Đông đảo người dân tấp nập đi lễ cầu an tại các đền, chùa ở Hà Nội
Trong tâm thức của người Việt, đi lễ đầu năm không đơn thuần chỉ để ước nguyện cầu may, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, tạm gạt bỏ sang bên những nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh.
Trong những ngày đầu năm mới này ở các đình, đền, chùa trên địa bàn Hà Nội luôn tấp nập người đi lễ đầu năm. Đông đúc, tấp nập nhưng không ồn ã, đến đây ai cũng ý thức về sự tôn nghiêm của chốn linh thiêng.
Bác Vũ Thị Lan ở quận Tây Hồ đi lễ đầu năm tại chùa Non Nước (Sóc Sơn) cho biết: “Đến với cửa chùa, đất Phật những ngày đầu năm luôn là thời điểm đông đúc nhất nhưng vẫn cảm nhận được sự thanh tịnh. Đến đây, không ai nói to, không ồn ào nên tôi vẫn sắp xếp đi lễ vào dịp này để cầu mong một năm mới an lành, may mắn cho bản thân và gia đình”.
Không chỉ có những người cao tuổi mới tìm về cửa chùa mà rất nhiều bạn trẻ cũng rộn ràng sắm lễ, đi chùa dịp đầu năm.
Bạn Trần Minh Thành, sinh viên năm cuối một trường đại học đóng trên địa bàn quận Đống Đa, chia sẻ: “Chúng em cùng nhau đi lễ đầu năm trước hết là để cầu mong sức khỏe, sau đó là thăm thú cảnh đẹp”.
Đất Thăng Long – Hà Nội không chỉ có Thăng Long tứ trấn hay nơi thờ tự của “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam mà còn đó hàng trăm công trình đình, đền, chùa đã gắn liền với đời sống tâm linh của người dân từ thủa lập làng, dựng nước.
Bạn Lê Minh Nguyệt, cho biết: Mình cùng chồng đưa con nhỏ đi lễ. Ngoài những hoạt động tâm linh đây cũng là dịp mình tìm hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc".
Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh và thêm phần hối hả nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ, thậm chí ngày càng được coi trọng hơn.
Những ngôi đình, đền, chùa cổ là hiện thân của quá khứ là biểu tượng sống động của đời sống văn hóa tâm linh hiện tại. Đến đó mỗi người có thể tự tìm hiểu thêm về những giá trị ẩn sâu trong bản sắc văn hóa tinh thần của người Việt./.