Hà Nội có bao nhiêu trường quốc tế chuẩn?

Theo vov.vn| 09/08/2019 18:37

LS Đặng Văn Cường cho biết, chỉ một số trường đặc biệt được mở ra vì mục đích ngoại giao mới thực sự được công nhận là trường quốc tế tại Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập, nhiều mô hình giáo dục tiên tiến được du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng nhận được sự đón nhận của phụ huynh. Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng để con được học trong các trường học “quốc tế”. Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản pháp luật liên quan đến ngành giáo dục chưa hề có nội dung quy định cụ thể thế nào là trường quốc tế. Một lãnh đạo ngành giáo dục quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng việc các trường gắn mác quốc tế vào tên trường chỉ nhằm mục đích thu hút thí sinh, tăng học phí.
ha noi co bao nhieu truong quoc te chuan? hinh 1
Nhiều trường được gắn mác "quốc tế" nhằm thu hút học sinh. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, Ths, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 48 Luật giáo dục 2005 quy định Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây: Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động. Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.

Như vậy, tại Việt Nam chưa có quy định về trường quốc tế và cũng không có văn bản hay tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường này.

LS Cường cho rằng, tiêu chuẩn của thế giới về trường quốc tế gồm 3 tiêu chí: Trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau; phải sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến như tiếng Anh, không sử dụng tiếng bản địa; phải đào tạo theo chương trình được nhiều nước công nhận, có thể học lên lớp cao hơn, hoặc thi vào đại học quốc tế.

Hiện nay, các trường quốc tế hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai.

“Hiện nay, tại Việt Nam khái niệm trường quốc tế chưa có ranh giới rõ ràng. Muốn phân biệt trường quốc tế với các trường khác thì phân biệt theo chương trình giảng dạy và đối tượng học, vốn đầu tư. Về vốn đầu tư thì có nhiều hình thức, vốn đầu tư trong nước nhưng dạy chương trình nước ngoài và vốn đầu tư nước ngoài dạy chương trình nước ngoài.

ha noi co bao nhieu truong quoc te chuan? hinh 2
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Hiện nay, Luật chưa có các quy định rõ ràng về trường quốc tế. (Ảnh: KT)

Trên địa bàn Hà Nội có các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập là trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga. Bên cạnh đó, còn có các trường có vốn đầu tư của nước ngoài như Kinderworld/SIS (của Singapore), Horizon (Thổ Nhĩ Kỳ)… còn nhiều trường vốn đầu tư Việt Nam nhưng dạy theo chương trình nước ngoài như BIS & BVIS, Trường chuẩn quốc tế BIS tại Vinhomes Riverside, trường quốc tế Hà Nội...” LS Cường cho biết.

Cũng theo LS Đặng Văn Cường, Nghị định số: 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho phép cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài dạy kết hợp cả chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài đảm bảo mục tiêu giáo dục Việt Nam, dạy tích hợp.

Điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đối với dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông là phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng. Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức quy định trên.

 Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, trong đó đối với cơ sở giáo dục phổ thông.

Về đội ngũ nhà giáo đối với cơ sở giáo dục phổ thông thì Giáo viên ít nhất phải có trình độ đại học sư phạm hoặc tương đương; Số lượng giáo viên ít nhất phải bảo đảm tỷ lệ: 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học, 1,95 giáo viên/lớp đối với trường trung học cơ sở và 2,25 giáo viên/lớp đối với trường trung học phổ thông; Số lượng học sinh/lớp không vượt quá 30 học sinh/lớp đối với trường tiểu học, 35 học sinh/lớp đối với trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Về việc tiếp nhận học sinh Việt Nam thì cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam vào học chương trình giáo dục của nước ngoài. Số học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục.

Không đảm bảo tiêu chí, tên trường vẫn có “quốc tế” là lừa đảo?

LS Đặng Văn Cường chỉ rõ, Điều 5 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ trường THCS, trường THPT, việc đặt tên trường được quy định như sau: Trường THCS (hoặc:THPT; tiểu học và THCS; THCS và THPT; tiểu học, THPT chuyên) + tên riêng của trường.

Đối với Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thì theo Điều 29 Nghị định số: 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định: Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng; Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Theo đó, pháp luật không có quy định về việc đặt tên “quốc tế” mà các trường đặt theo tên nước ngoài tự nhận là trường "quốc tế" chỉ nhằm mục đích để thu hút người học vì có thể trong chương trình dạy của họ có một số giáo viên nước ngoài và chương trình dạy có một phần dạy theo chương trình của nước ngoài.

 Cách đặt tên này không sai vì không vi phạm thuần phong mỹ tục. Khái niệm trường quốc tế ở Việt Nam chưa định nghĩa được vì chưa có văn bản nào quy định thế nào là trường quốc tế.

“Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước chưa được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường.

Chỉ có một số ngôi trường đặc biệt được mở ra vì mục đích ngoại giao mới thực sự được công nhận là trường quốc tế tại Việt Nam. Đó là các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập là trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga”, LS Cường cho biết.

Tuy nhiên, theo LS Đặng Văn Cường, trong trường hợp các trường học tư thục không có giáo trình nước ngoài, không có chương trình học của nước ngoài, không có giáo viên nước ngoài mà lại tự nhận là trường quốc tế để thu tiền cao hơn các trường tư thục khác thì hành vi này là gian dối trong lĩnh vực đào tạo, tùy vào tính chất mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chuyên gia pháp lý này cũng cho rằng, các bậc phụ huynh khi chọn trường cho co cần tìm hiểu kỹ về môi trường học tập, tránh lựa chọn theo tên. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng cần có những văn bản quy định chặt chẽ về các loại, tên trường, các loại hình trường học trong đó có cần phân loại để làm rõ thế nào là trường quốc tế, trường tư thục trong nước. Tránh trường hợp một số cơ sở lợi dụng sơ hở, nhập nhèm, dùng mác “quốc tế” để lừa dối phụ huynh./.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
  • Khởi động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết"
    Ngày 21/11, Fumakilla Việt Nam đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” trong việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội có bao nhiêu trường quốc tế chuẩn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO