Định hướng phát triển bãi giữa sông Hồng: Cần gắn với quy hoạch chung của Thủ đô

HNM| 03/04/2022 08:04

Nhằm quản lý, sử dụng và phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), UBND quận Hoàn Kiếm hướng đến mục tiêu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Thủ đô. Định hướng này đang thu hút sự đồng tình ủng hộ cũng như nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia.

Định hướng phát triển bãi giữa sông Hồng: Cần gắn với quy hoạch chung của Thủ đô
Định hướng phát triển bãi giữa, bãi bồi sông Hồng cần phù hợp với định hướng phát triển không gian tại Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đang chờ phê duyệt).

Tái khởi động một chủ trương đúng đắn

Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, việc phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Trong đó, địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách.

Cùng với đó, Hoàn Kiếm sẽ tôn tạo không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, định hướng nghiên cứu, khai thác và phát huy hiệu quả bãi giữa, bãi bồi sông Hồng là chủ trương đúng đắn, mạnh dạn, đã tái khởi động vấn đề khai thác khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng.

“Bởi từ những năm 1994, đã có rất nhiều đồ án quy hoạch, không chỉ của thành phố, các đơn vị, cơ quan trong nước mà còn cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài hướng đến khai thác khu vực tiềm năng này. Tuy nhiên, những dự án này không được phê duyệt, bởi chưa đáp ứng được những đòi hỏi lớn đặt ra, như bảo đảm an toàn thoát lũ và ổn định dòng chảy; xác lập mối quan hệ vùng giữa tiềm năng quỹ đất của khu vực ven sông Hà Nội với các tỉnh lân cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật như thế nào trong khai thác tiềm năng quỹ đất ven sông cũng như khu vực bãi giữa, bãi bồi”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc địa bàn hai phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó có một phần (khoảng 1ha) thuộc địa phận quận Long Biên.

Định hướng phát triển bãi giữa sông Hồng: Cần gắn với quy hoạch chung của Thủ đô
Định hướng phát triển bãi giữa, bãi bồi sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm của thành phố.

Tránh tình trạng “cát cứ” trong khai thác sông Hồng

Phân tích về lợi thế có được từ định hướng phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Thủ đô, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, tiềm năng lớn nhất của khai thác sông Hồng là quỹ đất.

“Tại khu vực nội đô lịch sử, mỗi người dân được hưởng thụ bình quân từ 5-5,5m2 không gian xanh. Nếu khai thác được hơn 300ha đất bãi làm không gian, tỷ lệ trên sẽ được nâng tới gần 8m2, bằng mức nhiều nơi mong muốn”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích.

Định hướng khai thác trên sẽ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho nhân dân Thủ đô ở mọi lứa tuổi; cải tạo cảnh quan, nâng chất lượng sống cho người dân ở khu vực các phường Chương Dương, Phúc Xá (quận Hoàn Kiếm).

Ngoài ra, việc cải tạo nếu được thực hiện đồng bộ trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Long Biên, sẽ tạo lập định hướng biến sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm của thành phố Hà Nội, hai bên là các đô thị hiện đại, văn minh.

Tuy nhiên, cũng theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, định hướng trên chưa được hoàn thiện cơ sở pháp lý. Cụ thể, Hà Nội đang trong quá trình xây dựng hoặc chờ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cùng các quy hoạch ngành cấp quốc gia về thủy lợi, thoát lũ, giao thông đường thủy…

“Đề xuất hợp lý, tích cực, năng động nêu trên cần sớm có cơ sở pháp lý để tuân thủ nguyên tắc chung của vùng và cả nước. Trước mắt, quận Hoàn Kiếm cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, kế thừa kinh nghiệm của các nghiên cứu, dự án có liên quan trước đây, xác định rõ mục tiêu khai thác và phải tính đến giao thông kết nối giữa khu vực bãi với hệ thống giao thông trong nội đô”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Cùng quan điểm trên, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, định hướng quy hoạch khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng của quận Hoàn Kiếm mang nhiều ý nghĩa nhưng phải gắn với quy hoạch chung của thành phố, đặc biệt là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang trong quá trình chờ phê duyệt. Các quy hoạch chung sẽ là cơ sở để khớp nối, gắn kết và phân chức năng cho từng khu vực, tránh tình trạng “cát cứ” từ mỗi địa phương trong khai thác tiềm năng của sông Hồng. 

“Định hướng biến khu vực bãi bồi, bãi giữa là công viên với nhiều chức năng lịch sử, giáo dục, vui chơi, giải trí... đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Trong đó, nhiều lĩnh vực không thuộc chức năng của quận, cần phải có chỉ đạo của thành phố, gắn với quy hoạch chung, tổng thể”, KTS Phạm Thanh Tùng lưu ý. 

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Định hướng phát triển bãi giữa sông Hồng: Cần gắn với quy hoạch chung của Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO