Đông đảo du khách thập phương du xuân về Đền Trần Nam Định
Nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực, du lịch đang được tổ chức tại Nam Định trong dịp Lễ hội khai ấn Đền Trần năm 2024, góp phần thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Là một trong những Lễ hội truyền thống đầu xuân của thành phố Nam Định, Lễ hội Đền Trần thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định đã khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần trên quê hương Nam Định; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, lễ hội còn góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Nam Định. Lễ hội Khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà Vua tế lễ trời, đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông dựng nước và giữ nước.
Sáng 15 và 16 tháng Giêng, thời tiết tại Nam Định có mưa, trời rét, nhưng người dân ở mọi miền đất nước đã về đền Trần, thành phố Nam Định xin lộc ấn. Có mặt tại khu vực phát ấn hôm 16/1 AL, chị Lưu Thị Dần (Cao Bằng) cho biết: Ban Tổ chức đã bố trí khu phát ấn hợp lý, thuận lợi, nhân dân không phải chờ đợi lâu, không có tình trạng chen lấn nhau. chị Dần mong muốn xin lá ấn để cầu mong sức khỏe, mọi việc trong năm mới được suôn sẻ, thuận lợi.
Ban quản lý di tích đền Trần tạo điều kiện thuận lợi để du khách có thể nhận được sớm nhất những lá ấn lộc. Từ 5h ngày 15 tháng Giêng (ngày 24. 2), nhà đền bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách ở các điểm nhà Giải Vũ tại Cung Thiên Trường, đền Cố Trạch và nhà trưng bày tại Cung Trùng Hoa.
Các bậc cao niên, người phát ấn cũng trắng đêm để chuẩn bị sẵn sàng những lá ấn lộc chuyển đến nhân dân và du khách thập phương. Tại các khu vực phát ấn, những người được phân công nhiệm vụ phát ấn làm việc liên tục để phục vụ người dân. Bộ phận đảm bảo an ninh, an toàn thường xuyên túc trực.
Phía trong các địa điểm phát ấn, các bô lão chuẩn bị gọn gàng những lá ấn lộc để phát cho người dân. Sau khi lấy ấn, nhiều người tiếp tục hành lễ trong đền Trần… Có thể nhận thấy, lễ hội đền Trần qua từng năm đều có những đổi mới, hướng đến tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống.
Năm nay, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, nghi lễ đặc sắc khác được tổ chức trang trọng, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách. Trong đó, nghi thức lễ rước Nước, tế Cá là nghi lễ mang ý nghĩa nhân văn và lịch sử; tái hiện các nghi lễ được thực hiện từ xa xưa, gắn với truyền thống xuất thân nghề sông nước, chài lưới của nhà Trần.
Theo ông Nguyễn Đức Bình – Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần – chùa Tháp, năm nay Ban tổ chức lễ hội đã có nhiều giải pháp để phân luồng và điều tiết, hạn chế tối đa tình trạng du khách chen lấn, xô đẩy. Bên cạnh việc sắp xếp hợp lý về bãi đỗ xe và luồng giao thông, Ban tổ chức bố trí nhiều không gian hoa, tiểu cảnh, khu trải nghiệm... phía ngoài đền nhằm tạo cảnh quan khang trang và đẹp mắt, cũng là để du khách có nơi check-in, vãn cảnh, tránh dồn ứ trong khuôn viên đền.
Ngoài ra, các hoạt động triển lãm “Hành cung Thiên Trường - Dấu ấn vàng son”; trình diễn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể như biểu diễn múa rối nước, hát xẩm, hát ca trù, hát chầu văn; trình diễn thi đấu cờ bỏi, chơi tổ tôm điếm, múa rồng, lân, trống cà rùng, kèn đồng thiếu nhi, võ thuật; trưng bày sinh vật cảnh; triển lãm diều sáo; giới thiệu văn hóa ẩm thực và sản phẩm OCOP sẽ góp phần thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến với Nam Định.
Một số hình ảnh du khách thập phương du xuân tại Lễ hội: