: UBND phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).

Không riêng gì ông Barack Obama, các nguyên thủ quốc gia trên thế giới khi tới Hà Nội đều có những hoạt động khẳng định Thủ đô của Việt Nam xứng với danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Đó là hình ảnh Thủ tướng Australia John Howard thong thả chạy bộ buổi sáng quanh hồ Hoàn Kiếm nhân dịp tới dự Hội nghị Cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14 năm 2006; Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đi dạo quanh khu vực Nhà thờ Lớn khi ông đến Hà Nội (2014); Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande đi bộ tới nhiều điểm đến văn hóa tại khu phố cổ Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam (2016).

Ngoài ra, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree và Phu quân thư thái đi dạo phố quanh hồ Gươm; Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức cà phê vỉa hè Hà Nội khi thăm Việt Nam (tháng 2/2019); Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hạ thấp cửa kính ở khoang xe đang ngồi và vẫy tay chào người dân Hà Nội sáng 26/2/2019...

Đặc biệt phải nhắc đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, cuối tháng 10/2022, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, ông António Guterres đã tham quan các di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng, mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và Đền Ngọc Sơn bên hồ Hoàn Kiếm. Việc ông António Guterres thăm các địa điểm biểu tượng văn hóa, giáo dục của Hà Nội đã truyền đi thông điệp của Liên hợp quốc về duy trì hòa bình trên toàn thế giới, thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia; thúc đẩy quyền con người, trong đó Việt Nam là một quốc gia trách nhiệm, chủ động và có nhiều sáng kiến.

phunhan.jpg
Phu nhân Thủ tướng Singapore (bên trái) và phu nhân Thủ tướng Việt Nam trải nghiệm ghép tranh từ vải lụa vụn tại Hợp tác xã Vụn Art (làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông), chiều ngày 28/8/2023.

Hoặc cuối tháng 8 năm 2023, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, phu nhân Thủ tướng Singapore cùng phu nhân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vui vẻ, hòa đồng tham quan Hợp tác xã Vụn Art tại Phố Lụa (làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông). Hai phu nhân cũng trải nghiệm ghép tranh từ vải lụa vụn với sự hướng dẫn của các nghệ nhân, sau đó dạo bước tại làng lụa nổi tiếng, lâu đời nhất của Thủ đô và cả nước trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân địa phương.

Tất cả những hình ảnh, câu chuyện kể trên đã khẳng định Hà Nội không chỉ là điểm đến an toàn, đáng tin cậy mà còn là điểm hẹn hấp dẫn các chính khách và bạn bè quốc tế, tạo nên nét chấm phá trong bức tranh thanh bình của Thăng Long - Hà Nội.

Cầu nối hòa bình thế giới, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao

Ngoài sự an toàn, người dân thanh lịch, văn minh và nghĩa tình; với trị trí, vai trò Thủ đô của Việt Nam, Thành phố Hà Nội đã được chọn tổ chức nhiều sự kiện tầm cỡ thế giới và châu lục. Có thể kể đến: Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM 5, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9… Đặc biệt, với uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế, Hà Nội đã được lựa chọn làm cầu nối hòa bình thế giới.

Minh chứng, cuối tháng 2 năm 2019, nhà lãnh đạo Cộng hòa DCND Triều Tiên và Tổng thống Hoa Kỳ đã chọn Hà Nội làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của toàn thế giới lúc bấy giờ bởi Hội nghị để nhà lãnh đạo hai nước tìm tiếng nói chung trên con đường hòa giải, hòa bình, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

mau-tem-my-trieu.jpg
Bộ tem Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội do họa sĩ Nguyễn Du và Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, phát hành ngày 26/2/2019.

Việc lãnh đạo Triều Tiên và Hoa Kỳ chọn Hà Nội làm nơi gặp thượng đỉnh cho thấy Hà Nội không chỉ đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi riêng của các quốc gia, mà còn phản ánh mức độ tin cậy rất cao của cộng đồng quốc tế đối với Hà Nội – Việt Nam về năng lực, bản lĩnh gánh vác trách nhiệm chung. Qua đây cũng cho thấy Hà Nội - Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên.

Sau cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khi đó khẳng định, mối quan hệ giữa ông với người đồng cấp Triều Tiên vẫn ấm áp. Tuy không có thỏa thuận chung nào nhưng nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã có những cuộc họp mang tính xây dựng và tốt đẹp tại Hà Nội, thảo luận nhiều phương án để thúc đẩy tiến trình hòa bình và các mô hình phát triển kinh tế…

Hà Nội đã làm tất cả những gì tốt nhất để Hội nghị nêu trên diễn ra an toàn tuyệt đối, để lại ấn tượng tốt đẹp với lãnh đạo hai nước cũng như với thế giới. Từ sự kiện này, Hà Nội – Việt Nam cho thấy vai trò, vị thế trên trường quốc tế ngày càng lên cao, đồng thời khẳng định mạnh mẽ về một Việt Nam năng động, đổi mới, người dân thân thiện, hiếu khách và yêu chuộng hòa bình.

Sự kiện trên thành công cũng khẳng định Hà Nội có đủ tiềm lực, điều kiện về cơ sở hạ tầng và quan trọng nhất, đó chính là niềm tin về việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc đăng cai một sự kiện mang tầm quốc tế. Hà Nội – Thành phố Vì hòa bình qua đó trở thành cầu nối hòa bình thế giới./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội “đến để yêu”, mãi xứng danh Thành phố Vì hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO