Gấp rút để học sinh trở lại trường sau bão

Tuổi trẻ| 18/09/2017 10:18

Sáng nay 18-9, học sinh cấp I, II, III bị ảnh hưởng do bão ở nhiều nơi sẽ trở lại trường và việc sửa chữa trường lớp hư hỏng vẫn tiếp tục.

Gấp rút để học sinh trở lại trường sau bão - Ảnh 1.

Giáo viên Trường THCS Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh phơi sách và giáo án bị ướt trong mưa bão - Ảnh: TR.TRUNG

"Khắc phục phần mái ngói vỡ tạm thời chỉ có thể che được nắng chứ chưa thể che được mưa. Làm cách này để kịp cho học sinh học tạm thôi chứ thật sự chưa an toàn cho học sinh"

Cô NGUYỄN THỊ TÂN (hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Tùng, Quảng Trạch, Quảng Bình)

Ngày 17-9, các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đã gấp rút sửa sang trường lớp để học sinh trở lại trường sau bão. Có nơi huy động thanh niên, phụ nữ và cả cựu chiến binh giúp trường.

Hà Tĩnh: trường lớp là ưu tiên số 1

Tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hầu hết các ngôi trường trong vùng bị tốc mái, còn cây xanh, tường rào bị ngã đổ. Trường học cả ba cấp ở xã Kỳ Phương đều hư hỏng. Trong đó, hư hại nặng nhất là Trường THCS Kỳ Phương. 

Ngoài bị tốc mái các dãy phòng học, trường còn bị bay mất nhà xe. Khu lưu trú của giáo viên cũng bị tốc mái khiến đồ sinh hoạt, sách và giáo án của giáo viên thấm nước. 

Bão tan, giáo viên trèo lên mái nhà chuyền tay nhau từng viên ngói để sửa lại chỗ ở của gần 20 thầy cô. Tranh thủ trời nắng, các cô giáo mang sách vở, chăn màn ra phơi và dọn dẹp khuôn viên trường.

Thầy Trần Văn Sơn - hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Phương - cho biết phải 2-3 ngày nữa trường mới phục hồi được vì cả ba dãy nhà hai tầng đều bay mái. Riêng phân hiệu ở Ba Đồng của trường hư hại nặng hơn cơ sở chính. 

"Trong ngày 17-9, các thầy cô và bộ đội đã giúp chúng tôi khắc phục thiệt hại như nhà xe, cây xanh, dọn dẹp vệ sinh các phòng học. Trên mái thì có lẽ chờ khi có vật liệu sẽ tiến hành sửa ngay để việc giảng dạy được tiếp tục" - thầy Sơn nói. 

Trường THCS Kỳ Trinh cũng như những ngôi trường khác trong thị xã đều bị tan hoang sau bão. Khuôn viên trường cây cối bị quật gãy, mái nhà bị tốc còn trơ khung.

Ông Phan Duy Vĩnh - phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh - cho biết sau bão tất cả các trường học trên địa bàn đều bị hư hỏng, chủ yếu do tốc mái. Hiện nay lực lượng tại chỗ của địa phương cùng lực lượng của Quân khu 4 sẽ sửa lại những trường học bị hư hỏng.

Gấp rút để học sinh trở lại trường sau bão - Ảnh 3.

Các thầy giáo Trường THCS Kỳ Phương, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lợp lại mái trường sau bão - Ảnh: TR.TRUNG

"Chúng tôi xác định ưu tiên sửa chữa đầu tiên là trường học để các cháu sớm đến trường, sau đó là trạm y tế, cơ quan đoàn thể. Riêng về vật liệu sửa trường thì các trường chủ động tạm ứng để các lực lượng khắc phục nhanh. 

Chúng tôi dốc toàn lực với hi vọng cuộc sống tại địa phương sẽ ổn định trong vài ngày tới. Trong đó, không làm gián đoạn việc học của các em là quan trọng nhất" - ông Vĩnh nói.

Quảng Bình: đảm bảo an toàn mới cho học sinh trở lại học

Sáng 17-9, Trường tiểu học Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch) khá đông đúc nhộn nhịp. Trên sân trường, gần 100 người đang hối hả chia nhau các công việc. Một nhóm phụ nữ, người già lo quét dọn dưới sân trường. 

Nhóm thanh niên tập trung leo lên các mái nhà thu dọn các viên ngói vỡ, chọn những viên ngói còn lành lặn ở phòng này qua lấp đầy chỗ trống ở phòng kia. Số ngói vỡ quá nhiều nên đến gần hết buổi sáng nhóm người vẫn chưa dọn xong nửa số mái lớp. 

Gần trưa, Huyện đoàn Quảng Trạch phải tăng cường thanh niên tình nguyện từ huyện ra giúp. Đến đầu buổi chiều, tất cả lại tiếp tục công việc nhưng dự báo ít nhất phải mất 2-3 ngày mới cơ bản xong.

Cô Nguyễn Thị Tân - hiệu trưởng nhà trường - cho biết toàn bộ 27 phòng học cấp 4 của trường đều bị bão làm tốc mái rất nặng. Vì trường nằm ngay vùng tâm bão, gió quá mạnh mà trường đã xây dựng từ nhiều năm nên không chống chịu nổi. 

Để học sinh kịp học trở lại, trường phải nhờ địa phương huy động lực lượng phụ nữ, thanh niên, cả cựu chiến binh từ các thôn trong xã tập trung đến giúp nhà trường khắc phục.

Ông Đinh Quý Nhân - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình - nói đến thời điểm này thống kê được đến 40.000m2 trường bị tốc mái, trên 600 phòng học hư hại nặng, 10.500 bộ sách vở bị hư hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 200 tỉ đồng. 

Ông Nhân nói: "Hiện các trường đang tập trung khắc phục tạm thời các phòng học. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích các trường cho học sinh trở lại học khi chưa đảm bảo an toàn".

Nghệ An: khẩn trương khắc phục thiệt hại

Sau cơn bão số 10, nhiều trường học ven biển thị xã Cửa Lò bị gió cuốn tốc mái, cây cối trong khuôn viên ngã đổ.

Ngày 17-9, tại Trường tiểu học Nghi Hải, trường lớp đã được các thầy cô, phụ huynh cùng lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích... chung tay dọn dẹp tương đối gọn gàng nhưng vẫn dễ dàng nhìn thấy khung cảnh xơ xác do bão để lại.

Dù đã quen sống với cảnh mưa bão hằng năm nhưng cô Bùi Thị Dung, hiệu trưởng nhà trường, vẫn chưa hết bàng hoàng: "Trước tin bão đến, nhà trường đã huy động lực lượng chằng chống, dùng bao cát dằn chắn mái tôn.

Nhưng cơn bão với sức gió mạnh và quần thảo liên tục trong nhiều giờ đã hất tung mái của dãy phòng học 3 tầng. Kèm theo gió là mưa lớn làm một số trang thiết bị như máy tính, sách vở, giáo án bị hư hỏng.

Hệ thống cây xanh lâu năm trong sân trường cũng bị gió bão quật ngã. Ước tính thiệt hại gần 1 tỉ đồng".

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An - cho hay từ ngày 14-9, gần 740.000 học sinh các cấp học toàn tỉnh phải nghỉ học để tránh bão số 10.

Ngay sau khi bão tan, các trường khẩn trương khắc phục thiệt hại, dọn dẹp trường lớp để đón học sinh đi học. Việc học bù những ngày nghỉ do bão, các trường sẽ bố trí phù hợp với tình hình, đảm bảo đúng khung chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Gấp rút để học sinh trở lại trường sau bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO