Du lịch Hà Nội: Từng bước thích ứng an toàn

Mạnh Hà| 25/01/2022 07:42

Du lịch Hà Nội đang có dấu hiệu chuyển mình sau chuỗi ngày nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Sự năng động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp trong việc làm mới các sản phẩm, dịch vụ đang là đòn bẩy giúp du lịch Hà Nội hồi sinh và kỳ vọng “lội ngược dòng” ở giai đoạn bình thường mới. Nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022, tạp chí Người Hà Nội trò chuyện cùng bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội về việc “tái khởi động” ngành du lịch Thủ đô, từng bước “thích ứng” với dịch Covid-19.

Du lịch Hà Nội: Từng bước thích ứng an toàn
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội
PV: Thưa bà, năm 2021 là một năm chưa từng có tiền lệ của ngành du lịch Thủ đô, đó là vừa phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch, vừa lên các phương án để thực hiện “mục tiêu kép” phục hồi, phát triển du lịch trong “tình hình mới”. Bà có thể chia sẻ về những khó khăn trên?

Bà Đặng Hương Giang: Năm 2021, ngành du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng xấu, thiệt hại rất lớn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm khách du lịch đến Hà Nội hầu hết là khách du lịch nội địa bởi Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 24/7) và các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch của thành phố, Hà Nội không có khách du lịch. Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Các sản phẩm du lịch lễ hội mùa xuân, sinh thái, nghỉ dưỡng mùa hè đều không thể tổ chức. Do đó, tính tổng 8 tháng của năm 2021, khách du lịch đến Hà Nội chỉ bao gồm khách nội địa với 2,92 triệu lượt khách, giảm 54,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,17 nghìn tỷ đồng, giảm 64,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch Covid-19, chủ động các phương án tổ chức hoạt động phục vụ du khách khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Sở Du lịch cũng đã yêu cầu hoạt động vận chuyển khách du lịch phải thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định.

PV: Những tháng cuối năm, du lịch Thủ đô đã có nhiều tín hiệu lạc quan nhờ các chính sách về thích ứng du lịch kịp thời của thành phố và ngành du lịch. Bà có thể chia sẻ một số giải pháp phục hồi du lịch mà Hà Nội đã áp dụng?

Bà Đặng Hương Giang: Để tìm hướng đi mới cho du lịch Thủ đô, Sở Du lịch đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các đơn vị kinh doanh lữ hành, lưu trú, điểm đến, các hãng hàng không để thống nhất nhiều giải pháp, cách làm nhằm “gỡ khó” cho du lịch Hà Nội, tạo thêm sản phẩm hấp dẫn du khách. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh chương trình “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”, kích cầu người Hà Nội khám phá, trải nghiệm và sẵn sàng chi tiêu các sản phẩm du lịch của Thủ đô. 

Cùng với đó, để có thể đưa hoạt động du lịch tái khởi động trở lại trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, ngành du lịch Thủ đô đã chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch mới tập trung thu hút khách du lịch nội địa như: Tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học, sản phẩm tour du lịch trải nghiệm “Đêm thiêng liêng” tại di tích nhà tù Hỏa Lò... Các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đã “khai sinh” loạt tour, sản phẩm mới độc đáo, ấn tượng, hấp dẫn cho ngày trở lại của ngành kinh tế xanh.

Bên cạnh đó việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch của Hà Nội được đẩy mạnh như tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò đưa công nghệ hướng dẫn tự động (audio guide) để phục vụ khách tham quan với nhiều ngôn ngữ. Trong đó, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có ứng dụng 360 độ, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm di tích từ xa bằng thực tế ảo.

Ngoài ra, để phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô, trung tuần tháng 12/2021, Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương. Tại hội nghị, 12 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang) đã ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trong trạng thái bình thường mới. 

PV: Như bà vừa chia sẻ, các đơn vị doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô đã thích ứng với dịch Covid-19 để tồn tại bằng cách đưa ra sản phẩm mới độc đáo, ấn tượng, vậy bà có thể trao đổi sâu hơn về cách làm mới này?

Bà Đặng Hương Giang: Ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô đã tung ra hàng loạt tour, sản phẩm mới hấp dẫn, giúp ngành kinh tế xanh chuyển mình mạnh mẽ. Điển hình như ngay từ cuối tháng 10, Công ty Lữ hành Hanoitourist đã khai trương tour “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tổ chức vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Cùng với các doanh nghiệp, nhiều điểm đến trên địa bàn Thủ đô đã nâng cao chất lượng, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá và xây dựng sản phẩm. Đơn cử như Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xây dựng Đề án phát triển du lịch thông minh, trong đó có điểm nhấn là sản phẩm trình chiếu ánh sáng để phát triển du lịch đêm. Với thông điệp “Du xuân bình an - Tết tràn hứng khởi”, Công ty du lịch Vietravel triển khai chương trình khuyến mại xuân 2022…Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Hà Nội thành lập Câu lạc bộ du lịch bền vững Vgreen với sự tham gia hơn 30 doanh nghiệp du lịch Hà Nội với mục đích để huy động sức mạnh tập thể của các đơn vị du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù cho Thủ đô, kết nối mạnh hơn với các địa phương. Tiêu chí hoạt động của câu lạc bộ là lấy văn hóa làm nền tảng để xây dựng sản phẩm chuyên biệt cho Hà Nội.

Có thể thấy, dịch Covid-19 là thách thức nhưng cũng đã tạo ra cú hích lớn để các địa phương, đơn vị “xốc” lại hoạt động, nỗ lực thay đổi, định hình lại chiến lược phát triển. Nhìn ở góc độ tích cực hơn, đại dịch này cũng tạo ra một “cuộc cách mạng” lớn, buộc các đơn vị phải tích cực chuyển đổi, sáng tạo. Du lịch Hà Nội đã có sự vận động mạnh mẽ, được chứng minh ở sự chuyển mình tại các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch với nhiều mô hình du lịch mới được hình thành ngay trong mùa dịch. Điều này góp phần tô đậm hơn bản sắc du lịch Hà Nội, định vị rõ ràng hơn thương hiệu: “Du lịch Hà Nội - Du lịch của văn hóa và di sản”. 

PV: Trân trọng cảm ơn bà!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Hà Nội: Từng bước thích ứng an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO