Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn

31/01/2019 18:48

Chia tay năm Mậu Tuất 2018, năm Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn". Báo trân trọng giới thiệu bài viết đến bạn đọc Thủ đô.

Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Chia tay năm 2018, nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta hết sức vui mừng trước những kết quả mà đất nước ta đã đạt được, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững hòa bình, ổn định đất nước; mở rộng quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế.

Bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% - mức cao nhất trong một thập kỷ qua; xuất khẩu đạt 238 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục, 7,2 tỉ USD; tỉ lệ nợ công/GDP giảm mạnh; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp đạt mức dưới 4%; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỉ USD. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỉ đồng (khoảng hơn 240 tỉ USD), gấp hơn 1,3 lần năm 2015.

GDP bình quân đầu người đạt 2.580 USD, tăng thêm gần 200 USD so với năm 2017. Phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy với hơn 132.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Ngành Du lịch đón gần 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 620.000 tỉ đồng, từng bước phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước,... Nói một cách tổng quát, năm 2018 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu (trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên. Việc thực hiện thành công mục tiêu kép về tăng trưởng, kiềm chế lạm phát... đã tạo dư địa thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Kết quả tích cực đó đã tạo hiệu ứng lan tỏa, củng cố niềm tin của nhân dân, của các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Ngày 12-11-2018, Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết về phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Chúng ta tổ chức thành công Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) 2018, với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao các nước đối tác cùng 1.000 đại diện của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, tại Hà Nội vào tháng 9, với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4". Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab đánh giá đây là diễn đàn thành công nhất trong 27 năm tổ chức diễn đàn WEF về khu vực ASEAN và Đông Á.

Vào tháng 1-2018, tại Hà Nội, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) diễn ra với sự tham gia của 22 đoàn nghị viện và hơn 300 khách mời, là điểm nhấn trong công tác đối ngoại của Quốc hội khoá XIV. APPF-26 truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh của một nước Việt Nam đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm tới bạn bè quốc tế. Tại Khóa họp lần thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử, trở thành thành viên của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025. Với trọng trách mới, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng cường tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Cuối tháng 3-2018, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10), với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu và 200 tập đoàn, doanh nghiệp. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của đầu tư nước ngoài, với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 30 tỉ USD, trong đó vốn giải ngân đạt 19,1 tỉ USD. Việt Nam "trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất Châu Á", "giữ vị trí hàng đầu năm thứ hai liên tiếp trong số những điểm đến dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong khu vực APEC". Tính đến tháng 11-2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án đầu tư đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỉ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỉ USD. Chúng ta đón khách du lịch quốc tế tăng gấp 3 lần so với năm 2010, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới liên quan tới các vấn đề quan trọng, cấp bách đang đặt ra trong thực tiễn. Các Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương khoá XII về "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước"; "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"... nằm trong chương trình tổng thể đó.

Về tổ chức bộ máy, Đảng ban hành các nghị quyết, quy định về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập... tiếp tục tạo nền móng căn bản và động lực mạnh mẽ để phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các quyết nghị của Trung ương về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,... đã tạo sinh khí và sức mạnh mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị mang tầm chiến lược tổng thể.

Đặc biệt, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực đã được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm tích cực từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt. Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước; tướng lĩnh, sĩ quan trong công an, quân đội; cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu. Chỉ tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có 1 Ủy viên Bộ Chính trị đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và lĩnh án 30 năm tù; 11 đồng chí nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng đã nghỉ hưu cũng bị xử lý kỷ luật. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế, nhưng nhìn tổng thể, có thể thấy, thế và lực của nước ta đã được tăng cường, đất nước đang khởi sắc, vận nước đang lên. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia kinh tế - văn hoá phát triển, chính trị - xã hội ổn định, có nhiều triển vọng phát triển tốt; là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới, các thị trường lớn như tiền tệ, chứng khoán và bất động sản đều hoạt động ổn định, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Có phải đây là một kỳ tích trong bối cảnh nước ta đứng trước những bề bộn khó khăn và tình hình thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ, phức tạp? Điều quan trọng hơn là qua đây đã cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Một câu hỏi đặt ra là nguyên nhân sâu xa nào đã cho chúng ta những kết quả, thành công đó? Có nhiều nguyên nhân. Nhưng có lẽ bao trùm lên tất cả, đó là nhờ chúng ta được thừa hưởng những thành tựu to lớn quan trọng, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 30 năm đổi mới; những kết quả toàn diện đạt được trong 2 năm 2016 và 2017. Chúng ta có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. 

Cả hệ thống chính trị, bao gồm các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, các cấp, các đoàn thể đã có nhiều đổi mới, phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội. Và đó còn là nhờ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài, các cơ quan thông tin, báo chí... tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Như chúng ta đã thấy, không phải ngẫu nhiên mà từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng tiếp tục lan tỏa rộng khắp trên cả nước.
*
* *
Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 89 năm, từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, làm nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam; đồng thời, chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Thực tế gần một thế kỷ qua cho thấy, ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang, giành được hết thắng lợi này đến thành công khác. 

Và cũng chính trong quá trình đó, Đảng ta đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy. Đó là truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là truyền thống giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để đề ra đường lối đúng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng. Đó là truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí. Đó là truyền thống đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả. 

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là một sự nghiệp cách mạng vô cùng to lớn, vĩ đại, "một cuộc chiến đấu khổng lồ", "cuộc tự giải phẫu khắc nghiệt" như Bác Hồ đã dạy, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Chúng ta đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, hơn bao giờ hết, càng phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Sự phấn đấu kiên cường, sáng tạo của toàn dân, của các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế là nhân tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển đất nước ta. Tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, không quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế.

Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Đảng ta đã dành không ít thời gian và công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Gần đây, toàn Đảng đã tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đạt được những kết quả và kinh nghiệm bước đầu quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một bước những tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân... Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm. 

Để chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân, xây dựng Đảng xứng đáng là "đứa con nòi" của dân tộc, "là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", dẫn dắt công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên, Đảng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm tròn trách nhiệm là đội tiên phong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Phương hướng chung của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm cho Đảng đủ sức lãnh đạo sự nghiệp của đất nước không ngừng phát triển.

Trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập; cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với hàng và tiền, gắn liền với lợi ích cá nhân, đối mặt với bao cám dỗ, với mặt trái của cơ chế thị trường, chúng ta càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Nếu không nhận thức sâu sắc điều này, nếu cán bộ, đảng viên không tích cực và kiên trì rèn luyện thì rất dễ bị thoái hoá, biến chất. Vấn đề giữ vững bản chất của Đảng - là một Đảng Cộng sản, đảng cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng đã khẳng định, phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ, nhằm tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt hơn nữa trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ; tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta. Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên. 

Năm nay chúng ta kỷ niệm Ngày thành lập Đảng vào thời điểm đất nước ta đã trải qua hơn 30 năm đổi mới, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân. Nhìn tổng thể, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu của năm 2018, của 3 năm từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay càng củng cố thêm niềm tin của chúng ta đối với tiền đồ tươi sáng của dân tộc, của đất nước ở phía trước.

Năm 2019 là năm thứ tư - năm chuẩn bị kết thúc của nhiệm kỳ 5 năm, có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tình hình quốc tế và trong nước tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu rất cao, quyết tâm rất lớn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2019 mà trọng tâm là: Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Với niềm phấn khởi, tự hào, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn!
 NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO