Giao lưu “Điện Biên - Vầng hào quang bất tử” cũng là dịp để Ban tổ chức mở đầu các hoạt động trong hành trình thắp lửa tri ân các đồng đội và kết nối những tấm lòng nhân ái. Bởi vậy, trong khuôn khổ chương trình, BTC cùng các doanh nhân, doanh nghiệp đã dành tặng 20 phần quà tri ân ý nghĩa tới 20 cựu chiến binh. Những phần quà tuy “nhỏ” về giá trị vật chất nhưng có ý nghĩa tinh thần to lớn, là sự tiếp nối truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.
Ông Nguyễn Văn Mười Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Cơ quan Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban tổ chức chương trình:
Chương trình “Khúc quân hành” lần thứ V, năm 2019 là một hoạt động có ý nghĩa to lớn để cùng cả nước thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, phát huy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, nhằm tri ân những Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, người có công với cách mạng đã hi sinh xương máu của mình cho hòa bình, độc lập, tự do của đất nước. Buổi giao lưu ý nghĩa này khơi dậy trong chúng ta tinh thần bất tử của người lính năm xưa, những năm tháng hào hùng chống giặc ngoại xâm, những chiến công chói lọi của cha anh với “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn”. “Điện Biên - Vầng hào quang bất tử” là một bài ca năm tháng, là câu chuyện kể sinh động, giàu cảm xúc, ý nghĩa thời sự mà xúc động.
Doanh nhân Đàm Quốc Hiệp Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn Danko:
Chiến thắng Điện Biên Phủ đập tan tư tưởng cố hữu thời kỳ đó của các nước phương Tây - đó là thế lực hùng mạnh không bao giờ thất bại, đồng thời chứng minh cho thế giới thấy một nước nhỏ nhưng chúng ta có thể thắng một nước lớn bằng tinh thần đoàn kết, ý chí, sáng tạo trong chiến đấu. Là một thế hệ trẻ được trưởng thành trong hòa bình hôm nay chúng tôi đã cảm nhận ý nghĩa to lớn từ chiến thắng lịch sử này. Những bài học từ chiến thắng hào hùng của ông cha ta về tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong chiến đấu có ý nghĩa rất lớn đối với thế hệ trẻ để vận dụng vào bối cảnh hôm nay khi xây dựng phát triển kinh tế - xã hội…
Nhà báo Đào Xuân Hưng Tổng biên tập báo Người Hà Nội Trưởng ban tổ chức chương trình:
Chương trình giao lưu “Điện Biên - Vầng hào quang bất tử” nhằm ôn lại khí thế oai hùng và tinh thần chiến đấu bất diệt của quân và dân ta trong trận chiến Điện Biên năm xưa. Ban tổ chức mong muốn qua chương trình sẽ giúp mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến thắng này đối với nền độc lập của dân tộc; từ đó góp phần giáo dục tư tưởng, tinh thần yêu nước và ý chí quật khởi trong chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của cha ông cho thế hệ trẻ hôm nay.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Phùng Văn Khầu:
Tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi 25 tuổi và là Khẩu đội trưởng. Trong 36 ngày đêm chiến đấu trên đồi E1, đơn vị của chúng tôi có 30 đồng chí cán bộ, chiến sĩ. Trong thời gian chiến đấu chống quân thù, 27 đồng chí đã bị thương vong, hi sinh. Đến ngày 23/4/1954, Đại đội của tôi chỉ còn 3 người gồm: đồng chí đại đội trưởng, chính trị viên và tôi. Chúng tôi đã chiến đấu đến ngày Điện Biên Phủ được giải phóng. Có những lúc, một mình tôi sử dụng một khẩu pháo đánh vào sào huyệt quân thù. Lúc đó tôi nghĩ, phải thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, đã đánh là phải thắng và tôi đã quyết tâm chiến đấu đến cùng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ tôi cũng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng đến thăm đơn vị. Đại tướng đã chúc đơn vị khắc phục khó khăn để chiến đấu với quân thù. Khi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, tôi như vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Sau đó, tôi được Bác Hồ tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên và vinh dự 4 lần gặp Bác.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Đặng Đức Song:
Kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi là được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy tôi mới 20 tuổi, được chiến đấu từ đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch, trong đó được chiến đấu, phòng ngự ở Đồi Xanh 32 ngày đêm. Trận địa Đồi Xanh là trận địa phòng ngự quan trọng của quân ta, địch nhiều lần đánh để giành lấy Đồi Xanh. Đơn vị chúng tôi phòng ngự ở đấy có hai trung đội, Trung đội 10 và Trung đội 11 Đại đội 28, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 36. Thời điểm từ ngày 3/3 đến 5/3/1954, địch liên tục bắn pháo, đại bác, thả bom kể cả bom Napan trong khu vực này, Đồi Xanh hóa thành “đồi đỏ”. Nhớ nhất ngày 3/3 tôi được phân công là tiểu đội phó, phụ trách trung liên. Địch ngã rạp ngay từ những loạt đạn đầu tiên, những tên còn sống chạy trối chết. Những lần tiến công tiếp theo của địch, ta cũng có những phương án đối phó và đã giành được chiến thắng. Tổng kết trận phòng ngự trên Đồi Xanh, quân đội ta lần đầu tiên được tặng Huân chương tại trận địa do chiến thắng được địch, phá vỡ được ác mộng của Na - va.