1. Tôi quen NSNA Đỗ Lan Hương khi cả hai cùng vào làm việc cho tạp chí Thời trang trẻ đầu thập niên 1990. Cả hai chúng tôi khi ấy hào hứng vì được làm việc cho một tạp chí liên doanh với Thụy Sĩ, tiếp cận công nghệ truyền thông, làm tạp chí thời trang hàng đầu thế giới, thế nên say việc tưởng không dứt ra được.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Hà Nội chưa có “lò luyện” người mẫu chuyên nghiệp. Tôi là phóng viên, phụ trách chuyên mục “đinh” của tạp chí - chuyên mục “Bộ sưu tập mốt mới”. Mỗi tháng tạp chí ra một kỳ, mỗi kỳ đều có một bộ sưu tập mốt mới, chiếm từ 8 đến 12 trang, giới thiệu các mẫu thiết kế sáng tạo, dẫn đầu xu hướng của một nhà tạo mốt danh tiếng, do một người mẫu ăn khách thể hiện. Tôi phải tìm ra nhà tạo mốt đó, Đỗ Lan Hương phụ trách việc chụp ảnh, và cả hai phải cùng tìm ra người mẫu ăn khách. Hằng ngày chúng tôi phải cùng nhau lùng sục để tìm ra các cô gái đẹp của Hà Nội và thuyết phục họ làm người mẫu cho chúng tôi. Lắm khi đang đi trên đường, thấy có cô gái đẹp, chúng tôi đuổi theo để làm quen, đề nghị họ làm người mẫu. Chúng tôi đã “bắt” được Vũ Cẩm Nhung, Bảo Ngọc, Thúy Hà, Thúy Hằng - Thúy Hạnh..., những người sau này làm người mẫu rồi siêu mẫu sáng giá của Hà Nội.
Nhưng cũng từ đó, Đỗ Lan Hương chuyên tâm khai thác vẻ đẹp con gái Hà Nội hơn. Tất nhiên sau này chị cũng chụp những cô gái đẹp ở các vùng khác, nhưng cá nhân tôi cho rằng, ống kính Đỗ Lan Hương có nhiều ưu ái với các cô gái đẹp Hà Nội. Những bức ảnh chụp người đẹp nghệ thuật nhất, ấn tượng nhất của chị đều có mẫu là một cô gái Hà Nội. Có lẽ bởi thừa hưởng linh khí của đất trời Thủ đô ngàn năm văn hiến mà con gái Hà Nội dù ở nơi nào cũng không lẫn vào đâu được. Không nổi bật vì vẻ đẹp lộng lẫy nhưng chính nét duyên ngầm và sắc hương ngọt ngào ẩn chứa, dáng vẻ “mỏng mày hay hạt” của con gái Hà Nội đã làm nên sự khác biệt. Khó ai có thể bắt chước cách mặc áo dài trắng, nhẹ bước lên chiếc xích lô với vẻ tao nhã kiêu sa của một cô gái Hà Nội. Bước đi uyển chuyển, nhẹ nhàng, lời nói dịu dàng, tiết chế và nụ cười mỉm luôn tạo nên vẻ đẹp khác biệt của các cô.
2. Trong hàng trăm bức ảnh tiêu biểu của NSNA Đỗ Lan Hương, nét chung nhất mà chị cho người ngắm ảnh thấy được là thần thái của người con gái Hà Nội. Lặng thinh đẹp! Đó là nét đẹp tự nhiên tỏa ra từ bên trong, có cố giấu đi cũng không được. Tôi nhớ mãi bức hình đen trắng mà Đỗ Lan Hương chụp trong những năm 1990. Khi ấy, 5 người mẫu trong tà áo dài trắng (trong đó tôi nhớ tên 4 cô: Bảo Ngọc, Bích Yến, Vũ Cẩm Nhung, Thanh Hà) ngồi trên hai chiếc xích lô thong dong ngắm phố. Nắng bừng lên trong nụ cười và vẻ xuân sắc của các cô. Nét tinh khôi dịu nhẹ lan tỏa, phủ lên phố xá, lên những bức tường cũ, lên mái ngói rêu phong một vẻ mềm mại kỳ lạ.
Hay như bức ảnh “Thu ở lại” của Đỗ Lan Hương, từng đoạt giải cao trong một cuộc thi nhiếp ảnh vào những năm 1990, cũng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Trong bức ảnh, Hà Nội cuối thu ảo diệu trong sương nhạt, một cô gái trong tà áo dài trắng ngồi trên thảm lá vàng mà cây lộc vừng vừa trút đêm qua. Cô ngồi trong thinh lặng. Và chính sự thinh lặng đó gợi lên trong lòng người ngắm ảnh, ngắm cảnh biết bao bồi hồi. Sự kết nối giữa các thế hệ tinh hoa Hà Nội, sự kết nối giữa con người với cảnh vật, với linh khí đất trời tạo nên cái đẹp không thốt thành lời.
Khi người nghệ sĩ đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc, đã biết tĩnh lặng để chìm sâu vào chính mình, khám phá ra bản chất thực của mình thì sẽ tận dụng được vẻ đẹp của bất cứ gì xung quanh. Những giai đoạn sau đó, Lan Hương không còn đi săn tìm người mẫu nữa. Khi các lò luyện mẫu mọc lên nhan nhản ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chị lặng lẽ rời tạp chí Thời trang trẻ, bỏ luôn cả tạp chí Thế giới Đẹp mà chị tự đầu tư, để làm một cuộc du hành thật xa, đem vẻ đẹp phụ nữ Việt tới các cuộc triển lãm ảnh tại Mỹ, Pháp và một số quốc gia khác.
Vào năm 2002, Đỗ Lan Hương tham gia một sự kiện nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên trong đời chị, đó là Hội thảo Nhiếp ảnh trẻ Á - Âu. Đại diện cho giới nhiếp ảnh Việt Nam, chị tham dự hội thảo với mảng ảnh trang phục phụ nữ Việt Nam. Chị được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam chọn tham dự hội thảo vì đã có đóng góp nhất định trong ảnh nghệ thuật, đặc biệt là đã chuyên sâu về mảng ảnh thời trang trong gần một thập niên.
Tại hội thảo, nghệ sĩ phải có tham luận về mảng đề tài mình theo đuổi, nói rõ những trăn trở, kinh nghiệm, thành quả đạt được trong nghề, Đỗ Lan Hương đã khiến đồng nghiệp quốc tế ngạc nhiên khi thể hiện niềm tự hào lớn lao trong việc tập trung ống kính sáng tác vào vẻ đẹp phụ nữ Việt và trang phục phụ nữ Việt Nam. “Tôi dựng lại trang phục của phụ nữ Việt Nam thế kỷ XIX. Trong bối cảnh những thứ như yếm đào, khăn mỏ quạ, váy đụp, áo the, quần lĩnh, áo mớ ba mớ bảy đã lùi về quá khứ, tôi muốn dựng lại những bộ trang phục gây dấu ấn đặc biệt của thời đó qua ảnh hiện đại và cách nhìn của một người Việt ngày hôm nay” - Đỗ Lan Hương chia sẻ tại hội thảo.
Trong triển lãm chung về ảnh tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore của các nhà nhiếp ảnh thuộc 25 quốc gia tham dự, chị đã trưng bày 5 bức ảnh về yếm đào, khăn mỏ quạ và áo mớ ba mớ bảy. Ngoài ra, chị cũng mang theo 40 bức ảnh khác về trang phục thời xưa của phụ nữ Việt cùng cuốn sách “Ảnh thời trang Việt Nam” của mình để tặng bạn bè và giới thiệu với công chúng Singapore.
3. Vẻ đẹp phụ nữ Việt và trang phục nữ Việt Nam đã trở thành đề tài chủ đạo trong sự nghiệp sáng tác nhiếp ảnh của Đỗ Lan Hương. Trong khoảng 10 năm qua, khi sinh sống tại Hoa Kỳ cùng chồng là một nhà nghiên cứu văn hóa, chị đã dành thời gian để tiếp tục sáng tác chân dung những phụ nữ Việt ở Mỹ và một số quốc gia khác. Không chỉ chụp ảnh những cô gái trẻ đẹp như trước kia, chị hướng ống kính của mình tới những phụ nữ trung niên, thậm chí phụ nữ cao tuổi, thể hiện vẻ đẹp của họ ở chiều sâu nội tâm, sự hiểu biết thấu đáo và cái nhìn từng trải...
Khi trở về Việt Nam, những năm gần đây, chị chụp gì cũng đẹp, bất cứ phụ nữ nào cũng là người đẹp. Vẻ đẹp của thời gian, của sự chín muồi, sự trưởng thành và tình yêu đã làm người phụ nữ trở nên hấp dẫn với nét riêng biệt, độc đáo không lặp lại trong hàng tỷ gương mặt phụ nữ toàn cầu. Những người phụ nữ Hà Nội ở mọi lứa tuổi, qua ống kính NSNA Đỗ Lan Hương tạo cảm hứng cho biết bao người ngắm ảnh, tự sáng tạo nên câu chuyện cuộc đời của người đẹp trong ảnh theo cảm nhận và phông văn hóa của riêng mình.
NSNA Đỗ Lan Hương sinh năm 1968, là hội viên Hội NSNA Việt Nam. Chị từng là phóng viên ảnh thời trang, làm việc hơn 9 năm cho tạp chí Thời trang trẻ. Chính trong quá trình làm việc cho tạp chí thời trang đầu tiên của Việt Nam (giai đoạn 1994 - 2003), chị đã chụp nhiều bộ sưu tập thời trang nổi tiếng, xuất bản cuốn sách “Ảnh thời trang Việt Nam”. Năm 2000, chị giành được giải thưởng của Hội NSNA Việt Nam với tác phẩm “Thu ở lại”. Từ năm 2009 đến 2019, chị đã triển lãm ảnh về trang phục truyền thống phụ nữ Việt Nam, về vẻ đẹp độc đáo của phụ nữ Việt tại một số nước Âu - Mỹ, trong đó có Pháp, Đức và Hoa Kỳ.