Mỹ thuật

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại

Thụy Phương thực hiện 08:33 18/10/2024

Cuộc đời danh họa Nguyễn Tư Nghiêm gắn liền với 3 giai đoạn lịch sử nghệ thuật hiện đại Việt Nam: Từ mỹ thuật Đông Dương rồi mỹ thuật kháng chiến đến thời kỳ đổi mới. Đồng hành với nghệ thuật gần một thế kỷ, Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo nên một đỉnh cao mới của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Đặng Thị Khuê - nguyên Ủy viên Ban thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam thời kỳ đổi mới để hiểu hơn về những cống hiến trong nghệ thuật của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

hoa-si-nguyen-tu-nghiem.jpg

PV: Là người mở đầu cho hội họa mô-đéc ở Việt Nam nhưng họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm lại là người đầu tiên trở về giá trị truyền thống. Vậy ông có phải là một cá biệt trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam không, thưa bà?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Đúng vậy! Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là trường hợp cá biệt của hội họa hiện đại Việt Nam. Có thể gọi ông là dị biệt cũng được, bởi tính phi hệ thống trong nghệ thuật. Từ khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 15 (1941 - 1946), Nguyễn Tư Nghiêm đã thuần thục các thủ pháp tạo hình châu Âu. Song ông lại là người đầu tiên đặt vấn đề nghi vấn về sự biểu hiện của chủ nghĩa cổ điển, để tìm đến “cái đẹp phương Đông” - (tức tìm đến cái nhìn triết học về một thế giới tượng trưng, siêu hình).

tac-pham-_co-gai_-tranh-son-mai-cua-hoa-si-nguyen-tu-nghiem..jpg
Tác phẩm “Cô gái” - tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Cùng bước ra khỏi lối mòn của quy phạm hàn lâm trường quy, trong khi các bạn ông (Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái) hướng cái nhìn ra thế giới và nghệ thuật dân gian thì Nguyễn Tư Nghiêm “rẽ ngoặt” về truyền thống. Ông tuyệt giao hẳn với thời kỳ lãng mạn để trở về với những định ước thẩm mỹ xưa. Những mỹ cảm thuần khiết, trong sáng, lạc quan của tư duy hình tượng (thành tựu đúc kết của mô hình thẩm mỹ quá khứ) đã được ông kết nối trong đời sống đương đại.

Tuy nhiên, ở bình diện thế giới ông không là ngoại lệ. Bởi khi nghệ thuật châu Âu giữa thế kỷ XIX đang cố thoát khỏi chính mình để tìm tới chân trời mới, thì tranh khắc gỗ Nhật Bản, tượng châu Phi cũng từng là duyên cớ để những danh họa như Vangogh, Gauguin, Matisse, Picasso tìm đến và tạo bước ngoặt thẩm mỹ, mang tên nghệ thuật hiện đại.

PV: Theo bà, hành trình đi từ hiện thực lãng mạn đến tượng trưng, siêu hình trong sáng tác của Nguyễn Tư Nghiêm đã diễn ra thế nào? Và đâu là sự gắn bó giữa cách tân và hiện thực trong tác phẩm của ông?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm là sự chuyển tiếp của hai thời kỳ sáng tạo: Giai đoạn hiện thực xảy ra ở thời kỳ đầu với những tác phẩm sơn mài tiêu biểu như: “Con Nghé quả thực” (1957), “Đêm giao thừa bên bờ hồ Gươm” (1957), “Nông dân đấu tranh chống thuế 1930” (1960). Những tác phẩm của ông giai đoạn này mang tính thời sự với những chủ đề và đề tài thiết thực trong đời sống, bộc lộ một năng lực bao quát và xử lý kỹ thuật điêu luyện.

tac-pham-_12-con-giap_-tranh-bot-mau-tren-giay-cua-hoa-si-nguyen-tu-nghiem.jpg
Tác phẩm “12 con giáp” tranh bột màu trên giấy của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. (Bộ sưu tập Thu Giang)

Sau đó là sự chuyển tiếp, biến ảo của nhịp điệu, màu sắc, khi ông chuyển sang loạt tranh “Điệu múa cổ”, “Thánh Gióng”, “12 con giáp”, “Kiều”, thực nghiệm hàng loạt tác phẩm trên nhiều chất liệu cổ truyền: sơn mài, bột màu trên giấy dó. Khước từ chất liệu sơn dầu (một thành tựu của khoa học), ông sử dụng bột màu và nâng tầm mức chưa từng có cho vật liệu sở trường ấy tạo nên một đời sống hội họa riêng biệt. Sự giác ngộ ban đầu này có công dẫn dắt của người thầy Tô Ngọc Vân, khi đưa ông đến thăm chùa Mía thời còn đi học. Một phổ riêng những mô típ cổ được ông ghi chép đến nhập tâm qua các chạm khắc đình chùa, rồi tổ chức lại trong một trật tự khác đã làm nên sự cách tân ngôn ngữ cho hội họa hiện đại Việt Nam sau 3/4 thế kỷ.

tac-pham-_tre-em-vui-choi_-tranh-bot-mau-cua-hoa-si-nguyen-tu-nghiem.jpg
Tác phẩm “Trẻ em vui chơi” - tranh bột màu của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Với việc mở hướng đi mới cho nghệ thuật, Nguyễn Tư Nghiêm và các tài năng thế hệ ông đã góp phần mở rộng quan niệm về hiện thực: không đóng khung trong cái nhìn thị giác và bút pháp “miêu tả“ mà bao hàm cả sự thật tâm lý, sự thật tâm tưởng trong quan niệm.

PV: Vậy sau bao lâu, những “phát kiến” nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm mới được công nhận, thưa họa sĩ?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Cũng phải qua hàng thập kỷ sau đó, nhờ vào những nỗ lực không của riêng ông, và cả sự dội lại từ tác động của những biến động nghệ thuật hiện đại thế giới cùng sự thức tỉnh, giác ngộ trước giá trị di sản của chính các nghệ sĩ Việt Nam. Cống hiến và phẩm cách nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm được đồng nghiệp và giới chuyên môn đánh giá cao. Đúng như nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân nhận định: “Nguyễn Tư Nghiêm là một riêng biệt hồn nhiên, tự tại. Nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm chứa đựng một ngữ pháp tổng hòa về nhịp điệu, đường nét của nghệ thuật truyền thống. Những phương tiện hội họa được ông lựa chọn để nói lên cái nhìn riêng của mình vào thế giới. Những ý tưởng nghệ thuật im lặng giấu mình của Nguyễn Tư Nghiêm nói lên được nỗi lo âu trắc ẩn của thân phận con người và dân tộc”. Còn nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân thì đánh giá: “Nguyễn Tư Nghiêm là một ý thức lịch sử bằng hội họa. Ở Nguyễn Tư Nghiêm có một đời sống hội họa, ông là tài nghệ của bậc cao thủ. Tranh Nguyễn Tư Nghiêm phảng phất hoài cổ nhưng không nệ cổ vì đã tổ chức lại tất cả... - đó chính là sự cách tân, là cuộc cách mạng nhỏ mà ông đã làm cho hội họa Việt Nam đương đại”.

PV: Với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm chắc hẳn bà cũng có những kỷ niệm đáng nhớ về ông?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Nguyễn Tư Nghiêm sống kín đáo nhưng ông luôn đồng cảm thiết tha với cuộc đời và bạn bè, chia sẻ những khó khăn trong đời sống và sáng tạo. Nghiêm cẩn, nề nếp trong sinh hoạt cá nhân nên ông đủ sức sáng tạo liên tục trong cả cuộc đời mình, sống và vẽ đến 94 tuổi.

tac-pham-thanh-giong-tranh-son-mai-cua-hoa-si-nguyen-tu-nghiem.jpg
Tác phẩm “Thánh Gióng” - tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Tôi nhớ mãi hai thái độ trước và sau khi ông được Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) cử đi thăm quan Tiệp Khắc (năm 1984) cùng nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân. Nếu ngày đi ông chần chừ, dè dặt bao nhiêu thì ngày về ông vui vẻ, sảng khoái bấy nhiêu. Ông còn nói với tôi: “Lần sau nếu được Hội cử, tôi lại đi nữa”. Lần ấy, ông đến để trả vali mượn của tôi và không quên tặng tôi một viên tẩy cùng chiếc bút chì Tiệp.
Là tấm gương lớn của ý chí dấn thân sáng tạo và nhân cách, Nguyễn Tư Nghiêm đã để lại bài học về sự “giác ngộ” giá trị thẩm mỹ quá khứ, tinh thần làm chủ và độc lập trong sáng tạo, sự kiên định theo đuổi lý tưởng thẩm mỹ và lao động sáng tạo trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cùng với những bậc tài danh hội họa như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã góp phần đưa Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX lên đỉnh cao mới. Hy vọng rằng một ngày nào đó không xa, Việt Nam sẽ có một Bảo tàng nghệ thuật đương đại, và trong đó dành một phần không gian trưng bày riêng những tác phẩm sáng tạo của Nguyễn Tư Nghiêm, quảng bá sâu rộng thành tựu nghệ thuật của ông ra thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn họa sĩ!

hinh-anh-hoa-si-nguyen-tu-nghiem-cung-vo-ba-thu-giang.jpg
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1919 tại Nam Đàn, Nghệ An. Ông học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1946). Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông giảng dạy tại Trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc. Ông từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam (từ 1954 - 1983) và từng giảng dạy tại Trường Mỹ nghệ Hà Nội (1959 -1960). Năm 1996, ông vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tác phẩm “Thánh Gióng” của ông được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Cơ hội thưởng lãm tác phẩm của hai nghệ sĩ tài năng Katsumi Mukai và Nguyễn Quân
    Từ 15/11 đến 1/12/2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) diễn ra triển lãm “Chuyển động trong tĩnh lặng” của nghệ sĩ Katsumi Mukai và triển lãm “Nguyện” của nghệ sĩ Nguyễn Quân. Triển lãm do Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Sóng Mây tổ chức với sự giám tuyển của họa sĩ Vũ Hồng Nguyên là sự tôn vinh đầy ý nghĩa đối với hai nghệ sĩ tài năng đã cống hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật tạo hình.
  • Cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
    Sáng ngày 12/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) của vua Hàm Nghi. TS Lịch sử nghệ thuật Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi, đại diện gia đình vua Hàm Nghi đã trao tặng tác phẩm này cho Bảo tàng với mong muốn công chúng Việt Nam và du khách quốc tế có cơ hội được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của vị Hoàng đế bị lưu đày ngay tại chính quê hương của ông.
  • Triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện linh”: Dấu ấn sáng tạo mới của Ngô Xuân Bính
    Sáng ngày 10/11/2024, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện linh” của Giáo sư, Viện sĩ, hoạ sĩ Ngô Xuân Bính. Triển lãm nằm trong chuỗi kế hoạch hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo. Đây cũng là sự kiện điểm nhấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
  • Tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn được bán với giá hơn 10 tỷ đồng
    Bức vẽ đạt giá cao nhất tại phiên Họa sĩ châu Á - Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Tác phẩm được họa sĩ sáng tác năm 1936, có chữ ký và ghi ngày tháng phía trên bên phải, mô tả một phụ nữ mang dáng vẻ dịu dàng, tay trái đặt nhẹ lên cằm, ánh nhìn xa xăm.
  • Có một Hà Nội bình dị, sâu lắng trong tranh của Phạm Bình Chương
    Từ ngày 1/11 đến ngày 7/11/2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra triển lãm “Xuống phố 4” của họa sĩ Phạm Bình Chương. Triển lãm đánh dấu hành trình 25 năm họa sĩ Phạm Bình Chương “dấn thân” vào con đường vẽ hiện thực và tròn 20 năm trưng bày loạt tranh “Xuống phố” chỉ vẽ về Hà Nội.
  • Triển lãm "Nam Tước - Hồn Của Đất": Giao thoa giữa truyền thống và hiện đại
    Triển lãm gốm "Nam Tước - Hồn Của Đất" là một không gian nghệ thuật, là nơi giao lưu, trao đổi giữa nghệ sĩ và công chúng yêu gốm. Qua đó, tôn vinh giá trị truyền thống và khơi dậy niềm tự hào về đất nước, con người Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Bản quyền sáng tạo văn hóa nghệ thuật trong phát triển công nghiệp văn hóa?
    Nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà sáng tạo bỏ nhiều công sức tạo ra tác phẩm, sản phẩm, nhưng ngay chỉ hôm trước hôm sau, tác phẩm đã bị “đạo”, “nhái”, hoặc khai thác trên các nền tảng khác mà không được phép... Nghệ sĩ, nhệ nhân, nhà sáng tạo liệu có thể tự bảo vệ mình trước tình trạng này?
  • Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Khơi dậy tình yêu lịch sử qua trải nghiệm tour di sản sáng tạo
    Qua 4 mùa tổ chức, lần đầu tiên Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 (từ 9 - 17/11) thí điểm thêm những lựa chọn hình thức trải nghiệm theo tour di sản sáng tạo, giúp nhân dân khám phá và tiếp cận những công trình di sản theo cách vừa mới lạ vừa gần gũi hơn, từ đó khuyến khích nhân dân biến những vốn di sản tinh hoa của thành phố này thành vốn tri thức và sáng tạo của chính mình và cộng đồng.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Những hoạt động, dịch vụ hấp dẫn tại Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe - Wellness Tourism Weekend
    Trong khuôn khổ “Mùa Đông xứ Huế” của Festival Huế sẽ diễn ra “Tuần du lịch Chăm sóc sức khỏe - Wellness Tourism Weekend” từ ngày 22 - 24/11/2024 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Huế (số 23 - 25 Lê Lợi, TP Huế).
  • Đại học Huế trên đường phát triển thành Đại học Quốc gia
    Sau khi tổ chức lại vào năm 1994, Đại học Huế trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Hiện nay đang triển khai thực hiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO