Giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất: Những giải pháp thiết thực!

theo hanoimoi.com.vn| 24/07/2017 10:28

Hà Nội là một trong những địa phương phải tiến hành thu hồi diện tích đất lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng với quá trình thu hồi đất, các cấp, các ngành chức năng của Hà Nội đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giải bài toán việc làm, trong đó trọng tâm là hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo nhu cầu thực tế, để bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

Giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất: Những giải pháp thiết thực!
Sau thu hồi đất, việc học nghề là rất cần thiết nhằm giúp người nông dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Sơn Hà

Khó tìm việc làm mới

Theo kết quả khảo sát mới nhất của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, mỗi héc ta đất canh tác nông nghiệp có thể tạo việc làm cho 13 lao động/năm và trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động mất việc làm. Với hàng vạn héc ta đất nông nghiệp đã thu hồi để phục vụ cho các dự án phát triển nhà ở, cụm công nghiệp, giao thông…, Hà Nội có hàng trăm nghìn lao động nông nghiệp cần tìm việc làm mới.

Do thói quen sản xuất, chưa qua đào tạo nghề, nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi việc làm. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy, tỷ lệ lao động không có việc làm trước khi bị thu hồi đất trên địa bàn Hà Nội là 4,7%, sau khi thu hồi đất con số này tăng lên hơn 10%. Đáng lo hơn, trung bình 1.000 lao động bị thu hồi đất thì chỉ có 190 người dùng tiền đền bù để đi học nghề và 90 người được tuyển dụng.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, không riêng Hà Nội, mà hầu hết các tỉnh, thành phố đều gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất. Khi tuyển dụng, doanh nghiệp đòi hỏi lao động phải đáp ứng yêu cầu của công việc, nhưng thực tế chỉ có 27,23% lao động bị thu hồi đất tốt nghiệp trung học phổ thông và 14% lao động được đào tạo nghề.

Để khắc phục khó khăn, những năm qua, các ngành chức năng của Hà Nội đã, đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ở các địa phương có nhiều đất nông nghiệp bị thu hồi từng bước ổn định. Theo ông Nguyễn Viết Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, huyện Hoài Đức, xã có 400/490ha đất với 2.100 hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp. 

Thực hiện chủ trương hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm của UBND thành phố, xã An Khánh phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức khảo sát nhu cầu thực tế và mở nhiều lớp dạy nghề cho người dân. Sau khi được học nghề, nhiều hộ gia đình đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. “Thời gian đầu bị thu hồi đất, các thành viên trong gia đình loay hoay không biết làm gì để có thu nhập. Sau khi được hỗ trợ học nghề, tôi đã tận dụng quỹ đất vườn của gia đình và thuê thêm đất để trồng hoa, cây cảnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 300 đến 400 triệu đồng/năm”, ông Trần Văn Hà, thôn Vân Lũng, xã An Khánh chia sẻ.

Tương tự, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức có tới 80% diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn ổn định, phát triển nhờ được học nghề phù hợp như nấu ăn, vi tính văn phòng, trồng hoa, cây cảnh... Các địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi như quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh, Sóc Sơn... cũng đã hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm mới cho hàng nghìn lao động mỗi năm. Cụ thể tại quận Bắc Từ Liêm từ năm 2011 đến nay, đã đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động bị thu hồi đất theo nhu cầu và đa số người lao động qua đào tạo nghề đã tìm được việc làm.

Hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu
Giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất: Những giải pháp thiết thực!
Người nông dân cần được tạo điều kiện đào tạo nghề sau thu hồi đất để có công việc thường xuyên, ổn định cuộc sống. Ảnh: Sơn Hà

Nhằm bảo đảm tương lai cho người dân khu vực đã thu hồi đất, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND ngày 13-7-2017 về hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất. Theo đó, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp hoặc đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ, phải di chuyển chỗ ở sẽ được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp đào tạo dưới 3 tháng, trình độ trung cấp hoặc cao đẳng. Lao động có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp được chủ động đăng ký ngành, nghề; học nghề trung cấp hoặc cao đẳng được hỗ trợ học phí theo các quy định hiện hành. 

Lao động bị thu hồi đất còn được tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí tại các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. Những lao động bị thu hồi đất đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ lên tới 3 triệu đồng/người/khóa học, hỗ trợ chi phí bồi dưỡng 530 nghìn đồng/người/khóa học... Người lao động cũng được ưu tiên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, tạo việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Hà Đông, Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND có nhiều điểm mới, mở rộng và phù hợp hơn so với các quy định trước. Bà Nguyễn Thị Thảo khẳng định: Việc tạo điều kiện cho người dân đăng ký học nghề theo nhu cầu sẽ tránh được tình trạng đào tạo trùng lặp, dư thừa. Còn tại huyện Đông Anh, theo ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện, đến nay, trên địa bàn huyện có gần 6.000 trường hợp được phê duyệt hỗ trợ học nghề. Riêng xã Nguyên Khê có 3 dự án giải phóng mặt bằng đã được huyện ưu tiên hỗ trợ học nghề cho 1.312 trường hợp dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động cũng như hướng tuyển dụng của doanh nghiệp.

Với sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của UBND thành phố cùng những cách làm linh hoạt, sáng tạo của một số địa phương, người lao động bị thu hồi đất ở Hà Nội đã, đang và sẽ từng bước có cuộc sống ổn định và phát triển. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
  • Trao 15 giải thưởng cuộc vận động sáng tác “Bài ca thống nhất”
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác “Bài ca thống nhất” vừa tổ chức trao 15 giải thưởng cho các tác giả – tác phẩm xuất sắc nhất tham gia cuộc vận động.
  • Khởi động Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025
    Ngày 31/3, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Lễ khởi động chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2025 và Tọa đàm “Giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động sau thiên tai”.
  • Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ra chỉ thị giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đột phá để Hà Nội tăng trưởng GRDP 8% trở lên
    Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đột phá để quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của Thành phố đạt 8% trở lên.
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất: Những giải pháp thiết thực!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO