Quy định yêu cầu khách quốc tế khi đến Việt Nam phải cách ly 7 ngày đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp.
Đi bằng hàng không là an toàn nhất
Ngày 10/11, tại Hà Nội diễn ra buổi Tọa đàm về chủ trương mở đường bay quốc tế với sự tham gia của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, đại diện các DN vận tải cùng nhiều chuyên gia.
Tại buổi tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, kế hoạch mở lại đường bay quốc tế thường lệ xuất phát từ đòi hỏi cuộc sống để tái lập các chuyến bay chở khách phục vụ ngoại giao, thương mại, du lịch.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, hiện nay, Việt Nam đã thay đổi quan điểm sang sống chung với Covid-19, linh hoạt thích ứng với dịch bệnh để phát triển kinh tế. Đặc biệt, những chuyến bay thí điểm chở người Việt Nam ở nước ngoài về nước được thực hiện trong thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực mà điển hình là không có trường hợp nào lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo ông Võ Huy Cường, thành công từ những chuyến bay thí điểm chở công dân Việt Nam hồi hương thời gian qua chính là bằng chứng quan trọng, cho thấy năng lực tổ chức, chống dịch của các khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn.
Về năng lực của y tế địa phương, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng, chúng ta không cần quá lo ngại về sự quá tải của y tế địa phương khi đón khách du lịch nhập cảnh từ nước ngoài. Bởi hiện nay, năng lực xét nghiệm của địa phương đã được nâng cao, hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu.
Ông Võ Huy Cường chia sẻ thêm về một thông tin đáng chú ý, đó là trong cuộc họp thượng đỉnh Tổ chức hàng không thể giới ICAO diễn ra vào tháng 9/2021 vừa qua có họp bàn về việc phòng, chống lây lan dịch bệnh Covid-19 bằng đường hàng không. Trong đó, thống kê được công bố cho thấy, từ khi diễn ra dịch bệnh có hơn 1 tỷ lượt hành khách đi lại quốc tế và chỉ có 41 trường hợp lây nhiễm trên tàu bay.
“Đi lại bằng đường hàng không đến thời điểm hiện tại vẫn là an toàn nhất, dễ kiểm soát nhất. Từ khi xuất cảnh lên tàu bay đến khi nhập cảnh trở lại, chúng ta hoàn toàn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, chủ động ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng” – ông Võ Huy Cường khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng cần rút ngắn thời gian cách ly 7 ngày đối với du khách (Ảnh: Lê Anh). |
|
Thời gian cách ly 7 ngày của du khách phải được rút ngắn lại
Một trong những nội dung rất được quan tâm tại buổi tọa đàm là quy định hành khách đến Việt Nam phải cách ly 7 ngày để phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) Nguyễn Lê Phúc cho biết, theo theo hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, sau nhập cảnh hành khách phải cách ly y tế 7 ngày.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Phúc giải thích rằng, quy định này không phải là ở trong phòng 7 ngày mà trong thời gian này khách du lịch vẫn được tham gia các hoạt động tham quan, dịch vụ, đi lại theo diện khép kín, không tiếp xúc với người dân địa phương trong 7 ngày đầu. Sau đó có thể tham gia các hoạt động cộng đồng.
Trong khi đó, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines Nguyễn Quang Trung cho rằng, chính sách 7 ngày cách ly chỉ thu hút khách hồi hương, còn nếu muốn hút khách du lịch thì phải thay đổi.
Do đó, đại diện Vietnam Airlines đề nghị bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát dịch tốt, tỷ lệ dân cư đã tiêm vaccine cao; khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm Covid-19 âm tính, sau chuyến bay thì có thể cách ly một ngày.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng đánh giá, quy định trên là quá thận trọng so với các nước và đưa ra ví dụ ở một số nước như Thái Lan chỉ yêu cầu xét nghiệm 72 tiếng trước đó với khách nhập cảnh có hộ chiếu vaccine và xét nghiệm sau khi đến. Điều này đồng nghĩa với việc du khách đến Thái Lan sẽ chỉ nghỉ một đêm ở khách sạn, hôm sau có xét nghiệm âm tính là có thể đi khắp nơi.
Cho rằng quy định du khách phải cách ly 7 ngày sẽ gây cản trở, ảnh hưởng đến du lịch, khách hàng và cạnh tranh quốc tế, PGS.TS Nguyễn Huy Nga đề xuất nên nghiên cứu cách làm của Thái Lan. “Tôi khẳng định, nếu đã tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính là an toàn và không cần cách ly 7 ngày. Tuy nhiên, để mở cửa hàng không, cần chuẩn bị thêm cho ngành y tế về pháp lý, hướng dẫn cũng như chuẩn bị về cơ sở vật chất, năng lực điều trị” – PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
“Hiện nay các đề xuất của Cục Hàng không với Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ cũng dựa trên nền tảng hướng dẫn hiện nay, chúng tôi hi vọng có thể rút ngắn hơn thời gian cách ly” - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường
“Mở cửa hàng không quốc tế là cần thiết, quan trọng là ngành y tế phải có sự chuẩn bị. Cần có sự thống nhất giữa Bộ GTVT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Y tế… để có có quy định cụ thể hơn đối với khách nhập cảnh.” - Nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Nối lại đường bay quốc tế thường lệ là nhu cầu cấp thiết để phục hồi kinh tế sau giãn cách (Ảnh: Hòa Thắng). |
|