Hà Nội: Công tác cải cách hành chính có bước chuyển mới
Sáng 29/6, Thường trực Thành ủy - HĐND- UBND TP Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các Sở, ban, ngành TP quý II/2023. Chủ trì Hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.
Hội nghị nghe báo cáo, thảo luận làm rõ hai nội dung: Kết quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp TP; Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, đây là hai vấn đề quan trọng, liên quan tới đời sống dân sinh, cũng là các vấn đề thời gian qua được TP, các Sở, ngành, quận, huyện vào cuộc rất tích cực song vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế. Đồng chí đề nghị các đại biểu thảo luận, chỉ rõ cần làm gì để cải thiện chất lượng phục vụ của bộ máy chính quyền trên các phương diện hợp tác phối hợp trên dưới. Trong đó chỉ rõ, trang thiết bị, quy trình, chất lượng cán bộ... đâu là yếu tố trọng yếu.
Với nội dung thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, Chủ tịch UBND TP đề nghị làm rõ những vướng mắc nếu có để TP có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) được TP tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.
Cụ thể, về cải cách tổ chức bộ máy, thành phố đã hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 (giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức). Đến tháng 6/2023 đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022.
Đồng thời, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đánh giá hằng tháng và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Bên cạnh đó, trong cải cách chế độ công vụ, công chức, thành phố đã chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.154 trường hợp theo quy định phân cấp quản lý cán bộ; kiểm tra công vụ đột xuất 30 đơn vị.
Về cải cách tài chính công, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách theo yêu cầu của Trung ương. Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong 5 tháng đầu năm, toàn thành phố đã giải ngân 10.926,8 tỷ đồng, đạt 23,3% kế hoạch. Triển khai kế hoạch chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính, đã có 45/50 đơn vị ban hành kế hoạch chi tiết, đảm bảo các mục tiêu UBND TP đã giao.
Về công tác duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) trên địa bàn TP, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, công tác này ngày được cải thiện. Tỷ lệ được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt hơn 90% (đạt và vượt mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2030: Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị khoảng 90% - 100%, nông thôn khoảng 80% - 95%).
Các cấp chính quyền đã sát sao hơn trong việc quản lý, giám sát, thanh kiểm tra duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn; Triển khai cơ giới hóa trong công tác thu gom vận chuyển; Thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm cải tạo hạ tầng các khu xử lý đáp ứng hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận đảm bảo an toàn chôn lấp rác, xử lý nước rác; Đôn đốc tiến độ hoàn thành các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại đốt và thu hồi năng lượng để phát điện (Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã được cấp phép cho giai đoạn 1, 2 với công suất tiếp nhận rác, xử lý đốt rác phát điện khoảng 3.000 tấn/ngày).
Đối với việc cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp thành phố, chỉ số Hài lòng (SIPAS) năm 2022 của thành phố Hà Nội đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, là năm thứ 5 liên tiếp ở vị trí này.
Trong 6 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác CCHC gắn với việc thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính./.