“Chỉ vài thao tác đơn giản bằng điện thoại thông minh, đến bến xe buýt Kim Mã, tôi đã thuê xe đạp điện tại đây rồi đi tham quan các điểm di tích của Thủ đô”, anh Tống Văn Tưởng (phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP. Hà Nội), chia sẻ.
Cánh tay nối dài phát triển du lịch
Từ đầu tháng 8/2023, nhiều người dân và du khách tại Hà Nội đi qua các tuyến phố khu vực nội đô bắt gặp các ô hình chữ nhật kẻ vạch vàng cùng nhiều chiếc xe đạp điện, xe đạp công cộng sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Đây chính là các trạm cho thuê xe đạp điện, xe đạp công cộng của Hà Nội, được triển khai thí điểm từ ngày 24/8 tại 79 điểm trên toàn Thành phố nhằm phục vụ đi lại của người dân.
Trước thời điểm triển khai thí điểm ít ngày, Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội tới nhiều điểm trạm có dịch vụ cho thuê xe đạp điện, xe đạp truyền thống. Theo quan sát, điểm trạm thường được đặt tại khu vực công cộng, có bảng thông báo cụ thể, rõ ràng, hướng dẫn cách thuê xe cũng như cách sử dụng cho người dân. Đặc biệt, các điểm trạm cho thuê xe đạp điện tại Hà Nội được bố trí gần điểm dừng xe buýt, trường học, cạnh các vườn hoa, công viên, điểm du lịch, một số tòa nhà trung tâm thương mại sầm uất. Mỗi điểm trạm thường có từ khoảng 10 xe đạp điện để người dân có thể thuê ngay tại chỗ.
Mục đích Hà Nội hướng tới khi triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp điện, xe đạp công cộng để từng bước hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng Thủ đô xanh - văn minh - hiện đại. Tuy nhiên, “vi hành” đến các điểm trạm gần đây, Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội nhận thấy mô hình cho thuê xe đạp điện, xe đạp truyền thống còn là cánh tay nối dài để phát triển du lịch Thủ đô. Ngoài việc thuê xe để di chuyển đến nơi làm việc, một số người dân, nhất là các bạn trẻ đã thuê xe đạp điện để khám phá phố phường, các điểm di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội.
Dừng tại điểm trạm Vườn hoa Lê Nin (gần nút giao đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, phường Điện Biên, quận Ba Đình), chúng tôi bắt gặp một nhóm bạn trẻ nữ GenZ vừa đang trả xe tại trạm. Bạn Lê Khánh Linh chia sẻ: “Tụi em thuê xe đạp điện tại đây và vừa có một trải nghiệm thú vị. Từ vườn hoa Lê Nin, chúng em đi ra Hồ Tây dạo quanh một vòng, đi qua các chùa Trấn Quốc, Trích Sài, Võng Thị, Phổ Linh, phủ Tây Hồ. Sau đó trở về Hồ Hoàn Kiếm ghé qua Nhà hát Lớn Hà Nội, vào ăn kem Tràng Tiền rồi lại đi xe thẳng một mạch qua Thư viện Quốc gia và đến trạm để trả xe. Xe đi rất êm, có thể nhanh chậm theo mục đích tham quan, du lịch mà giá lại rẻ. Mỗi người chỉ tốn 10.000 đồng cho một lượt thuê mà đi đến cả tiếng”. Theo Lê Khánh Linh, nhóm của bạn gồm 6 người và mỗi người thuê một xe để khám phá Hà Nội.
Phạm Hoàng Anh vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội, cho biết, đã thuê xe đạp điện tại điểm trạm số 72 phố Trần Đại Nghĩa (Phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) để đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám tham quan. Dù đã có 4 năm học tại Thủ đô, nhưng đây là lần đầu Hoàng Anh có thời gian đến với trường đại học đầu tiên của Việt Nam để tìm hiểu về di tích văn hóa lịch sử này.
Nói về trải nghiệm thuê xe đạp điện công cộng, anh Hoàng Anh cho biết: “Em thấy khá tiện lợi. Từ lúc tải ứng dụng, đăng ký tài khoản rồi tới khi thuê được xe chưa đến 10 phút. Với 10.000 đồng cho một giờ thuê, em di chuyển từ điểm trạm Trần Đại Nghĩa lên Văn Miếu – Quốc Tử Giám khoảng 15 phút, tham quan ở Văn Miếu trong nửa tiếng, em quay ra rồi di chuyển về Vincom Phạm Ngọc Thạch thăm bạn. Tại đây cũng có trạm cho thuê xe đạp điện nên em trả xe ở điểm này luôn, rất thuận lợi. Nếu so với di chuyển bằng xe buýt thì tiết kiệm được nhiều thời gian, không phải chờ đợi, còn so với đi xe thuộc các dịch vụ khác như xe ôm thì thuê xe đạp điện đỡ tốn được mấy chục nghìn đồng”.
Trong khi đó, anh Tống Văn Tưởng hiện ở trọ tại phường Phú Lãm, cho biết, sau khi đi xe buýt nhanh BRT từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe buýt Kim Mã, thấy ngoài cổng bến Kim Mã có điểm cho thuê xe đạp điện nên anh Tưởng dừng lại để “khởi hành” luôn. Sau khi cài đặt ứng dụng, thuê “xe đạp tự lái”, anh Tưởng đã di chuyển qua Bảo tàng Hồ Chí Minh, tham quan chùa Một Cột rồi đi qua lăng Bác, vòng qua Hoàng thành Thăng Long. “Chỉ vài thao tác đơn giản bằng điện thoại thông minh, tôi thuê xe đạp điện tại bến xe buýt Kim Mã rồi đi tham quan các điểm di tích của Thủ đô. Tôi sẽ tiếp tục khám phá Hà Nội bằng cách này khi có thời gian”, anh Tống Văn Tưởng, chia sẻ.
Cần thời gian để hoàn thiện hơn
Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam - đơn vị thực hiện dịch vụ cho thuê xe đạp điện, xe đạp công cộng tại Hà Nội, từ ngày 16 đến 22/8, đơn vị đã cho thử nghiệm dịch vụ và ghi nhận gần 16.500 tài khoản mới được kích hoạt với gần 7.500 chuyến đi, tương đương 46.894km đã đi (trung bình 6,3km/chuyến đi). Đây có thể xem là một tín hiệu tích cực để Hà Nội từng bước hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh – sạch – đẹp. Hiện giai đoạn thí điểm dịch vụ được triển khai tại 79 điểm trạm trên địa bàn Thủ đô, với 1.000 phương tiện chủ yếu tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng...
Tuy nhiên, qua quan sát thực tế, có thể thấy cần thêm thời gian để dịch vụ cho thuê xe đạp điện, xe đạp công cộng tại Hà Nội đi vào ổn định, hiệu quả. Trước tiên, hầu hết các điểm trạm chưa được lắp đặt mái che. Việc để phương tiện “trơ gan cùng tuế nguyệt” có thể khiến phương tiện bị hư hại bởi mưa nắng thất thường. Trường hợp do tác động của thời tiết khiến xe trục trặc kỹ thuật, chắc chắn hành trình di chuyển của người sử dụng dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng.
Tiếp nữa, để thuê xe, điều kiện cần và đủ là người dân phải có điện thoại thông minh và cài ứng dụng TNGo trên Appstore và CHplay (tùy theo hệ điều hành). Tại các điểm trạm đều có bảng hướng dẫn, mã QR để người dân tải ứng dụng, sử dụng dịch vụ. Sau khi đăng kí thành công, người dân trải nghiệm qua 3 bước: Mở khóa - Đi xe - Trả xe. Thực hiện bằng công nghệ có ưu điểm phù hợp với các bạn trẻ đến tuổi trung niên, nhưng ngược lại, với người lớn tuổi việc “bấm bấm, vuốt vuốt” để đăng ký, sử dụng dịch vụ có thể sẽ là trở ngại.
Ngoài ra, trên bảng hướng dẫn sử dụng, đơn vị quản lý và khai thác đã có dòng thông báo “Phạm vi đỗ xe của dịch vụ công cộng, vui lòng không đậu xe khu vực này”. Nhưng thực tế đến một số điểm trạm, Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội bắt gặp hình ảnh, khi xe đạp điện đã được thuê để lại ô trống, thay vào các ô trống này là xe đạp, xe máy cá nhân của người dân./.