Chuyển động Hà Nội

Hà Nội đảm bảo an toàn PCCC mùa nắng nóng: 8 nội dung phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh

Trung Kiên 18/05/2024 15:15

Nhằm đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong mùa nắng nóng, đối với loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, UBND Thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo với 8 nội dung trọng tâm.

UBND Thành phố Hà Nội vừa có Công văn gửi các sở, ban, ngành Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố trong mùa nắng nóng.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, công tác PCCC trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên đến nay tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn Thành phố đã xảy ra 387 vụ cháy (tăng 155 vụ so với cùng kỳ năm 2023), làm 6 người chết, 3 người bị thương. Loại hình xảy ra cháy chủ yếu nhà ở hộ gia đình, nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất, thuộc đối tượng do UBND cấp xã quản lý. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố do sử dụng điện (chiếm tới gần 70%). Đặc biệt, gần đây trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng.

chay-no.jpg
Một dãy nhà tạm ở phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) bất ngờ bốc cháy hồi trung tuần tháng 4/2024. Rất nhanh chóng, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Bắc Từ Liêm đã tới hiện trường. Khoảng 15 phút, đám cháy được khống chế và không gây thiệt hại về người. (Ảnh tư liệu).

Bên cạnh đó, Hà Nội đang chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng với hiện tượng thời tiết cực đoan như: Hiện tượng El Nino gây ra nhiệt độ tăng, độ ẩm không khí thấp, các chất, vật liệu nóng, khô dễ bắt cháy, nhu cầu sử dụng điện và các loại nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ,… tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ...

Để hạn chế đến mức thấp nhất cháy, nổ xảy ra do nguyên nhân chủ quan, đặc biệt trong thời gian thời tiết nắng nóng, đồng thời cảnh báo, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng chống đuối nước, nhất là trong dịp hè 2024, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và UBND Thành phố về công tác PCCC và CNCH.

Việc đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, UBND Thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo, với 8 nội dung:

1. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho người trong gia đình, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ khi có cháy xảy ra. Dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng, Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp bố trí lồng, lưới sắt phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy và thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây và các dụng cụ phá dỡ thông thường như để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

2. Phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, aptomat …) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn. Tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết, khi ra khỏi nhà, phòng làm việc hoặc rút phích cắm ra khỏi ổ điện để đảm bảo an toàn PCCC.

chay-no2.jpg
Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thường Tín kiểm tra an toàn hệ thống điện tại chợ Vồi để tránh xảy ra sự cố chập cháy. (Ảnh tư liệu).

3. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy; Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt… (gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi.

4. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Khuyến cáo không nên để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí khói độc khi nổ máy.

5. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần bảo đảm thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Trường hợp sử dụng bếp dầu để đun, nấu cần phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Khi đun phải có người trông coi.

6. Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn tại cầu thang, hành lang, ban công; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.

chay-no3.jpg
Khi xảy ra cháy nổ, người dân cần nhanh chóng gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114. (Ảnh: Đội Cảnh sát PCCC&CNCH huyện Hoài Đức).

7. Lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói. Chuẩn bị sẵn các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn như: búa, kìm cộng lực, xà beng,…

8. Khi xảy cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài. Khi phải thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng mặt nạ phòng độc, khăn mềm thấm nước để che mặt, cơ thể; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…; tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP Hà Nội theo số máy 114./.

(Còn nữa)...

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đảm bảo an toàn PCCC mùa nắng nóng: 8 nội dung phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO