Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đến hết ngày 7/4/2025. Theo đó, cơ quan xây dựng Dự thảo Luật này nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013.
Khắc phục hạn chế, bất cập
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh.

Đồng thời, Luật Báo chí 2016 đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.
Tuy nhiên sau hơn 8 năm thi hành, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí và sự phát triển của khoa học, công nghệ, truyền thông, thể hiện trong 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ quyết nghị thông qua, đó là các nhóm chính sách: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Từ các cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh cần thiết phải xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí kịp thời, phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.
Phạm vi điều chỉnh, bố cục của Dự án Luật Báo chí (sửa đổi)
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, cho biết Luật này quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí (giữ nguyên như phạm vi điều chỉnh là Luật Báo chí năm 2016).
Về bố cục, với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, quy định ngắn gọn theo hướng các nguyên tắc quản lý. Trên cơ sở đó, bố cục của dự thảo Luật Báo chí gồm 5 Chương, 53 Điều (giảm 1 Chương, 8 Điều so với Luật Báo chí năm 2016), cụ thể:
Chương I “Quy định chung” (Điều 1 đến Điều 11) cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương I của Luật hiện hành, đồng thời, đưa một số quy định tại Chương II của Luật hiện hành lên Chương này. Chương II “Tổ chức báo chí” (4 Mục, từ Điều 12 đến Điều 29), quy định về Cơ quan chủ quản báo chí; về Cơ quan báo chí; về Lãnh đạo cơ quan báo chí; về Nhà báo. Chương này kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương III của Luật hiện hành; đưa một số quy định tại Chương II, Chương IV của Luật hiện hành về Chương này; đồng thời bổ sung quy định về mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông (Điều 14); quy định về thu hồi giấy phép (Điều 18).
.jpg)
Chương III “Hoạt động báo chí” (5 Mục, từ Điều 30 đến Điều 49), quy định về Hoạt động báo chí trên không gian mạng; về Thông tin trên báo chí; về In, phát hành và truyền dẫn, phát sóng; về Xuất khẩu, nhập khẩu báo chí và hoạt động báo chí của nước ngoài tại Việt Nam; về Bản tin, đặc san. Chương này cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương IV của Luật hiện hành; chuyển mục 4 Chương IV của Luật Báo chí hiện hành sang Chương II; đồng thời bổ sung Mục 1 (2 Điều) quy định về hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Chương IV “Khen thưởng, thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí” (từ Điều 50 đến Điều 52), cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương V của Luật hiện hành. Và cuối cùng là Chương V “Điều khoản thi hành” (Điều 53) quy định thời điểm có hiệu lực của Luật Báo chí (sửa đổi).
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có nhiều vấn đề đổi mới quan trọng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), đó là trên cơ sở ý kiến chỉ đạo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Dự thảo Luật cụ thể hóa 4 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22/9/2024 của Chính phủ phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2024.
Có 9 vấn đề đổi mới quan trọng, trong đó dự kiến sẽ phân quyền cho địa phương thêm 10 thủ tục hành chính như văn bản chấp thuận thay đổi nội dung ghi trong Giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in; Cấp Giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm; Cấp Giấy phép sửa đổi, bổ sung Giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm; Văn bản chấp thuận thay đổi nội dung trong Giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm; Cấp Giấy phép xuất bản phụ trương; Cấp Giấy phép xuất bản đặc san...
Dự thảo Luật bổ sung khái niệm “Tạp chí” (khoản 9 Điều 3) để phân biệt rõ báo, tạp chí, chống “báo hóa” tạp chí: Tạp chí là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tải tin, bài có tính chất chuyên biệt, chuyên ngành, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ theo tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép; chỉ cập nhật tin tức, sự kiện về hoạt động của cơ quan chủ quản, bao gồm tạp chí in và tạp chí điện tử.
Không quy định trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí (khoản 11 Điều 3 quy định sản phẩm thông tin có tính chất báo chí chỉ còn Đặc san, Bản tin). Bổ sung khái niệm Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, Tổ hợp báo chí truyền thông, Mạng xã hội làm cơ sở để Chính phủ quy định chính sách, pháp luật phát triển, quản lý phù hợp.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về vị trí của báo chí: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là báo chí cách mạng...” để khẳng định tính lịch sử, tính cách mạng của báo chí, hướng đến mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Bổ sung 2 hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; hoạt động thông tin đối ngoại.
Bổ sung quy định về mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông: Cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông được phép có một số cơ quan báo chí trực thuộc; được có cơ chế tài chính, lao động, tiền lương như doanh nghiệp; được phép có doanh nghiệp trực thuộc hoặc góp vốn tại doanh nghiệp. Giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, tiêu chí, thẩm quyền thành lập, mô hình hoạt động, cơ chế tài chính của tổ hợp báo chí truyền thông.
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về hoạt động của cơ quan báo chí trên không gian mạng, đưa ra các nguyên tắc quản lý nội dung báo chí trên không gian mạng. Đầu tư công cụ số để thực hiện giám sát báo chí trên không gian mạng phục vụ công tác quản lý báo chí. Bổ sung quy định về thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí không đảm bảo điều kiện, có hành vi vi phạm nhiều lần.
Bổ sung quy định về cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí để thể chế hóa quy định của Đảng về lãnh đạo cơ quan báo chí; giao Chính phủ quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung quy định về Thẻ Nhà báo, đó là bỏ quy định về kỳ hạn Thẻ Nhà báo. Chỉ quy định thời hạn sử dụng Thẻ Nhà báo là 5 năm tính từ ngày cấp thẻ và được ghi trên thẻ. Hết thời hạn sử dụng Thẻ Nhà báo, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí xét cấp đổi Thẻ Nhà báo…/.