Hà Nội: Chỉ đạo giữ gìn, bảo tồn các yếu tố gốc của di tích

Thạch Vũ| 06/12/2022 09:24

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4033/UBND-KGVX về thực hiện đúng quy định trong hoạt động tu bổ di tích thuộc địa bàn thành phố.

z3936793587970_de85560772dd345ccfacef5e1c832945.jpg
Di tích Hoàng thành Thăng Long.

Để bảo đảm nguyên tắc, tính đặc thù trong hoạt động tu bổ di tích nhằm giữ gìn, bảo tồn các yếu tố gốc của di tích theo ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Bên cạnh đó, thành lập Hội đồng đánh giá di tích và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng (theo phân cấp), thực hiện các quy định về tu bổ di tích. Đối với công trình kiến trúc gỗ, bảo đảm giữ gìn tối đa các cấu kiện gỗ cổ, gỗ cũ có khả năng tái sử dụng, các bức chạm khắc có giá trị về kỹ mỹ thuật, bảo đảm tính kế thừa; ưu tiên sử dụng các biện pháp thi công, giải pháp kỹ thuật truyền thống trong quá trình hạ giải, tu bổ, lắp dựng; bảo vệ an toàn hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (nếu có), đồ thờ phục vụ nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng và cảnh quan di tích trong suốt quá trình thi công; triệt để sử dụng biện pháp chắp - nối - vá đối với các cấu kiện hư hỏng một phần; chỉ thay thế cấu kiện gỗ cũ, gỗ cổ đã hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá di tích.

Đồng thời, chỉ đạo sát sao, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa, thực hiện đúng quy định về tu bổ di tích theo nhiệm vụ được phân công, phân cấp; không để xảy ra sai phạm, tu bổ sai phép tại các di tích thuộc địa bàn thành phố dưới bất kỳ hình thức nào. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi và công khai nội dung dự án bổ di tích đã được phê duyệt theo quy định nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, lựa chọn đơn vị đủ điều kiện thiết kế, tư vấn giám sát, thi công tu bổ di tích; bảo đảm hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan. Tăng cường phát huy vai trò giám sát cộng đồng, kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình thực hiện, tránh để xảy ra sai phạm, sai phép mới xử lý.

Trong trường hợp có sự cố, sự vụ liên quan đến việc làm hư hỏng, mai một yếu tố gốc, ảnh hưởng hoặc xâm hại giá trị di tích cần báo cáo ngay tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao để phối hợp, có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Khẩn trương thực hiện tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp di tích...

Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện hoạt động tu bổ di tích, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm, kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị của di tích.

Các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn Sở Văn hóa và Thể thao; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích thuộc địa bàn thành phố theo đúng quy định pháp luật.

Bài liên quan
  • Hoài Đức (Hà Nội): chậm trễ Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vĩnh Phúc.
    Trong khi thành phố Hà Nội đang quan tâm đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích, việc này không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc từ hàng trăm năm nay, mà còn tạo động lực cho việc phát huy di sản, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, tại huyện Hoài Đức, dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vĩnh Phúc hiện nay đang bị chậm tiến độ và có dấu hiệu đi ngược lại các quy định về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích của các cơ quan quản lý.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Chỉ đạo giữ gìn, bảo tồn các yếu tố gốc của di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO