Dấu xưa nơi đình cổ
Từ xưa đến nay đình Chèm (Trèm) song hành 2 tên gọi: “đền” và “đình”. Từ “đền” có trước, ít nhất từ thời Triệu Xương, Cao Biền dựng, sửa đền Lý Hiệu úy (Lý Ông Trọng) ở làng Chèm - Thụy Hương, huyện Từ Liêm, khoảng thế kỷ thứ 7. Từ “đình” có sau, nhưng chưa rõ xuất hiện từ bao giờ? Có lẽ khi ngôi Đình Trong được hoàn thành bên cạnh ao Đình (thuộc TDP Đình ngày nay). Cũng chưa rõ Đình Trong (nằm bên trong đê Hữu Hồng) được xây cất từ bao giờ? Để phân biệt với Đình Trong, dân làng Chèm gọi đền Chèm là “Đình Ngoài” (với nghĩa là ở bên ngoài con đê Hữu Hồng).
Từ đó, riêng đền Chèm - đền Lý Hiệu úy bắt đầu song hành cả 2 tên gọi: đình - đền. Đặc biệt là khi Đình Trong bị phá dỡ (khoảng cuối những năm 50 đầu những năm 60 thế kỷ trước), bài vị thờ Thành hoàng làng Chèm - Thụy Phương được di dời ra Đình Ngoài thờ chung với Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng thì cách gọi song hành, đồng nhất này có xu hướng ngả sang từ “đình” mà thưa nhạt dần dùng từ “đền”, cho tới nay. Trong khi đó, rất nhiều đình, đền trên đất nước ta chỉ duy nhất 1 cách gọi, không nhập nhòa, lẫn lộn.
Bởi thế, cách gọi đình (đền) Chèm quả là một hiện tượng lịch sử - văn hóa - ngôn ngữ độc đáo, thú vị nhưng cũng không kém phần bất tiện, phiền toái, nhất là đối với khách thập phương và các nhà nghiên cứu văn hóa.
Đình Chèm được xây dựng ở vị trí chân đê phía bên ngoài con đê Hữu Hồng. Trong khi hầu hết các ngôi đình, đền, chùa dọc dải sông Hông (2 bờ tả, hữu) đều nằm ở phía bên trong đê: (đình Hoàng Xá, đình Vẽ, đình Nhật Tảo, đình Phú Thượng, đình Nhật Tân, đình Yên Phụ...) thì đình Chèm quay mặt về hướng chính Bắc, có kiến trúc nhiều lớp theo hướng Bắc - Nam, mỗi lớp có những công trình mang đặc sắc riêng.
Nhắc đến đình Chèm không thể không nhắc đến sự kiện lịch sử độc đáo diễn ra năm 1916 - đó là sự kiện kiệu đình. Chuyện rằng năm ấy, sau trận lụt, vỡ đê Liên Mạc, đình Chèm bị ngập nặng. Bằng phương pháp thủ công, dân ba làng (làng Chèm ở Thụy Phương, làng Hoàng Liên và làng Hoàng Xá ở Liên Mạc) đã tổ chức thi công nâng (kiệu) đình Chèm lên độ cao 2,4m so với nền cũ để chống lũ, lụt, chống nước sông Hồng dâng cao, tràn vào đình. Có lẽ đây là sự kiện lịch sử lớn lao, trọng đại, hiếm hoi, độc nhất vô nhị đối với đền Chèm và dân ba làng, từ xưa đến nay.
Nghi lễ độc đáo trong lễ hội đình Chèm
Kỷ niệm ngày Thánh Chèm khao quân, mừng chiến thắng, lễ hội đình Chèm được mở hằng năm trong 3 ngày liền, vào trung tuần tháng 5: 14 (khai hội) -15 (chính hội) - 16/5 Âm lịch. Suốt thời gian này, tại đình diễn ra nhiều nghi lễ, trò hội. Đầu tiên phải kể đến nghi lễ rước nước. Xưa, rước nước bằng thuyền gỗ, nay rước bằng tàu sắt kèm kéo xà lan có thể chở hàng trăm người. Từ gảnh đình Chèm (trước đây từ Bến Ngự - TDP Hồng Ngự, phường Thụy Phương), thuyền ra giữa sông Hồng, ngược lên đoạn sông đầu làng Mạc (phường Liên Mạc) rồi quay về. Đến giữa sông Hồng, thuyền (tàu) quay tròn 3 vòng. Ông chủ tế dùng gáo đồng 3 lần múc nước sông Hồng đổ đầy 3 chóe sứ cổ trong tiếng nhạc bát âm đàn, sáo, nhị, trống, chiêng hòa tấu khúc lưu thủy rộn rã, tưng bừng. Mỗi chóe nước cúng sử dụng 2 chàng trai niên thiếu đẹp, khỏe khiêng bằng đòn gỗ sơn son thiếp vàng. Lấy nước xong, tàu về cập bờ vào đình, tiến cung dâng lễ Thánh.
Lễ hội đình Chèm còn có nghi lễ rước văn và đọc chúc văn. Cho đến giữa thế kỷ trước, rước văn trong lễ hội đình Chèm được bắt đầu từ đình Chèm tới nhà ông tả văn (người có học vị cao nhất làng, được làng giao nhiệm vụ viết văn tế) rồi từ nhà ông tả văn rước về đình Chèm. Trung tâm rước văn là rước bản văn tế mới được viết cho lễ hội năm ấy. Rước về đình thì tổ chức lễ hóa bản văn.
Từ năm 1990 đến nay, rước văn trong lễ hội đình Chèm được chuẩn bị từ đình Chèm tới chùa Chèm (Hàm Long tự), được rước chính thức vào khoảng 14h - 16h 30 các buổi chiều 14, 16/5 từ chùa Chèm về lại đình Chèm. Các ông Đông (hoặc Tây) tán đọc chúc văn (văn tế). Văn tế viết theo mẫu, không hóa mà lưu lại, dùng trong nhiều năm.
Lễ hội đình Chèm đến nay còn duy trì lễ mộc dục (tắm tượng). Vào giờ Ngọ (12h trưa) ngày chính hội, tại tiểu phương đình phía Tây hoặc Đông và tại nhà vuông dựng tạm bằng vải đỏ trên nền bệ xây gạch hình vuông trong sân Gảnh Đình. Tại đây, ông chủ tế trực tiếp làm lễ mộc dục cho bài vị Nhị Thánh, tượng ông Sứ Nguyễn Văn Chất cùng với một vài người phụ giúp trong tiếng nhạc bát âm tưng bừng.
Tại lễ hội đình Chèm có 3 lá cờ đại được treo trước gảnh đình và trên bờ đê, bên lối vào đình. Cờ Tổ quốc Việt Nam (nền đỏ, sao vàng) treo chính giữa trên đỉnh cột. Cột bên phải, treo cờ “Thần” hình vuông, vải màu đỏ, viền răng cưa màu xanh, giữa thêu 3 chữ Hán màu vàng: Thượng đẳng Thiên vương (tước phong của Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng). Cột bên trái (phía Tây, phương Phật) treo cờ phướn, dải vải màu trắng.
Lễ vật trong 3 ngày lễ hội hoàn toàn chỉ dùng lễ vật chay, không sử dụng lễ vật mặn (thịt, cá). Lễ vật đặc trưng là chè kho (nấu bằng đậu xanh xay, giã nhuyễn). Hội Chèm còn duy trì các trò chơi dân gian: thi thả chim bồ câu, kéo co, thả diều, bơi chải.
Lễ hội đình Chèm là lễ hội chung 3 dân của 3 làng láng giềng, quần cư dọc dải đê Hữu Hồng, kết nghĩa anh em gắn bó, cùng thờ Đức Thánh Lý Ông Trọng (Trèm (anh cả) - Hoàng (anh hai) - Mạc (anh ba) thuộc 2 phường Thụy Phương, Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Hằng năm, lễ hội đình Chèm tiến hành vào giữa mùa hạ, nắng nóng (trong 3 ngày liên tiếp 14, 15, 16/5 Âm lịch). Điều đặc biệt về thời tiết như đã thành quy luật (rất khó giải thích về mặt khoa học mà chỉ có thể giải thích bằng sự linh thiêng của Thánh Chèm lay động đến trời đất) là trong 3 ngày đêm lễ hội đó nhất định sẽ có ít nhất 1 trận mưa hoặc to, kéo dài, hoặc nhỏ, ngắn, thoáng chốc. Nếu mưa vào đêm 13 hoặc sáng 14, ba dân gọi là mưa rửa đình để đón chào lễ hội; mưa ngày đêm 15 thì gọi là mưa mừng lễ hội, mừng Nhị Thánh; còn nếu mưa vào ngày 16 thì được gọi là trận mưa Thánh Chèm tiễn Thánh Gióng (sang chơi hội) về quê Phù Đổng (Gia Lâm).
Điểm lại nét độc đáo của đình Chèm và lễ hội đình Chèm những con dân làng Chèm, hậu duệ của Đức Thánh Lý Ông Trọng càng tự hào hơn về quê hương làng Chèm - phường Thụy Phương, mảnh đất điạ linh nhân kiệt đã sản sinh ra một bậc anh hùng văn hóa kỳ vĩ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam; tự hào về đình Chèm với kiến trúc đẹp đẽ, vững bền, uy nghiêm, thanh nhã; tự hào về lễ hội đình Chèm đứng thứ ba trong các lễ hội cả nước với không ít nghi lễ trang trọng, mang bản sắc riêng, với những trò hội kết hợp với nghi lễ vừa trang nghiêm, giàu ý nghĩa lịch sử, nhân văn, sống động, thể hiện bản lĩnh thông minh, tài khéo, đặc biệt là tấm lòng trân trọng, thành kính, luôn biết ơn và noi theo những tấm gương ngời sáng của tổ tiên mình.