Ông từng đảm trách nhiều vị trí: Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam, rồi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thông tin.
Trong một chuyến công tác dài ngày cùng ông tại Cộng hòa Đức trước đây, tôi đã có dịp được nghe ông kể lại nhiều kỷ niệm về thời kỳ hoạt động báo chí thông tấn đầu tiên. Xin ghi lại những kỷ niệm đó để nhớ tới thế hệ các nhà báo lão thành đã từng hoạt động dưới sự chỉ đạo và dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại:
“Ngay từ đầu của kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ phận thông tấn thuộc nha thông tin Việt Nam hằng ngày đã xuất bản bản tin trong nước và bản tin thế giới để gửi các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Các tin phổ biến được gửi cho các báo. Bác Hồ mang bí danh “Ông Dũng” cũng nhận một bản.
Rất nhiều lần, đọc xong Bác gửi trở lại Thông tấn xã, trong đó có người đã được Bác sửa một số chi tiết hoặc ghi là phê bình một khuyết điểm về chính trị. Những tin viết sai về chính trị Bác phê ở bên lề chữ “Dại!”. Về ngôn ngữ, Bác ghép dùng chữ nước ngoài và thay từ tiếng Việt nào. Ví dụ: Bác chữa hai chữ “y phục” thành “quần áo”. Chữ nào, câu nào thừa, Bác gạch đi. Là thành viên Ban phụ trách, tôi đã lưu các bản tin có bút tích của Bác để anh chị em cùng xem, nghiên cứu và rút kinh nghiệm. Có lần Bác dặn trực tiếp một phóng viên trong Thông tấn xã đi theo Bác: “Các cháu viết tin phải nắm vững ý đồ của Đảng, của Bác”.
Không chỉ quan tâm đến công tác biên tập, Bác còn căn dặn chú ý sức khỏe của anh em điện vụ kỹ thuật. Quãng đầu năm 1948, Bác hỏi tôi:
Anh em báo vụ làm việc mấy giờ một ngày?
Dạ, thưa Bác, 8 giờ ạ.
Bác nói:
Không được! Nghe moóc - xê như thế căng lắm. Chỉ làm 6 tiếng thôi và cứ hai tiếng lại nghỉ.
Sự quan tâm đầy tình thương yêu của Bác đã được nhiều anh chị em trong cơ quan Thông tấn thể hiện trong các bài viết. Riêng tôi, một người được tổ chức phân công đảm nhiệm công tác thông tin từ đầu, đã hân hạnh được Bác nhiều lần trực tiếp dạy dỗ, căn dặn.
Một lần, sau Tổng khởi nghĩa, Bác tiếp một nhà báo Anh. Thấy chúng tôi thập thò ngoài cửa, Bác vẫy tay lại:
- A, các nhà báo Việt Nam vào đây, tôi giới thiệu một đồng nghiệp người Anh!
Khi chúng tôi đã bước vào phòng, Bác nói tiếp:
- Đấy, có nhà báo người Anh, các chú có hỏi gì không? Cứ nói thẳng tiếng Việt, Bác dịch cho.
Một nhà báo lên tiếng:
- Chúng tôi xin hỏi: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có Tuyên ngôn 2/9. Tại sao cho đến nay Chính phủ Anh vẫn chưa công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?...
Bác “dịch” câu hỏi và nhà báo người Anh nói gì đó, Bác “dịch” lại:
- Đúng là Hà Nội đẹp lắm, nhất là ở giữa thành phố lại có hồ Hoàn Kiếm thật xinh đẹp...
Tôi hỏi:
- Tại sao nước Anh lại đồng lõa với Nhật và Pháp đánh Nam bộ của chúng tôi.
Bác lại nói tiếng Anh và quay về phía chúng tôi “dịch” câu trả lời: “Ông ấy bảo ông đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng ít thấy có phụ nữ nước nào lại đẹp như phụ nữ Việt Nam. Họ mặc áo dài, trông thật mềm mại, duyên dáng”...
Khách ra về rồi, Bác bảo:
- Các chú là nhà báo mà chẳng có chính trị! Người ta sang, mình phải tranh thủ. Họ có phải là Chính phủ Anh đâu mà cãi vã với người ta?
Năm 1951, tôi đang làm Phó Giám đốc Nha thông tin, được cấp trên cử dẫn đầu đoàn thanh niên và sinh viên Việt Nam đi dự Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 3 tại Berlin. Khi đoàn về, Bác cho gọi lên báo cáo. Tôi đã báo cáo với Bác về liên hoan của tuổi trẻ khắp năm châu, về tình cảm của các bạn trẻ thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta chống chiến tranh xâm lược, về một số tác phẩm văn học - nghệ thuật của Việt Nam đã được Liên hoan trao giải thưởng. Tôi cũng kể các cuộc họp báo của đoàn ta tại Liên hoan. Các hãng thông tấn, các báo Tây Âu và Mỹ đã tranh nhau tiến công ta bằng những câu hỏi về tôn giáo, về quan hệ của nước ta với Trung Quốc... Quả thật là trong khi trả lời họ, tôi đã có phần gay gắt. Nghe xong, Bác nói:
- Các chú không có kinh nghiệm. Dù người ta hỏi gì cũng phải tranh thủ nói về Việt Nam.
Rồi Bác dạy chúng tôi về đặc điểm phương pháp của công tác tuyên truyền. Viết gì đều phải có mục đích, lấy gì làm chính, và cái gì cần bỏ qua...
Cũng đã nhiều lần, anh em chúng tôi được Bác dạy cho điều này điều khác, nhất là về nghiệp vụ báo chí. Bác thường nói: viết báo phải biết khi nào cần dài, cần ngắn, chứ không tùy hứng. Điều cốt yếu là làm bật nội dung cơ bản, văn cần ngắn gọn, súc tích, viết lê thê tốn giấy mực, tốn công in mà mấy ai đọc!
Từ ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại, tôi nhiều lần được Bác gọi lên để hỏi và căn dặn công việc Thông tấn...
Năm 1954, chúng ta đấu tranh với Mỹ nhằm thực hiện các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ. Bác gọi tôi lên và bàn về việc Bác trả lời phỏng vấn của Việt Nam Thông tấn xã. Các câu hỏi và trả lời được đăng toàn văn trên Bản tin VNTTX ngày 6/7/1954, sau đó được in trong cuốn “Con đường hòa bình” của Bác, do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành năm 1955. Nội dung chủ yếu trong các câu trả lời của Bác là khẳng định lập trường của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc. Bác đã hoan nghênh nguyện vọng của ông Măng đét Phrăngxơ trong diễn văn đọc trước Quốc hội Pháp khi nhận chức Thủ tướng là việc ngừng bắn ở Đông Dương phải thực hiện mau chóng.
Có lần, Bác nói với tôi:
- Chú ở đây, Bộ Chính trị đang họp để bàn về vấn đề mà Bác vừa trao đổi với chú. Chú có thể vào dự để nắm lấy các ý kiến quan trọng, về chỉ đạo anh em làm tin cho tốt.
Tôi đã được nghe ý kiến của các anh Trường Chinh, Phạm Hùng và ghi chép cẩn thận.
Bác dặn: Viết xong, nhớ đưa Bộ Chính trị xem lại. Tự đáy lòng, tôi lấy làm tự hào được Bác tin cậy cho một nhà báo tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị và càng thấy rõ Bác rất quan tâm vai trò của tin tức trong đấu tranh chính trị. Tôi lắng nghe và rất xúc động trước sự quan tâm hết sức cụ thể của Bác. Cũng cần nhắc lại những biểu hiện nói lên tình cảm thương yêu của Bác đối với các phóng viên tin, ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Như ngày Tết, Bác gọi điện chúc mừng, căn dặn làm tốt nhiệm vụ, gửi bánh chưng, thủ lợn cho anh em. Đi công tác theo Bác, anh chị em được Bác căn dặn, chỉ bảo như người cha kính yêu với các con. Riêng tôi, mỗi lần nghĩ tới Bác, tôi lại nhớ những lời dạy dỗ ân cần mà nghiêm khắc của Bác. Nhờ đó mà tôi ngày càng trưởng thành trong công tác quản lý và nghiệp vụ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các nhà báo, tháng 9/1960 - Ảnh tư liệu