Độc nhất con phố không có nhà dân trên đất Thủ đô
Phố Hỏa Lò là con phố đặc biệt của Thủ đô Hà Nội khi chỉ có duy nhất một số nhà nhưng lại không phải nhà dân. Số 1 Hỏa Lò chính là Nhà tù Hỏa Lò. Hãy cùng theo chân Người Hà Nội để tìm hiểu và khám phá địa danh độc đáo này nhé!
Phố Hỏa Lò dài 165m rộng 10m, nối từ phố Hai Bà Trưng đến phố Lý Thường Kiệt.
Nhìn từ ngoài, điều khiến du khách ấn tượng nhất là những bức tường cao sừng sững, khoảng từ 4-5m, dày 0,5m chạy dọc theo con phố. Phía trên có rất nhiều mảnh chai thủy tinh và lưới điện trần, dùng để ngăn cách Nhà tù Hỏa Lò với bên ngoài.
Theo thông tin từ ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, phố Hỏa Lò ngày nay là đất thôn Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội xưa kia. Thời ấy, nơi này có nghề làm các loại ấm đất, siêu đất và các loại hoả lò bằng đất (nung và để mộc), ngày đêm con phố đỏ lửa nên người dân gọi Hỏa Lò.
Chia sẻ với phóng viên tạp chí Người Hà Nội, chị Lã Bích Thủy - thuyết minh viên tại khu Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò cho biết: Khi chiếm đóng Hà Nội, người Pháp đã cho di chuyển toàn bộ dân làng cùng những ngôi đình, chùa cổ kính của làng Phụ Khánh đi nơi khác, như chùa Chân Tiên, đình Phụ Khánh dời xuống cuối phố Bà Triệu ngày nay, còn các chùa Bích Thư, Bích Họa thì bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1896, Pháp đã lấy toàn bộ đất làng xây dựng nhà tù, tòa án và sở mật thám, tạo thành một hệ thống chuyên chế liên hoàn phục vụ đắc lực cho việc cai trị và đàn áp các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Bấy giờ, Nhà tù Hỏa Lò có tổng diện tích gần 13.000 m², là một trong những nhà tù lớn và kiên cố bậc nhất Đông Dương. Từ đó, người dân tại tuyến phố Hỏa Lò vĩnh viễn mất đi làng nghề thủ công truyền thống lâu đời này.
Hiện nay, di tích Nhà tù Hỏa Lò là một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước bởi những giá trị lịch sử hào hùng mà nơi này mang lại./.