Liên quan hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12/2020, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo
Dù tác nghiệp đúng quy định pháp luật nhưng không ít nhà báo đã và đang gặp phải nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ việc liên quan chống tiêu cực. Họ còn bị uy hiếp tính mạng, bị khủng bố tinh thần, thậm chí người thân cũng bị đe dọa.
Theo các chuyên gia pháp luật, dưới góc độ xã hội, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời có vai trò rất quan trọng trong việc đưa tin, phản ánh các thông tin, sự kiện xã hội chính xác nhất đến công chúng, góp phần ổn định chính trị, phát triển mọi mặt đời sống xã hội.
Theo nghị định mới, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo phóng viên. Ảnh: Công Hùng |
|
Chính vì vai trò quan trọng như vậy, Luật Báo chí đã quy định rõ về quyền của nhà báo, trong đó được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí… theo quy định tại Điều 25 Luật Báo chí. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để phóng viên, nhà báo tác nghiệp, đưa tin, phản ánh kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng đe dọa, uy hiếp nhà báo, phóng viên vẫn xảy ra nên Luật Báo chí cũng đã có các quy định nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: Trước đây, đối với hành vi đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Theo đó, đối với hành vi uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2020) thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Trong đó, điều đáng nổi bật là việc tăng mức phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Tôi cho rằng, việc tăng mức phạt đối với hành vi này là phù hợp, cần thiết, bởi lẽ thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ việc các đối tượng côn đồ, manh động có hành vi đe dọa, thậm chí hành hung, tấn công các nhà báo, phóng viên khi họ tác nghiệp, đưa tin phản ánh các vụ việc trong đời sống xã hội, khiến cho hoạt động nghề nghiệp của phóng viên, nhà báo bị ảnh hưởng, thậm chí tính mạng sức khỏe cũng bị đe dọa. Xu hướng các vụ việc hiện nay ngày càng nghiêm trọng, bởi vậy ngoài việc mỗi nhà báo, phóng viên cần trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm phòng bị, xử lý các tình huống nhất định, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cho hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo, phóng viên theo quy định”- luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
"Bất kỳ một hành vi nào xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều là hành vi vi phạm pháp luật và tùy tính chất mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi tương ứng." - Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội |