Bộc lộ nhiều bất cập
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006) có nhiều nội dung mới, thu hút nhiều người tham gia. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 10-2021, cả nước có hơn 15,46 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bằng gần 31,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; gần 84 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 86,04% dân số.
Tuy nhiên, việc triển khai Luật Bảo hiểm xã hội cũng bộc lộ không ít bất cập, hạn chế. Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa chỉ rõ, các chính sách hiện hành được thiết kế tập trung ở khu vực kinh tế chính thức (người lao động có hợp đồng lao động), nên chưa thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia. Điều này lý giải vì sao, đến nay, nước ta còn hơn 30 triệu người, bằng gần 69% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Dưới góc nhìn khách quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chính sách hưu trí còn thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. Về phía người lao động, anh Trần Anh Xuân, trú tại tổ dân phố 5, thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho hay: “Tìm hiểu về việc đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, tôi thấy thời gian đóng quá dài, tối thiểu là 20 năm, nên nhiều lao động tự do khó có thể tham gia”.
Đáng quan tâm hơn, quy định về điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng, nên không ít người mong được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Giai đoạn 2016-2020, cả nước có hơn 3,7 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần; trung bình cứ có thêm 2 người mới tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội, lại có một người rời khỏi hệ thống và tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Trong 10 tháng năm 2021, cả nước có hơn 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng gần 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như các chính sách an sinh xã hội”, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đỗ Ngọc Thọ trăn trở.
Tạo hành lang thông thoáng
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi luật theo hướng linh hoạt.
Về đối tượng tham gia, dự thảo luật bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương... Bởi, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 151.000 tổ chức, cá nhân có trả thu nhập, nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động; hơn 213.000 tổ chức, cá nhân chưa tham gia đầy đủ. Đặc biệt, theo dự thảo luật, số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí được đề xuất giảm từ 20 năm theo quy định hiện hành, xuống còn 15 năm, tiến tới có thể là 10 năm, bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng công bằng.
Theo Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) Giang Thanh Long, những nội dung sửa đổi tại dự thảo luật xuất phát từ thực tiễn, nên đó là yêu cầu khách quan.
Đại diện cho người lao động, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là hợp lý, giúp giảm tình trạng người lao động rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, chính sách này cần được thiết kế, điều chỉnh đồng bộ với các chính sách khác liên quan, để tăng tính khả thi…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền lợi cho người dân, người lao động, để mọi người đều được bảo vệ bởi lưới an sinh xã hội. Do đó, các chính sách tiếp tục được nghiên cứu, thiết kế theo hướng linh hoạt, đa tầng, hấp dẫn, tạo hành lang thông thoáng để thêm nhiều người tham gia.