Đồng hành cùng văn nghệ sĩ Thủ đô

Trần Văn Mỹ| 10/05/2022 08:52

Đồng hành  cùng văn nghệ sĩ  Thủ đô
Khoảng năm 1962 - 1963, Câu lạc bộ sáng tác Văn học trẻ thuộc Phòng Văn nghệ Sở Văn hóa Hà Nội thành lập đã thu hút nhiều cây bút mới ở nội ngoại thành Hà Nội tham gia. Những sáng tác của các thành viên gồm thơ ca và những bài văn ngắn được in trên “Tiếng máy” viết về công nhân trong nhà máy; “Tiếng hát quê ta” viết về nông dân ngoại thành; “Đường phố mới” viết về nhân dân nội thành. Khi đó, “báo” ra mỗi tháng một số, từ 4 đến 8 trang khổ nhỏ, kiểu tờ rời, phát không cho cơ sở. Chính trên các “trang báo” này, đã phát hiện nhiều người viết có triển vọng. Họ được các cây bút chủ lực của Sở Văn hóa Hà Nội kèm cặp như: Chu Hà, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Giang Quân, Hồ Minh Hà, Việt Dung, Lê Bầu, Huỳnh Tâm Chí, Đức Lân, Nguyễn Dậu…
Nhằm tập hợp và bồi  dưỡng đội ngũ sáng tác văn nghệ Thủ đô một cách hệ thống và bài bản, ngày 9/10/1966, Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ Hà Nội (tên gọi lúc đầu của Hội Văn nghệ Hà Nội ngày nay) được tiến hành tại CLB Đoàn Kết. Tháng 3/1967, sau sáu tháng tập hợp bài vở, tập sáng tác Người Hà Nội số 1 được phát hành với tên gọi Hà Nội 1967, số lượng 2500 cuốn khổ 13 x 19cm. Phần văn, in truyện ngắn, bút ký của Nguyễn Bắc, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Trần Thị Minh Tâm. Bên cạnh những tác giả đã thành danh và khá quen thuộc với bạn đọc, ngay từ số đầu tiên, ban biên tập đã in các sáng tác đầu tay của Trần Văn Mỹ, Đoàn Trúc Quỳnh, Quản Đào… Nội dung chính của tập san đã được nhà nghiên cứu Đức Kôn viết bài giới thiệu trên báo Văn nghệ. Tập san Người Hà Nội ra mỗi quý một số, sau tiến tới định kỳ hai tháng một số. Mỗi số gắn với một chủ đề và tên gọi. Số tháng 1/1971 có tên Chiến lũy mùa xuân, 130 trang khổ 20 x 26cm; số tháng 8/1969 chào mừng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tập san có tên gọi Mùa thu, 165 trang khổ 13 x 19cm. Ngoài nhiệm vụ chính trị, các tập san dù in cỡ nào thì việc đầu tiên là in các sáng tác mới của các tác giả đang làm việc ở mọi lĩnh vực đời sống, ở đủ mọi lứa tuổi. Năm 1978, Hội Văn nghệ Hà Nội mở trại sáng tác, có khoảng 30 học viên tham gia. Những sáng tác của các học viên được hội tập hợp và in trong tập Người Hà Nội mùa thu 1978.
Trong khoảng hơn 13 năm từ 1966 đến 1979, năm nào hội cũng mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và trại sáng tác từ một đến 3 tháng. Số người dự, phần đông là công nhân trực tiếp sản xuất tại cơ sở, có trình độ học vấn khá và yêu thích văn học. Lại có cả giáo viên phổ thông, giáo viên đại học tham gia. Nhà văn Tô Hoài, nhà văn Kim Lân và sau này là nhà văn Bùi Huy Phồn được Ban Chấp hành đặc trách khâu đào tạo các cây viết trẻ. Chính vì vậy mà đến khoảng năm  1970 - 1972, lực lượng viết trẻ đã tập hợp thành đội ngũ khá đông đảo. Đây chính là nguồn “năng lượng” dự trữ dồi dào để nuôi tập san. Những năm đó, bạn đọc thường thấy xuất hiện trên Sáng tác Hà Nội những tác giả khá quen thuộc như Đoàn Trúc Quỳnh, Lưu Nghiệp Quỳnh, Trần Hoàng Bách, Trần Dũng, Đỗ Bảo Châu, Tùng Điển, Phạm Gia Bình, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Bùi Kim, Vũ Đình Minh, Tô Hải Vân, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyên Anh, Trần Văn Mỹ, Lê Phương Liên… (Những thành tựu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - NXB Hà Nội 1996). Điểm qua mấy nét chính như trên, giúp chúng ta hình dung hoạt động chính của tập san Người Hà Nội thuở ban đầu. Ngày ấy, biên tập viên vừa làm công tác hội vừa kiêm nhiệm việc biên tập. Mỗi khi tập san in xong được chuyển qua Quốc doanh phát hành sách Hà Nội đảm nhận việc bán, còn hội trả nhuận bút cho các tác giả theo quy định thang bậc của Bộ Văn hóa.
Đến năm 1986, nhằm đáp ứng quy mô hoạt động mới của Hội Văn nghệ Hà Nội, tập sáng tác Người Hà Nội được nâng cấp thành tuần báo Người Hà Nội, khuôn khổ và số trang như báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Hòa nhập sâu rộng với công cuộc đổi mới, báo in nhiều truyện ngắn, phóng sự gây được tiếng vang. Nhiều bạn đọc chờ ngày ra báo. Có lần báo vừa phát hành đã bán hết trong ngày, tòa soạn phải in thêm. Trong nhiều năm, báo Người Hà Nội là món ăn tinh thần không thể thiếu của các bạn đọc sành văn chương ở Hà Nội và các thành phố lớn. 
Hơn một năm trước đây, báo Người Hà Nội một lần nữa được chuyển đổi thành tạp chí, phát hành mỗi tháng một kỳ. Báo in bốn màu trên giấy tốt, trình bày khá hiện đại. Là người đi sâu khảo cứu văn hóa Hà Nội, người viết bài này vẫn gặp trên tạp chí mục “Thăng Long - Hà Nội”, đó chính là mục “Ngàn năm văn vật” trên tập san, mục “Hà Nội văn vật” (tên do nhà văn Tô Hoài đặt) trên tuần báo trước kia. Giờ đây, sau 36 năm đổi mới toàn diện, thị hiếu người viết và người đọc đều đã có những thay đổi cho phù hợp với nhịp sống mới. Để tồn tại, trong nhiều năm qua, báo/tạp chí cũng phải hạch toán tự thu chi nên nhiều lúc lâm vào cảnh khó khăn. Là người chứng kiến sự trưởng thành tờ báo văn nghệ của thành phố hơn 60 năm qua tôi thấy rõ việc đầu tư thỏa đáng góp phần đào tạo một lớp nhà văn phục vụ công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước đến hôm nay vẫn nở hoa kết trái là một chủ trương rất đúng của Nhà nước ta. Hơn nữa đầu tư cho văn nghệ không thể gặt hái kết quả trong một sớm một chiều. Mong sao Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cần có kế hoạch trình với cấp trên áp dụng một cơ chế riêng (lâu nay được sử dụng rộng rãi là đặc thù), với những cách làm sáng tạo, uyển chuyển, từng bước nâng cấp tạp chí Người Hà Nội, để hằng tháng, mỗi khi tạp chí ra mắt, người yêu văn thơ được đọc hai ba truyện ngắn, những bài thơ mới của các tác giả trẻ, một bài phóng sự phản ánh sôi động cuộc sống mới đang diễn ra trên thành phố. Ước mong giản dị đó hoàn toàn thực hiện được, vì chúng ta đang sống giữa một thành phố Thủ đô với hơn 7 triệu dân, nhu cầu hưởng thụ văn chương là rất lớn. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội - tiền thân là Hội Văn nghệ Hà Nội có tuổi đời 56 năm với hơn 4000 hội viên ở 9 hội chuyên ngành, riêng Hội Nhà văn Hà Nội có gần 800 hội viên… Đây là nguồn lực vô cùng to lớn, chỉ biết tìm cách khơi nguồn sáng tạo là chúng ta có đủ năng lượng dành cho tạp chí. Tôi tin tưởng rằng, thời gian tới tạp chí Người Hà Nội sẽ khởi sắc, vì đây cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và là diễn đàn của văn nghệ sĩ Thủ đô. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng văn nghệ sĩ Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO