Chuyển động Hà Nội

Hà Nội: 6 nguyên tắc sắp xếp, bố trí cán bộ xã, phường khi tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã

Trung Kiên 10:15 13/05/2025

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn số 09-HD/TU về việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hà Nội. Theo đó, Thành ủy Hà Nội nêu rõ 6 nguyên tắc sắp xếp, bố trí cán bộ xã, phường (mới).

Cán bộ chủ chốt cấp xã/phường được bố trí đúng vị trí, quy định, có phẩm chất, năng lực, triển vọng phát triển

Thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

cap-xa-3.jpg
Ngày 29/4/2025, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội. Theo nghị quyết, sau khi sắp xếp, Hà Nội sẽ còn 126 xã, phường (giảm 400 xã, phường so với hiện nay).

Theo chủ trương của Trung ương, kể từ ngày 1/7/2025 sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay, chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội có 2 cấp, gồm cấp Thành phố và cấp xã (xã/phường).

Để thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các quận, huyện, thị ủy nghiên cứu đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, Thành ủy để triển khai thực hiện theo hướng dẫn một số nội dung cơ bản.

Về quan điểm chỉ đạo, Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng đối với công tác cán bộ. Tổ chức lại đội ngũ cán bộ phải gắn với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp (cấp thành phố và cấp xã phường) theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và trách nhiệm giải trình ở cấp cơ sở. Bên cạnh đó, lấy chất lượng đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt bảo đảm cho việc vận hành hiệu quả mô hình chính quyền 2 cấp, gần dân, sát dân, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Mục tiêu sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hà Nội, đó là cán bộ chủ chốt cấp xã/phường được bố trí đúng vị trí, đúng quy định, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.

Hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ trước ngày 1/7/2025, đảm bảo tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp. Thực hiện sàng lọc, tinh giản và điều động hợp lý theo đúng nguyên tắc: “Có vào - có ra; có lên - có xuống”, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với sản phẩm, kết quả công việc.

6 nguyên tắc sắp xếp, bố trí cán bộ xã, phường (mới)

Hướng dẫn số 09-HD/TU về việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hà Nội của Thành ủy nhấn mạnh và đề ra cụ thể 6 nguyên tắc sắp xếp, bố trí cán bộ xã/phường (mới). Cụ thể:

Một là, tổ chức sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ xã, phường mới đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, chuyên nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ; năng lực quản trị hiện đại, tinh thần phục vụ cao; có khả năng vận hành hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp; đáp ứng yêu cầu đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Hai là, phương án nhân sự cấp ủy cấp xã mới thành lập, bao gồm cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện và cán bộ được quy hoạch cấp ủy viên cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động được điều động, phân công về cấp xã và cấp ủy viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

cap-xa-chuong-my.jpg
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ngày 19 - 20/4/2025. Huyện Chương Mỹ thành lập 1 phường và 5 xã sau sắp xếp đơn vị hành chính. Huyện Chương Mỹ sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ có 1 phường và 5 xã. (Ảnh tư liệu).

Ba là, việc sắp xếp, bố trí cán bộ tại các xã, phường mới được xem xét trên cơ sở tổng thể thực trạng đội ngũ cán bộ toàn Thành phố, gắn với công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; lấy cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay làm nòng cốt tại các xã, phường (mới) và thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cơ bản không là người địa phương (đẩy mạnh ở các chức danh khác); điều động cán bộ giữa các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để đảm bảo tính liên thông, đồng bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ toàn Thành phố.

Đồng thời, tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ từ Thành phố về cơ sở và ngược lại (chủ động sắp xếp đội ngũ cán bộ các sở, ban, ngành Thành phố theo Nghị định của Chính phủ), nhất là các đồng chí Thành ủy viên, quy hoạch Thành ủy viên tại các địa bàn trọng điểm. Gắn việc bố trí, sắp xếp căn bộ với việc rà soát, đánh giá toàn diện để sàng lọc, lựa chọn, nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo nguồn quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ, “đưa đúng người vào đúng việc"; tránh khuynh hướng dàn trải, hình thức, nể nang, cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm" trong đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ.

Bốn là, người đứng đầu cấp ủy cùng ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Thành ủy về chất lượng công tác chuẩn bị, dự kiến, đề xuất phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở xã, phường mới. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về cải cách tổ chức, bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó quan tâm rà soát, đề nghị bố trí cán bộ, công chức, viên chức có tư duy, nhận thức, trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Chủ động báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy cho chủ trương hoặc điều động bổ sung cán bộ của Thành phố nếu không có nguồn nhân sự tại chỗ; hoặc đề xuất điều động cán bộ của địa phương mình đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, có phẩm chất đạo đức, có năng lực, kinh nghiệm công tác tốt để bổ sung cho các địa phương, cơ quan, đơn vị khác có nhu cầu.

Năm là, giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ của cấp huyện và cấp xã hiện có trước sắp xếp và thực hiện rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản đúng quy định theo đề án vị trí việc làm. Ngoài ra, việc bố trí cán bộ phải bảo đảm số lượng, cơ cấu hợp lý, cân đối, đồng đều về trình độ, lĩnh vực chuyên môn của cán bộ giữa các xã, phường (mới).

Trước mắt dự kiến bố trí đối với các vị trí cấp trưởng phòng, ban, đơn vị trực thuộc xã, phường (mới) và 1 cấp phó; đồng thời rà soát, chuẩn bị nguồn cán bộ cấp phó (theo thứ tự ưu tiên); sau khi Trung ương có quy định chính thức thì các xã, phường (mới) căn cứ số lượng cấp phó được giao để quyết định theo phân cấp.

Sáu là, không để xảy ra tình trạng trống khuyết, gián đoạn trong lãnh đạo, quản lý địa phương, đồng thời nắm bắt sát tình hình, tâm lý cán bộ, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nguồn nhân lực múa: Từ chuyển động trong đào tạo đến kỳ vọng hệ sinh thái
    Trong những năm gần đây, đào tạo nghệ thuật múa tại Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong hệ thống giáo dục nghệ thuật, cũng như thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống biểu diễn và thị trường lao động văn hóa. Nhu cầu về một thế hệ nghệ sĩ múa có tư duy sáng tạo, khả năng phản biện và hội nhập đang đặt ra yêu cầu mới cho các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp của Khoa Múa - Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội năm 2025 đã cho thấy rõ xu hướng này với nhiều tín hiệu tích cực trong đào tạo song vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ góc độ chính sách và hệ sinh thái nghề nghiệp dành cho nghệ sĩ múa trẻ.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm: “Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải là biểu tượng của văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức và tinh thần phục vụ xã hội”
    Tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiệt liệt chúc mừng những người làm báo cách mạng Việt Nam, đồng thời đặt ra yêu cầu với những người làm báo hiện nay: “Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải là biểu tượng của văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức và tinh thần phục vụ xã hội; góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị nhân văn truyền thống, lan tỏa điều thiện, điều đẹp”.
  • “Báo chí Cách mạng Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang, tự tin, vững bước trong kỷ nguyên mới”
    Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, đã có bài viết “Báo chí Cách mạng Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang, tự tin, vững bước trong kỷ nguyên mới”. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết này tới bạn đọc.
  • Bắc Từ Liêm vận hành thử nghiệm chính quyền hai cấp: Nền tảng cho bộ máy phục vụ hiện đại, hiệu quả
    Hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về xây dựng mô hình chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, quận Bắc Từ Liêm đã chính thức triển khai vận hành thử nghiệm mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp tại các phường mới sau sáp nhập.
  • Chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025
    Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có công điện số 838/CĐ-BGDĐT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: 6 nguyên tắc sắp xếp, bố trí cán bộ xã, phường khi tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO