Ghép ''mảnh'' cuối, mở nhiều cơ hội

HNM| 07/04/2022 15:08

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, được coi là “mảnh ghép” cuối, phủ kín quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hơn thế, 2 đồ án quy hoạch này mở ra nhiều cơ hội phát triển, mang lại một diện mạo Thủ đô khởi sắc, chất lượng sống của người dân được nâng cao.

Ghép ''mảnh'' cuối, mở nhiều cơ hội
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là cơ hội để phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Sông Hồng đoạn chảy qua trung tâm thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang

Hướng tới xây dựng "thành phố bên sông"

Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Đào Duy Hưng, trong vòng 20 năm qua, khu vực sông Hồng và sông Đuống luôn được thành phố Hà Nội lưu tâm, nghiên cứu. Đã có rất nhiều đồ án của các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến khu vực được thành phố giao cho Viện Quy hoạch xây dựng tiếp thu, chắt lọc, đưa vào đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống mà UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt ngày 25-3 vừa qua. 

“Hai đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống, được coi là “mảnh ghép” cuối cùng phủ kín quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thành phố; thể hiện được tính đặc trưng về nhận diện cho đô thị trung tâm. Hơn thế, việc ban hành hai quy hoạch này đã hoàn thành quá trình triển khai đồng bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát phát triển không gian kiến trúc, cảnh quan chung của thành phố”, ông Đào Duy Hưng nhấn mạnh.

Ông Đào Duy Hưng cho rằng, trước đây toàn bộ khu vực dân cư nằm trong hành lang thoát lũ đều được yêu cầu di dời, dẫn tới khó khả thi. Tuy nhiên, với Quyết định số 257/QĐ-TTg (ngày 18-2-2016) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, thuật ngữ này được mở rộng thành không gian thoát lũ và chỉ di dời các khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở. Có một phần khu dân cư được tồn tại, đặc biệt là làng xóm hiện hữu lâu đời. Những khu vực không phải di dời sẽ được xác định quỹ đất để đầu tư về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt đưa ra tiêu chí an toàn trong phòng, chống lũ. 

Còn theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, quy hoạch được duyệt sẽ là cơ hội rất lớn để phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại và giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân sống bên sông. Từ đó, Hà Nội có đủ căn cứ pháp lý sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng “thành phố bên sông”.

Ghép ''mảnh'' cuối, mở nhiều cơ hội
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội giới thiệu nội dung của đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống.

Nhiều cơ hội, tăng tính khả thi

“Sẽ không có tình trạng “cát cứ”, mỗi địa phương “mạnh ai nấy làm” trong khai thác tiềm năng sông Hồng”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam phấn khởi tin tưởng. Bởi tới đây, toàn thành phố sẽ thực hiện theo quy hoạch được duyệt trên suốt 40km chiều dài sông Hồng chảy qua địa phận 13 quận, huyện. Qua đó, Hà Nội sẽ giải quyết đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông khu vực này gắn kết với hệ thống giao thông đô thị của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thực hiện dự án, dần thay đổi diện mạo kiến trúc hai bờ sông Hồng theo hướng văn minh, hiện đại và có bản sắc.

"Trên cơ sở đó, Hà Nội cần phải tính toán để có được nguồn lực phát triển; chuẩn bị các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư để giải quyết thách thức hiện nay là tạo dựng môi trường sống tốt cho hàng chục vạn người dân đang sinh sống ngoài khu vực đất bãi", kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng đề xuất. 

Quản lý một trong những địa bàn sông Hồng chảy qua, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, hai phường Chương Dương và Phúc Tân có diện tích rộng 173ha, dân số 28.000 người. Đây là hai phường có quỹ đất rộng và đông dân nhất quận nhưng hạ tầng lại đang rất xuống cấp, nhất là các tuyến đường giao thông. Do đó, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là cơ sở thuận lợi để quận Hoàn Kiếm tiếp tục nghiên cứu tái thiết bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống cho người dân khu vực ngoài bãi sông Hồng.

Không riêng Hoàn Kiếm, 12 quận, huyện còn lại cũng đã có cơ sở pháp lý triển khai các dự án phát triển theo định hướng toàn tuyến. Với phân khu đô thị sông Hồng, ngoài phát triển 3 không gian chủ đạo, thành phố định hướng khai thác thềm cảnh quan ở những khu vực xen kẹt bởi đặc điểm của khu vực ngoài bãi sông là có các thềm cảnh quan có thể kết hợp thành công viên hay tiện ích để phục vụ người dân. Đây là quỹ đất tốt có thể khai thác, bổ sung cho chức năng còn hạn chế ở khu vực nội đô lịch sử cũng như khu vực đô thị mở rộng. Với sông Đuống, hiện cơ bản phát triển theo hướng các vùng nông nghiệp sinh thái, là nguồn động lực hỗ trợ cho các khu đô thị mới phát triển ở quận Long Biên và huyện Gia Lâm. 

“Bước tiếp theo là thành phố lập danh mục các dự án, các quy hoạch chi tiết hơn và triển khai vào thực tiễn. Đó là cơ hội để tăng tính khả thi trong thực hiện quy hoạch, kiểm soát được quá trình phát triển, đặc biệt là kiểm soát quỹ đất dành cho phát triển bền vững sau này”, ông Đào Duy Hưng kiến nghị. Một trong những nội dung quan trọng sau khi hai phân khu đô thị được hoàn thiện là các sở, ngành, địa phương có liên quan sẽ cắm mốc giới quy hoạch và từ đó xây dựng các chương trình phát triển đô thị, đặc biệt là các dự án phát triển, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, như trường học, công trình giao thông... tại những khu vực nhiều năm qua còn hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ấn tượng sinh viên trường múa biểu diễn trong kỳ thi tốt nghiệp
    Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức Chương trình thi Tốt nghiệp trình độ Trung cấp vào 3 ngày 14/5 đến 16/5 vừa qua với những nội dung thi như: múa cổ điển Châu Âu, múa dân gian dân tộc Việt Nam, múa đương đại,…
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Ươm mầm” đảng viên trẻ góp phần tạo những tấm gương sáng cổ vũ phong trào thanh niên
    Nhân dịp kỉ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Trường THPT Đông Đô (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho 02 học sinh ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
  • Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước
    Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản số 2795/SGTVT-KHTC yêu cầu các đơn vị kiểm tra xác định nguyên nhân và có xử lý kịp thời các tồn tại liên quan đến việc thoát nước mặt cầu Vĩnh Tuy 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2.
Đừng bỏ lỡ
Ghép ''mảnh'' cuối, mở nhiều cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO