Theo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11-11-2016, Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% mức thu phí với việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Thức ăn chăn nuôi nằm trong danh mục được Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu phí. Ảnh: Bá Hoạt |
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm mức thu phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1,8 triệu đồng xuống 1,6 triệu đồng/hồ sơ, phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng/mặt hàng; phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi từ mức 120 triệu đồng xuống 105 triệu đồng/lần. Bộ Tài chính cũng đề xuất bãi bỏ phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc 200.000 đồng/hồ sơ; đề nghị bỏ lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn...
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sau khi xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương về việc sửa đổi nêu trên, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10-2017.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đề xuất giảm hàng loạt loại phí do Bộ Tài chính đề xuất là tin vui với cộng đồng doanh nghiệp. Đánh giá về đề xuất giảm hàng hoạt loại phí liên quan đến doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Đây là chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Trong số các đề xuất đợt này, có những khoản phí giảm thiết yếu như lệ phí thành lập doanh nghiệp với mức giảm 50% (từ 200.000 xuống 100.000 đồng). Đề xuất này dự kiến sẽ giúp khoảng 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới hàng năm hưởng lợi.
Các chuyên gia cho rằng, xét về ngắn hạn, đề xuất giảm phí có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng về lâu dài sẽ tạo ra những động lực tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Cần những chính sách hỗ trợ thiết thực
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi một loạt thông tư nhằm giảm hàng loạt phí cho doanh nghiệp là xu hướng tích cực, là hành động cụ thể nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, đề xuất trên được các doanh nghiệp đón nhận tích cực, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi doanh nghiệp nhỏ thường có nguồn vốn hạn hẹp, khả năng tiếp cận đất đai cũng như vốn tín dụng ngân hàng đều yếu thế hơn so với các doanh nghiệp lớn, nên việc này sẽ giúp họ cắt giảm chi phí, góp phần giúp doanh nghiệp vững vàng hơn trên bước đường kinh doanh.
Tuy vậy, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, có nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nên hạn chế các hỗ trợ mang tính trực tiếp, thay vào đó, cần tập trung vào các hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, giúp họ có điều kiện, năng lực để “lớn lên”, nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh, từ đó sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, nên hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục thuế, chế độ kế toán theo hướng đơn giản, nhằm giúp các doanh nghiệp tăng tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, góp phần tạo ra thu nhập cao hơn cho doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết phiên họp tháng 8-2017, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tiếp 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017 và phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cũng chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo các giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Bộ Tài chính được giao tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, giảm phí liên quan đến doanh nghiệp; phân tích, đánh giá tác động của đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng. |