Giới thiệu Tác giả - Tác phẩm: Tôi viết "Khúc hát sông quê"

18/08/2018 10:37

Cuối tháng 8/2002, Hội Nhạc sỹ VN tổ chức trại sáng tác hợp xướng ở Vũng Tàu, tôi tham gia trại và dồn thời gian viết hợp xướng “Hạt bụi”. Hạt bụi là một thứ nhỏ nhoi, không có gì đáng để ý. Nhưng người ta thường nói, con người cũng chỉ là hạt bụi, sinh ra từ cát bụi rồi trở về với cát bụi. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/Để một mai tôi về làm cát bụi” - (Trịnh Công Sơn)...

Giới thiệu Tác giả - Tác phẩm: Tôi viết

Ký lưu bút cho các em HS Chuyên Văn THPT Phan Bội Châu, TP. Vinh

Tôi suy nghĩ rất nhiều về hình tượng con người bé nhỏ với cuộc sống ngắn ngủi trong thiên nhiên rộng lớn vĩnh hằng, sẽ được diễn tả bằng hình thức hợp xướng. Tôi muốn có cả dàn hợp xướng trăm người, ngàn người để hát về “hạt bụi” nhỏ nhoi…

Đang vật lộn với “hạt bụi” thì ông bạn thơ Lê Huy Mậu (quê xứ Nghệ sống ở Vũng Tàu) đến rủ đi nhậu. Mậu đã kéo tôi ra khỏi dòng mạch cảm xúc đang dồn nén, khá căng thẳng. Thế là đi. Nhậu tưng bừng. Nhậu mút mùa. Nhậu khuya lắm mới về. Trước khi ra về, Lê Huy Mậu đưa tôi mấy bài thơ nhờ xem và nhờ đưa in báo Văn Nghệ cho anh. Chả là lúc đó, Mậu đang viết đơn xin vào Hội Nhà Văn VN. In thêm một chùm thơ trên báo Văn Nghệ của hội sẽ tăng thêm sức nặng cho việc vào Hội của anh. Tôi hứa sẽ đọc và chùm thơ hay thì sẽ đưa in cho anh.

Nhậu xong cũng đã khuya, Mậu chở tôi về phòng rồi chia tay, vì cũng đã say nhừ. Tôi đóng cửa ngủ vùi. Sáng dậy chạy ra biển tắm cho “giã rượu”. Tắm nửa giờ mà khi lên bờ vẫn còn chếnh choáng. Về phòng, tôi thấy trên bàn những bài thơ của Mậu. Chợt nhớ là phải đọc xem sao. Tôi ngồi vào bàn đọc, và khi đọc đến bài thơ dài “Khúc hát sông quê” thì lặng người xúc động.

Đây không phải là một bài thơ độc lập, mà là một chương trong trường ca chưa in của Mậu. Rất lạ là chương trường ca này làm tôi cảm động, nó làm tôi thấy có một điều gì đó thật xa xăm, sâu thẳm cuốn hút tôi. Thì ra, quê Mậu cũng giống quê tôi. Cũng con sông đôi bờ phù sa. Cũng những kiếp người lam lũ. Cũng lòng yêu thương và nhân hậu. Nhưng Mậu đã bắt được cái hồn quê nguyên thủy trong con người quê của Mậu. Mộc mạc, chân tình, nhưng độc đáo và day dứt đến không ngờ:

Quê hương ta nghèo lắm

Ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn

Ta mổ lợn con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt

Cá dưới sông cũng có tết như người

Những câu thơ khiến tôi ứa nước mắt.

Tôi đọc lại bài thơ và chính những câu thơ đầu tiên đã ngân lên âm nhạc: “Quá nửa đời phiêu dạt/Ta lại về úp mặt vào sông quê” (khi đó tôi thay chữ ta bằng chữ con để xác định sông cũng là Mẹ). Rồi tôi đọc lần thứ ba, chọn lọc và viết lại một số câu thơ của anh cho hợp với sự phát triển của âm nhạc. Lần này thì toàn bộ bài hát đã ngân lên trong tôi.

Tôi lấy giấy nhạc ra, và chỉ cần chép lại bản nhạc đã lưu vào bộ nhớ trong đầu tôi. Có những câu nhạc đã vang lên, nhưng lời thơ lại không hợp với các nốt nhạc. Tôi cứ để trống phần lời, vì với tôi, khi viết nhạc, tôi rất chú trọng đến khúc thức bản nhạc, như âm nhạc là một tác phẩm độc lập, không phụ thuộc vào lời thơ. Khi phổ nhạc cho thơ, tôi không thích âm nhạc phải “chạy theo” thơ, đánh mất tính độc lập của nó để rồi cuối cùng chỉ thành một tác phẩm “hát thơ”.

Tôi muốn nó là một nhạc phẩm hoàn chỉnh, chỉ dựa trên cảm xúc của thơ, dựa vào lời thơ để làm nên một sáng tạo mới trong một loại hình khác. Khi viết xong phần nhạc, tôi viết lời cho những câu nhạc còn để trống. Nhiều câu thơ không thể bê nguyên xi vào bản nhạc được, ví dụ:

Này dòng sông

Ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ

Phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta

Sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế

Mẹ cho ta một xu bánh đa vừng

Tôi phải viết lại cho hợp với âm nhạc:

Ơi con sông quê, con sông quê

Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ

Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng

Hoặc trong thơ Mậu viết:

Trên bãi sông

Ta trồng cây cải tươi

Ta ăn lá còn bướm ong thì hút mật

Lúa gặt rồi - còn lại rơm thơm.

Giới thiệu Tác giả - Tác phẩm: Tôi viết

Giới thiệu Tác giả - Tác phẩm: Tôi viết

Nhà thơ - Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, ca sỹ Anh Thơ, Nhà thơ Lê Huy Mậu

Tôi rất thích câu “lúa gặt rồi - còn lại rơm thơm”. Nhưng để giữ được câu đó, tôi phải dẫn dắt bằng những hình ảnh quen thuộc ở chốn sông quê “con cá dưới sông, cây trồng trên bãi” - như một sự hiển nhiên. Nhờ cái sự hiển nhiên đó mà nó làm “đòn bẩy” cho câu tiếp theo “Lúa gặt rồi - còn để lại rơm thơm” mang được ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc bất ngờ.

Nói chung, ca từ nhiều khi mang tính ước lệ mà vẫn tạo được ấn tượng mạnh vì nó đã có âm nhạc mang vác, chuyển tải, chắp cánh.

Và cuối cùng là câu kết, gói lại, cũng là mở ra hình tượng con sông quê, chính là hình tượng người mẹ, hình tượng quê hương mãi mãi trào dâng trong tâm trí mỗi người: “Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”. Câu thơ này không có trong bài thơ. Khi viết xong bài hát, tôi tặng Lê Huy Mậu câu này để kết bài thơ và Mậu rất vui.

Bài hát viết xong khá nhanh. Có lẽ, đây là bài hát tôi viết nhanh nhất trong đời viết nhạc của mình. Lúc ấy mới gần 8 giờ sáng. Trong bản thảo đầu tiên của bài hát này được ghi “Vũng Tàu, ngày 2/9/2002”.

Tôi vui mừng gọi điện thông báo cho Lê Huy Mậu và bảo anh đến nghe rồi cùng đi ăn sáng. Mậu phóng xe máy đến, ngồi trên chiếc giường trải drap trắng phẳng lì. Tôi pha ấm trà nóng rồi hát cho Mậu nghe. Mậu nghe chăm chú, đến câu kết thúc thì bất ngờ anh nằm ngã ngửa trên giường, hai tay giang ra như một cây thánh giá.

Tôi nhìn mặt anh như sưng vênh lên với tình cảm khó tả. Tôi hỏi: “Sao ông lại nằm đuỗn ra thế? Phổ vậy được không?”. Chợt anh ngồi vùng dậy và nói một câu khá bất ngờ với tôi: “Anh làm tôi nổi tiếng đến nơi rồi! Bài hát này tôi tin là mọi người sẽ hát…”.

Chúng tôi đi ăn sáng cho đến chiều tối thì nhận được điện của nhóm ca sỹ Hà Nội đang hát ở Vũng Tàu. Cuộc gặp gỡ đêm ấy bên bờ biển, NSND Thu Hiền đã cầm bản nhạc hát cho mọi người nghe và chị nói vui: “Anh cho Thu Hiền độc quyền bài này nhé”. Sau đó, Thu Hiền thu thanh ở Sài Gòn và lấy tên Allbum là “Khúc hát sông quê”.

Khi trở lại Hà Nội, tôi đưa bài này cho VTV và chọn giọng hát Anh Thơ. Tôi có nghe Anh Thơ hát vài lần và nghĩ, giọng Anh Thơ sẽ hợp với bài hát này, sự trong sáng và chuẩn mực sẽ làm cho bài hát đẹp, mượt mà hơn. Tôi đem bản nhạc đến nhà cho Anh Thơ. Anh Thơ đang nấu bếp, phục vụ ông bố chồng bị ốm, nhưng cũng dành chút thời gian xem bản nhạc và nghe tôi hát qua vài lần.

Anh Thơ có vẻ thích thú, vừa nấu bếp vừa tập và nhận lời thu tiếng, thu hình bài hát này. Khi thu thanh, Anh Thơ đã gần như thuộc bài hát. Chỉ thu vài lần là "OK". Các kỹ thuật viên của đài vì quá thích nên đã “cóp” đĩa về nhà nghe, dù không được phép. Vài tuần sau đó, bài hát được giới thiệu lần đầu tiên trong chương trình Tác phẩm mới của VTV. Tôi không ngờ nó lại được công chúng yêu chuộng đến thế. Hầu như từ đó, ngày nào bài hát này cũng được hát nơi này nơi khác, rồi nó trở thành một “hội chứng” mang tên Khúc hát sông quê.

Cuối năm đó, Lê Huy Mậu được kết nạp vào Hội Nhà Văn với số phiếu tuyệt đối. Thỉnh thoảng anh gọi điện cho tôi kêu khổ vì "fan" mời bia rượu suốt ngày, nhiều hôm mệt lử. Rồi đến đại hội văn nghệ tỉnh, anh em bầu Mậu làm Chủ tịch hội, vì anh sở hữu sự nổi tiếng nhất Bà Rịa - Vũng Tàu. Lại có người Việt ở hải ngoại mê bài hát này muốn mời cả "Nhạc và Lời" ra nước ngoài chơi...

Tôi đến châu Âu, Châu Mỹ, lần nào cũng được nghe Việt kiều hát “Khúc hát sông quê” với thật nhiều thiện cảm. Có người vì quá yêu bài hát này mà sẵn sàng đưa tác giả đi đây đi đó quên cả việc riêng, khiến tôi không thể nào quên được.

Đời một người sáng tác, hạnh phúc là tác phẩm của mình được công chúng đón nhận và yêu thích. Nhưng hạnh phúc nhất với tôi là nó được người làng tôi tâm đắc, chia sẻ và tự hào. Vâng, làng quê, nơi cất dấu và hiến dâng cho ta bao tài sản tinh thần vô giá… Xin mãi mãi cảm tạ làng quê!...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
  • Chợ Bến Thành được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
    Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đừng bỏ lỡ
Giới thiệu Tác giả - Tác phẩm: Tôi viết "Khúc hát sông quê"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO