Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

Bùi Việt Thắng| 20/08/2018 06:49

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là một thi sĩ - kịch gia tài năng trên văn đàn Việt Nam hiện đại (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000). Với “Nhật ký Lưu Quang Vũ - Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường” giúp chúng ta một lần nữa khám phá vẻ đẹp tâm hồn và tài năng văn chương chín sớm của người nghệ sỹ ngôn từ. Đúng như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết “Nhà văn là người nặng lòng với cuộc đời, con người”.

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Lưu Quang Vũ

“Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi”

Văn hào Nga M. Gorky viết “Nghệ sỹ là tai, là mắt của nhân dân”. Mười lăm tuổi nhưng Lưu Quang Vũ đã sớm chín muồi ý thức công dân, biết tìm ra mối liên hệ máu thịt giữa mình với quê hương, đất nước. Các sự kiện lịch sử trọng đại đã không “vụt qua” như cách tuổi trẻ bây giờ ít người quan tâm đến.

“Tự nhiên, muốn viết một cuốn hồi ký dài về tuổi thơ của mình và những người thân, có lẽ là lấy tên Ký ức ngày thơ. Cuốn hồi ký mình không có ý định sáng tác, chỉ ghi lại cho mình những kỷ niệm và những tài liệu sáng tác rất quý. Kẻo sau này lớn lên, quên hết những ngày kháng chiến gian khổ mà mình đã sống”. Ngày nay, có lẽ rất ít thanh thiếu niên sớm có cái ý thức: “Đi xem phim ở Bảo tàng Cách mạng - nghe trình bày ở sa bàn Điện Biên Phủ: Đứng trước niềm tự hào của dân tộc đây. Vĩ đại thật. Rất kiêu hãnh được làm dân của một đất nước anh hùng, của Việt Nam, Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ”. Khi thi sĩ tương lai còn là một trang thiếu niên khôi ngô tuấn tú nhưng đã sớm biết lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ với đồng bào miền Nam đi trước về sau: “Mấy hôm nay, tin đấu tranh của miền Nam thân yêu dồn dập bay ra, đem lửa vào lòng mình, ngày 10, một nhà sư tự thiêu mình giữa Sài Gòn, người nữ phát thanh viên vừa báo tin này vừa nức nở khóc. Cả miền Nam đang sôi lên. Trong lòng rạo rực vô cùng. Đất nước ơi! Sao mà rung chuyển lòng ta: nước mắt và lửa cháy, lửa cháy, lửa cháy!”. Thi sĩ tương lai lúc nào cũng trải lòng mình với đồng bào, đất nước, quê hương: “Trưa, nghe đài báo tin về Đà Nẵng: Nơi quê nội thân yêu ta chưa hề tới đang bị giày xéo vì giày đinh của quân thù, nơi ấy đang có những thằng giặc Mỹ! Ôi, Đà Nẵng. Tuy ta chưa về Đà Nẵng, nhưng gió biển, nắng biển, trời xanh Đà Nẵng đã ở trong tâm hồn ta, qua người bố Đà Nẵng của ta. Quê hương ơi! Bao giờ ta gặp nhau? Ngày ấy không xa nữa. Lòng ta bỗng lớn lên, cao lên, vì nỗi căm giận này”. Những dòng nhật ký này được viết ngày 14/12/1964. 

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
“Ngày ấy không xa nữa” là trong lòng thi sĩ. Còn hiện thực lịch sử thì phải chờ đến 11 năm sau (ngày 29 tháng 3 năm 1975) Đà Nẵng thân yêu mới được giải phóng. Tuổi trẻ ngày nay dường như ít quan tâm đến lịch sử nước nhà, thế nhưng lại nhớ lịch sử của nước khác. Đó là một nghịch lý. Nên khi đọc nhật ký Lưu Quang Vũ lại càng trân quý chàng thiếu niên 16 tuổi nhưng đã biết lưu giữ ký ức lương thiện. “Thứ bảy, 19/12. Ngày toàn quốc kháng chiến. Cũng ngày hôm nay 18 năm về trước, Hà Nội chặt ngả cây làm chiến lũy, đem giường, đem tủ, piano ra chặn bước quân thù… Từ đó bắt đầu những ngày chiến đấu oanh liệt và gian khổ. “Dân tộc ta một dân tộc anh hùng”. Cảm ơn tất cả, nhờ đất nước, nhờ nhân dân, ta sinh ra đời không phải sống ngày nô lệ. Hứa với những người đã khuất, hứa với những người đang còn sống, suốt đời tôi, tôi sẽ làm việc và chiến đấu”. Thi sĩ tương lai không hứa suông. Mười bảy tuổi anh đã “xếp bút nghiên ”. Mười bảy tuổi mặc áo lính. Mười bảy tuổi đã thực sự hiên ngang khí phách: “Quân thù đã tới rồi đó Hà Nội ơi! Và ta lại ra đi rồi đó, ta chỉ xuống sông Hồng cuộn sóng mà một lần nữa thề rằng: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những dòng nhật ký cuối cùng này ghi ngày 8/10/1965. Đọc nhật ký Lưu Quang Vũ, liên hệ với những cây bút trẻ hiện nay, thấy có một độ chênh quá lớn, khi họ chỉ “giỏi thêu thùa cho bản thân mà kém vá may cho người đời”.

Văn chương là nghề cao quý

Hạt giống văn chương sớm được gieo mầm trong tâm hồn Lưu Quang Vũ. Bắt đầu làm thơ từ khi mười tuổi, mới học lớp 4. Những vần thơ trong trẻo, thơ ngây, hồn nhiên và vô tư. Năm mười lăm tuổi thì bắt đầu có ý thức nghề nghiệp: “Thơ lớp 4 thì viết rất trẻ con, chưa biết làm. Lớp 5 sôi nổi hơn, lớp 6 cũng vậy, nhưng ít hơn. Lớp 7 bắt đầu có cảm xúc, có tứ thơ nhưng còn rất non, lớp 8 thì vững hơn. Sang năm 63 thì tứ thơ càng già hơn nữa (già: già dặn)”. Những “tổng kết sớm”  này được viết vào ngày 26/2/1963. Mười lăm tuổi đầu, tóc còn xanh, nhưng đã sớm tự ý thức về nghề văn rất nghiêm túc “Muốn đem hết sức mình mà làm thơ, mà viết văn để ca ngợi cuộc sống, để phục vụ cho đời mến yêu”. Đọc nhật ký Lưu Quang Vũ, liên hệ tới quan niệm văn chương của một số nhà văn đương thời coi văn chương rốt cuộc chỉ là “một trò chơi vô tăm tích”, hay là “cuộc chơi chữ nghĩa” thuần túy để thấy sự khác nhau một trời một vực giữa một nhà văn tài năng chân chính và một nhà văn thời thượng, bây giờ rất nhiều. Nhưng như người ta nói, không có sự trưởng thành nào, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, hoàn toàn có tính bột phát, ngẫu nhiên, chỉ dựa thuần túy vào bản năng và năng khiếu “trời cho”. Trái lại là sự rèn đúc từ sớm, là sự tiếp biến sáng tạo truyền thống, là sự học hỏi không mệt mỏi tiền nhân. Trước hết, với Lưu Quang Vũ, là ảnh hưởng to lớn không thể chối cãi từ bậc sinh thành, nhà văn - kịch gia Lưu Quang Thuận. Đây là một mẫu hình “cha và con” những người nổi tiếng, đặc biệt trong giới nghệ thuật. Thi sĩ tương lai Lưu Quang Vũ suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình đinh ninh lời người cha dặn dò: “Con muốn làm nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ, hay nhà thơ, thì trước nhất, con hãy làm Người đi đã”. LÀM NGƯỜI! Hai tiếng đó vang lên thiêng liêng và thiết tha biết bao trong tâm can chàng thiếu niên Lưu Quang Vũ, khi anh chỉ mới 15 tuổi tròn. Từ bấy cho đến ngày ra đi vĩnh viễn (1988), Lưu Quang Vũ nguyện phấn đấu làm Người trước khi làm nghệ sĩ, nghệ thuật. Người ta nói, với nghệ sĩ sáng tác quan trọng nhất chính là quan niệm về cái Đẹp (hay là lý tưởng thẩm mỹ). Từ rất sớm, Lưu Quang Vũ đã xác tín: “Trước kia mình quan niệm cái đẹp thật là bề ngoài. Sáng nay, mình thấy tất cả mọi cái  đều đẹp cả: từng cái lá, nóc nhà, hòn đất, bức tường, đều đẹp”.

“Tháp ngà” hay cuộc đời?

Mười lăm tuổi mà thi sĩ tương lai đã chín chắn như một cây bút trải qua lửa đỏ và nước lạnh, sớm già dặn: “Mình không rút lui vào tháp ngà nghệ thuật đâu, nhưng mình sẽ để tâm hồn vào những việc khác kia: vào những cái cao đẹp hơn. Nghĩa là sẽ để dành một nửa bộ óc cho các việc xã hội, xã giao. 1/10 trái tim cho tình yêu còn 9/10  trái tim và một nửa bộ óc còn lại cho nghệ thuật”. Đó là những bước đi đầu tiên nhưng đã không còn run rẩy, loạng choạng của một người “lính mới” trên văn đàn. Bởi con đường anh đi đã được lát bằng những tín điều vững chãi: “Tôi nói chuyện và đi chơi với Bùi Vũ Hiển, người bạn văn thơ. Hai thằng tranh luận về vấn đề sáng tác, ý kiến không thống nhất. Mình không đồng ý với cậu ta ở chỗ: cậu ta cho cái quan trọng nhất của người viết văn là óc tưởng tượng (tư duy trừu tượng). Còn mình thì cho là: quan trọng nhất là cuộc sống và tình cảm của người viết: ví dụ như một nhành khô đâm chồi, người khác thì không để ý tới nhưng người viết văn thì phải thấy rung động, phải có một tâm hồn nhạy cảm đối với cả từng mùi hương”. Những rung động, cảm xúc tươi mới, dồi dào ấy thi sĩ tương lai biết tìm ra ngay chính từ đời sống. Cái đẹp chính là cuộc sống. Theo cách diễn đạt của Lưu Quang Vũ thì, anh biết ơn cuộc đời đã đem lại thi hứng, thi liệu, thi ảnh cho thơ ca nói riêng, cho văn chương nói chung: “Cảm ơn cuộc đời, cảm ơn đất nước đã đem đến cho tôi bao nhiêu cảm xúc”. Một lần đi xem bộ phim Nga Phục sinh (dựa theo tiểu thuyết của văn hào Nga vĩ đại thế kỷ XIX L.Tôn-xtôi), thi sĩ tương lai đã viết vào nhật ký: “Chúng ta không những phê phán cái xấu mà phải cứu vớt con người”. Cứu vớt con người chính là cứu vớt linh hồn họ, để họ được sống đầy đủ nhất theo nghĩa rộng của hai chữ TỰ DO. Đó là tư tưởng căn bản chi phối toàn bộ sáng tác của Lưu Quang Vũ về sau ( khúc xạ trong vở kịch được đưa vào sách Ngữ văn 12 -Hồn Trương Ba da Hàng thịt).

Lưu Quang Vũ không phải “kém” về trí tưởng tượng, trái lại trí tưởng tượng của thi sĩ rất phong phú, giàu có. Nhưng anh vẫn đề cao sự sống, coi đó là nguồn sữa nuôi dưỡng sáng tác. Người nghệ sĩ không chỉ sống trọn vẹn cuộc đời mình mà cao hơn phải sống cả đời sống bao la của “thiên hạ”. Anh xác tín: “Người cầm bút phải sống gấp nhiều lần người thường. Vì anh ta không chỉ phải sống cho anh mà còn sống cho muôn vạn sáng tác của anh, của bao nhiêu người. Thật là “đêm thẳm ngày trường””. Không biết thi sĩ tương lai có phải là một “nhà chiêm tinh” cho chính số phận của mình hay không, nhưng khi chỉ mới 16 tuổi đời mà đã tiên cảm đau đớn: “Vậy cho nên, cuộc sống ngắn ngủi lắm, con người trôi qua một cuộc đời, rất ngắn, 10 năm sống thêm không phải là vấn đề chính (...). cho nên “Ý nghĩa của cuộc đời không phải là sống nhiều năm mà là làm việc nhiều”.

Có lẽ vì thế mà sống trên thế gian ngày nào là ngày đó thi sĩ tương lai đã làm việc quần quật, không mệt mỏi. Và anh không hão huyền, hoang đường khi chọn nghệ thuật làm lẽ sống, đã ý thức được rất sớm: “Nghệ thuật là một con đường gian lao, nhưng như lời bố nói tối nay: “Người nghệ sĩ phải tìm ra cái đẹp trong mỗi sự việc của cuộc đời”. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO