Sau trưng bày tại Nhà hát Lớn Hà Nội (từ 9 đến 26/10/2017), triển lãm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” tiếp tục trình làng công chúng tại Phố sách Hà Nội (phố 19/12) từ ngày 27/10 đến ngày 5/11/2017.
Tài liệu, bản vẽ thiết kế về cầu Doumer tại triển lãm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”.
Với giấc mơ về một “Thủ đô hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương”, trong gần một thế kỷ ở Việt Nam, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình, trong đó nổi bật là những công trình văn hóa mang phong cách phương Tây, biệt thự mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp và một số công trình có sự kết hợp với kiểu kiến trúc bản địa. Đó là tòa nhà cao bốn tầng nhìn ra đường Hùng Vương, mang tên Phủ toàn quyền Đông Dương, do kiến trúc sư Lichten Fenđơ thiết kế, xây dựng xong năm 1906, sau này khi Hà Nội giải phóng, tòa nhà mang tên mới là Phủ Chủ tịch. Đó là Cầu Long Biên, bắc qua sông Hồng được xây dựng từ năm 1898 đến 1902, mang tên Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ). Đó là tòa nhà trăm mái được khởi công xây dựng từ năm 1925, do kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế, giờ là trụ sở Bộ Ngoại giao. Đó là Nhà hát Lớn Hà Nội - công trình được coi là “kiệt tác kiến trúc, điêu khắc và âm thanh”, hoàn thành vào năm 1911. Đó là trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nơi từng là chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Hà Nội, được thiết kế theo mô hình chủ đạo của các ngân hàng Pháp thời bấy giờ. Hay trường Đại học Dược Hà Nội (tiền thân là trường Thuốc Đông Dương), khách sạn Sofitel Metropole, Bảo tàng lịch sử quốc gia...
Trải qua hơn 100 năm tồn tại, các công trình do người Pháp xây dựng tại Hà Nội phần lớn vẫn đang được sử dụng và là những điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, có giá trị cả về phương diện văn hóa, lịch sử, kiến trúc… đồng thời góp phần tạo nên một diện mạo riêng của đô thị Hà Nội, vừa cổ kính lại vừa hiện đại…
Triển lãm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” giới thiệu với công chúng 70 phiên bản tài liệu hành chính, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật của 6 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu gồm: Nhà hát Thành phố (nay là Nhà hát Lớn Hà Nội), Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Sở Bưu điện Hà Nội (nay là Bưu điện Hà Nội), trường Đại học Đông Dương (nay là Đại học Dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Nha Tài chính Đông Dương (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao) và cầu Doumer (nay là cầu Long Biên).
Các tài liệu về những công trình do các kiến trúc sư Pháp thiết kế và xây dựng vào những năm cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỷ XX này, hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Xem triển lãm, công chúng được tiếp cận với những tài liệu lưu trữ đặc biệt vô cùng quý hiếm mà Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã, đang kỳ công bảo quản và lưu giữ. Qua đó hiểu hơn di sản văn hóa và kiến trúc của Hà Nội, đặc biệt là kiến trúc thời Pháp thuộc cũng như công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, công tác duy tu, bảo tồn di sản hiện nay.
Triển lãm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” là sự kiện mở đầu cho các hoạt động hợp tác giữa Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và Cục Lưu trữ quốc gia Cộng hòa Pháp nhằm tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, truyền thống giữa 2 quốc gia trong lĩnh vực lưu trữ.
Theo lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, vào tháng 12 tới tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước dự kiến sẽ tổ chức hội thảo về hành trình gìn giữ di sản ký ức chung, Triển lãm tài liệu lưu trữ kỷ niệm 100 năm thành lập Nha Lưu trữ, Thư viện Đông Dương và Triển lãm Tài liệu lưu trữ về quan hệ hợp tác Việt Nam và Pháp nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, dự kiến tổ chức tại Paris (Pháp) vào năm 2018. Các sự kiện hội thảo và triển lãm này là sự tiếp nối những nỗ lực đổi mới ngành lưu trữ trong những năm gần đây, với mong muốn đưa tài liệu lưu trữ đến gần hơn với công chúng, phục vụ một cách thiết thực và hiệu quả, tạo thói quen tiếp cận lịch sử qua tài liệu lưu trữ.