Gần 500 lễ hội tại Hà Nội được tổ chức, đảm bảo trang trọng, lành mạnh
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024” chiều 28/3, từ đầu năm đến nay, gần 500 lễ hội của Thủ đô được tổ chức, đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh…
Các di tích tại Hà Nội đón hơn 861.000 lượt khách
Trong các điểm nhấn về phát triển văn hóa – xã hội 3 tháng đầu năm 2024, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ) đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 344/QĐ-BVHTTDL ngày 16/2/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, các di tích của Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nhân dân và khách tham quan du lịch trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
“Quý I năm 2024, các di tích tại Hà Nội đã đón hơn 861.000 lượt khách. Đến nay, đã có gần 500 lễ hội được tổ chức, đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, đúng quy định. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là một nguồn lực, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Hoạt động thể dục thể thao phong trào tiếp tục phát triển, Thành phố đã tổ chức 256 hoạt động thể dục thể thao; lắp đặt 22 điểm tập luyện mẫu tại 16 quận, huyện”, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024 của UBND Thành phố Hà Nội, cho biết.
Ngoài ra, Quý I năm 2024, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh. Theo kết quả do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố ngày 12/3/2024, Thành phố Hà Nội dẫn đầu xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương 2023. Chất lượng giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ. Đến ngày 19/02/2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia toàn Thành phố là 64,3% (1.805/2.809), trong đó công lập là 79,3% (1.785/2.251), không tính các trường đặc thù (có học sinh khuyết tật); tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,15 % dân số.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, công tác tổ chức lễ hội năm 2024, đặc biệt các lễ hội diễn ra từ đầu năm đến nay có nhiều nét mới. Ban tổ chức lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đã áp dụng hình thức bán vé điện tử, tạo sự văn minh, minh bạch, công khai về giá. Nhiều di tích tại quận Ba Đình như đền Voi Phục, đền Quán Thánh quản lý tiền công đức với hình thức nhận tiền qua mã QR. Huyện Mê Linh tổ chức khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng theo hình thức mới, nổi bật là chương trình bán thực cảnh “Âm vang Mê Linh” sử dụng công nghệ 3D mapping.
An sinh xã hội được đảm bảo; công tác chăm lo Tết 2024 cho nhân dân và đối tượng chính sách được thực hiện tốt; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng...
8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển Thủ đô
Cũng tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, các tháng tiếp theo, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển Thủ đô theo những kế hoạch, mục tiêu đã đặt ra.
Thứ nhất, Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc theo Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy; Hoàn thiện, sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/ UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ hai, triển khải công tác xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Thứ ba, Hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua; Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách của Trung ương về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững. Thực hiện và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Thứ năm, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) thiết thực, ý nghĩa gắn với các phong trào thi đua yêu nước thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và chủ đề công tác năm 2024 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Thứ sáu, thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số làm nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số…
Thứ bảy, khai thác hiệu quả quỹ đất các dự án hạ tầng kỹ thuật và hai bên tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt. Hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện,... Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng kết cầu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị.
Thứ tám, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khắc phục các vi phạm, sơ hở về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm các vi phạm; phấn đấu giảm về số vụ và thiệt hại về cháy nổ./.