Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Đào Duy Tùng - nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đầu đổi mới

Trung Kiên 16:11 11/05/2024

Nhà báo lão thành Hà Đăng đánh giá, đồng chí Đào Duy Tùng (1924 – 1998, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư) – người con ưu tú của quê hương Đông Anh (TP. Hà Nội), là nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đầu đổi mới của Việt Nam.

Vẫn theo nhà báo Hà Đăng, cùng làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng nhiều năm, nhà báo Hà Đăng cảm nhận ở đồng chí Đào Duy Tùng là “một con người trung thực, khiêm tốn, làm việc hết mình và sống bình dị, nghĩa tình, dễ gần, dễ bộc bạch với nhau những điều suy nghĩ riêng tư. Anh biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến, miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay, trong tinh thần xây dựng”.

bac-tung-5.jpg

Đồng chí Đào Duy Tùng là Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng Sản, suốt 17 năm từ 1965 đến 1982. Cũng thời gian đó, đồng chí Đào Duy Tùng giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. “Cho nên nói đến Đào Duy Tùng, người ta thường nghĩ về một người làm công tác tư tưởng hơn là một nhà báo. Sự thật, anh đi vào công tác báo chí rất sâu. Tác phẩm báo chí của anh chủ yếu là những bài chính luận, có ký tên hoặc không ký tên. Nét nổi bật là những bài báo ấy đều chứa đựng nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, rõ ràng. Anh ghét lối viết khoa trương, hào nhoáng mà không có nội dung thiết thực”, nhà báo Hà Đăng, chia sẻ.

Kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tế; ủng hộ cái mới; ủng hộ lớp cán bộ trẻ năng động, sáng tạo; đó là những chủ trương đậm dấu ấn người lãnh đạo Tạp chí thời kỳ đồng chí Đào Duy Tùng làm Tổng Biên tập. Từ bài xã luận “Đẩy mạnh công tác lý luận của Đảng” (Tạp chí số 9-1966) đến bài “Bàn về ba lợi ích kinh tế” (Tạp chí số 3-1982) mà đồng chí Đào Duy Tùng là tác giả, ông còn tự viết hoặc chỉ đạo viết hàng loạt bài nghiên cứu lý luận và thực tiễn, những bài điều tra, khảo sát thực tế có tầm cỡ đăng trên Tạp chí. Nhà báo Hà Đăng nhấn mạnh “Đào Duy Tùng là một nhà báo thực thụ”.

bac-ha-dang.jpg
Nhà báo lão thành Hà Đăng phát biểu tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng”.

Dẫu sao công tác bao trùm nhất, xuyên suốt nhất cuộc đời đồng chí Đào Duy Tùng vẫn là công tác tư tưởng - lý luận. Ông làm công tác đó trước, trong và cả sau khi làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Dù ở cương vị công tác nào – Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương hoặc sau này là Thương trực Bộ Chính trị và Ban Bí thư (khóa VII), đồng chí Đào Duy Tùng đều tỏ rõ là một chiến sĩ xông xáo, một người chỉ huy tài năng của mặt trận tư tưởng – lý luận.

Điều đáng nói là lý luận của anh không phải sao chép từ các tác phẩm kinh điển, mặc dù anh là một trong những người đọc nhiều các tác phẩm đó. Anh kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng phê phán thái độ giáo điều trong nghiên cứu. Đối với anh, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin đồng nghĩa với sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa đó. Làm công tác lý luận, phải từ thực tiễn cuộc sống, rà soát lại các quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định lại những gì là đúng đắn, khoa học, trước đúng và nay vẫn đúng; những gì trước đúng giờ phải bổ sung; những gì trước đúng nay thực tiễn đã vượt qua và những gì thực tiễn đã và đang diễn ra nhưng Mác - Lênin chưa đề cập, nay Đảng phải phát triển một cách sáng tạo để chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Từ tổng kết thực tiễn, đồng chí Đào Duy Tùng đã viết nhiều cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc như “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng”, “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”, “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”... Đồng chí Đào Duy Tùng, do đó, thường bị đặt trong “tầm ngắm” của những người không ưa thích chủ nghĩa xã hội.

Sau Đại hội VI, trong cương vị Ủy viên dự khuyết rồi Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương, lại được giao nhiệm vụ Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược kinh tế xã hội trình Đại hội VII, đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần tích cực của mình vào việc xây dựng những văn kiện trọng yếu đó của Đảng, và một lần nữa tỏ rõ là con người của đổi mới.

b-tung-3.jpg

Báo cáo chính trị tại Đại hội VII của Đảng đã nêu lên những bài học chủ yếu, trong đó bài học đầu tiên là: “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Nội dung của bài học là: “Xác định rõ đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là quan niệm đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp. Kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng với sự linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới”. Bài học đó còn nêu rõ: “Đổi mới phải được thực hiện trên cơ sở bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và những thành tựu cách mạng đã đạt được. Phê phán nghiêm túc sai lầm, khuyết điểm phải đi đôi với khẳng định những việc làm đúng, không phủ nhận sạch trơn quá khứ, không hoang mang, mất phương hướng, từ thái cực này chuyển sang thái cực khác”. Tôi ghi lại bài học này, không có ý đề cao những đóng góp của anh vào việc đúc kết những bài học mà là để qua đó mỗi chúng ta có thể phân biệt được thế nào là đổi mới, thế nào là bảo thủ...

Để minh chứng, tôi xin dẫn lại lời anh: “Trong quá trình hình thành các quan niệm mới, phải phát hiện được các vấn đề quan trọng có những nhận thức không thống nhất, thẳng thắn vạch ra các quan điểm khác nhau, nêu một cách khách quan lập luận của mỗi quan điểm để thảo luận. Trong sinh hoạt của một cấp ủy, một tập thể cán bộ lý luận,… phải phát huy tự do tư tưởng, thảo luận dân chủ, nói thẳng, nói thật, không định kiến. Phải lắng nghe những ý kiến khác mình.

Ngay những ý kiến cho là sai cũng gợi ý cho mình nhiều suy nghĩ, hoặc ngay những ý kiến mình cho là không đúng cũng cần bình tĩnh xem có nhân tố gì hợp lý. Đó là sinh hoạt bình thường trong Đảng. Nhưng mặt khác, phải thấy rõ chúng ta đứng trước tình hình là các thế lực thù địch, cơ hội chủ nghĩa trong nước và ngoài nước đang tiến công về tư tưởng, lý luận, nhằm làm cho ta đi chệch khỏi con đường đã lựa chọn. Cho nên trong quá trình bảo đảm sinh hoạt tư tưởng, lý luận theo nguyên tắc của Đảng, không thể buông lỏng cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch, cơ hội”.

Đây là đoạn viết cuối cùng trong tác phẩm lý luận cuối cùng của đồng chí Đào Duy Tùng “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. Phải chăng đây cũng là lời nhắn gửi cuối cùng của đồng chí với những người làm công tác tư tưởng – lý luận của Đảng chúng ta hiện nay?”, nhà báo lão thành Hà Đăng, nhấn mạnh./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội, thanh lịch, văn minh
    Chiều 24/3, Hội nghị tọa đàm "Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đã diễn ra với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hoá và đông đảo các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Chương trình do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội, Hội Nhà báo TP Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp tổ chức nhằm chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt
  • Đại sứ quán Trung Quốc gửi thư cảm ơn Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội
    Thông tin Công an Thành phố Hà Nội cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vừa có thư cảm ơn Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an TP. Hà Nội) về “sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đổi giấy phép lái xe nước ngoài đối với cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Trung Quốc”.
  • Hà Nội và khát vọng xây dựng, phát triển Thành phố toàn cầu
    Với truyền thống lịch sử hơn 1.000 năm, trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, Thủ đô Hà Nội luôn phát huy vai trò là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất của đất nước.
  • Lễ hội truyền thống Hà Nội: Nỗ lực gìn giữ bản sắc, tạo nếp văn minh
    Lễ hội truyền thống Hà Nội là nguồn lực quan trọng trong việc phát triển văn hóa và du lịch của Thủ đô. Trong bối cảnh hội nhập, việc bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội song song với đảm bảo văn minh, an toàn là nhiệm vụ cần thiết. Nhiều năm qua, việc quản lý và tổ chức lễ hội được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các quận, huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng.
  • Thanh niên Thủ đô phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu qua các phong trào cách mạng
    Tiếp bước thế hệ thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và thanh niên “Ba sẵn sàng” năm xưa, tuổi trẻ Thủ đô mang khát vọng thanh xuân của mình hòa cùng với khát vọng chung của Thủ đô và đất nước; đem sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ, sức trẻ Thủ đô vào công cuộc đổi mới và kỷ nguyên vươn mình...
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ người chiến sỹ cộng sản kiên trung của Đảng bộ Hà Nội
    "Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ - Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, người chiến sĩ cộng sản ưu tú kiên trung của Hà Nội như ngọn lửa từ đất cháy lên, từ áp bức nô lệ sinh ra, ngọn lửa từ sự hun đúc lòng yêu nước, ngọn lửa khát vọng giải phóng dân tộc, nguyện hiến dâng cả tính mạng để giải phóng quê hương đất nước..."
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đào Duy Tùng - nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đầu đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO