Đường Nguyễn Khánh Toàn dài 1.400m, rộng 40m.
Đất hai xã Dịch Vọng, Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm trước đây. Nay là hai phường cùng tên thuộc quận Cầu Giấy.
Tên đường đặt tháng 8/2005.
Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993), quê ở Thừa Thiên Huế, sinh ở Nghệ An. Ông tham gia phong trào yêu nước từ năm 1920, năm 1925 ông đang học năm cuối cùng Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, vì tham gia tích cực phong trào sinh viên yêu nước (đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu) nên bị thực dân Pháp đuổi học.
Ông vào Sài Gòn viết báo, sáng lập tờ báo Người nhà quê đăng nhiều bài chống Pháp nên bị chúng bắt giam. Ra tù, năm 1928 ông sang Pháp học và tiếp tục hoạt động phong trào Việt kiều yêu nước. Năm 1930, ông sang học ở trường Đảng Liên Xô, làm nghiên cứu sinh tại Đại học Phương Đông, rồi tham gia công tác của Quốc tế cộng sản và Công hội đỏ. Năm 1931, ông gia nhập Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng tháng Tám, ông trở về nước hoạt động và được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng của Nhà nước. Nhiều năm ông làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và có những cống hiến to lớn cho ngành giáo dục.
Vào những năm 60, ông là ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội gần 20 năm. Ông có coogn rất lớn trong việc đặt nền móng cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Năm 1975, Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa dân chủ Đức và Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (năm 1976) đã phong danh hiệu Viện sĩ nước ngoài cho Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn.
Trong cuộc đời hoạt động của mình. Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đã để lại nhiều tác phẩm khoa học xã hội nhân văn (văn, sử, triết, chính trị...) có giá trị. Năm 1987, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã tập hợp xuất bản Tuyển tập Nguyễn Khánh Toàn: Cách mạng và Khoa học xã hội. Ngoài ra, Nhà xuất bản Sự thật cũng đã xuất bản một số tác phẩm có tính lý luận của ông như: Vấn đề daantocj trong Cách mạng vô sản (2 tập).
Do những cống hiến to lớn, Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1985) và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).