Có lẽ không chỉ người xem mà cả những nhà làm phim cũng không khỏi “ngã ngửa” khi đi kèm với những tiêu đề gây sốc kiểu “Nữ sinh bị tung clip nóng lên mạng”, “Triết lý của một tiểu tam”, “Lời xin lỗi của một dân chơi”, “Loại chồng chó chui gầm chạn”, “Chồng đi tiếp khách trên giường”, “Đại ca đi tù về, xóm làng đến chơi”... lại là hình ảnh trong những bộ phim đình đám, từng được phát sóng trên truyền hình. Nhiều cảnh phim kịch tính, thường là cảnh đánh ghen, xô xát, phân đoạn tình cảm, hình ảnh gợi cảm... được cắt với chỉ từ mấy chục giây đến vài phút và ghép với những tiêu đề "khó nghe" nói trên nhằm kích thích sự tò mò của người xem.
Chỉ khi bấm vào video họ mới biết nội dung của chúng phần lớn là “review” phim đang chiếu hoặc đưa lại những phân cảnh trong các phim đã cũ nhưng “bắt trend”, ăn theo một sự kiện nào đó đang được công chúng quan tâm... Cách làm “xào xáo”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, dùng từ ỡm ờ, phản cảm để “câu view” như kể trên chắc chắn sẽ khiến những khán giả không có điều kiện xem phim bản đầy đủ có cái nhìn méo mó về tác phẩm. Đáng buồn, những video này lại có số lượt người xem "khủng", thậm chí cao hơn rất nhiều lần so với phần giới thiệu hay các tập phim được đăng tải trên các kênh chính thống.
Việc làm này rõ ràng đang gây ảnh hưởng lớn đến tác phẩm điện ảnh, quyền lợi chính đáng của đội ngũ sáng tạo cũng như công chúng nói chung. Và, dù có không ít nhà sản xuất, nhà làm phim, các đơn vị nắm bản quyền đã lên tiếng song chưa thể dẹp loạn “review” phim vô tội vạ trên các mạng xã hội bởi chính sách hỗ trợ về vấn đề bản quyền trên các mạng xã hội rất khác nhau và chưa đem lại hiệu quả cần thiết. Thực tế ấy đòi hỏi mỗi người xem phải tự xây dựng “bộ lọc” cho mình, "nói không" với những kênh, video “ỡm ờ” câu view và ăn cắp chất xám của người khác.