Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Lan tỏa thông điệp hòa bình từ trái tim văn hóa Phật giáo
Từ ngày 6 - 8/5/2025, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc – Vesak 2025 tại TP.Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là sự kiện tâm linh quan trọng của Phật giáo toàn cầu, mà còn là minh chứng sống động cho hình ảnh Việt Nam - một quốc gia yêu chuộng hòa bình, gìn giữ bản sắc văn hóa và tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Đại lễ Vesak 2025 – Hội tụ giá trị tinh thần và văn hóa quốc tế

Đại lễ Vesak là ngày kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn. Năm 2025, việc GHPGVN tiếp tục đăng cai Vesak – sau ba lần tổ chức thành công trước đó tại Việt Nam – đã khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới.
Tổ chức Vesak tại TP.HCM, một đô thị sôi động, hiện đại và đang chuyển mình mạnh mẽ sau 50 năm thống nhất đất nước, là dịp để bạn bè quốc tế cảm nhận rõ nét một Việt Nam hội nhập nhưng vẫn giữ gìn cốt lõi văn hóa dân tộc, hòa ái và thân thiện.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thượng tọa Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Thông tin truyền thông Đại lễ nhấn mạnh:
“Vesak 2025 thể hiện rõ chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đây còn là cơ hội để quốc tế hiểu thêm về đời sống tôn giáo phong phú, hòa hợp và tự do tại Việt Nam.”
Điểm nhấn thiêng liêng: Xá lợi Phật và trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức
Một trong những điểm đặc biệt nhất của Vesak 2025 là việc cung nghinh và tôn trí xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – bảo vật quốc gia của Ấn Độ tại Việt Nam. Hành trình chiêm bái xá lợi kéo dài từ ngày 2/5 đến 21/5 tại nhiều địa điểm tâm linh trọng điểm: Chùa Thanh Tâm (TP.HCM), Núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Tam Chúc (Hà Nam)... trước khi xá lợi được cung tiễn trang trọng trở về Ấn Độ.
Không dừng lại ở đó, lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức – người đã tự thiêu năm 1963 để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo – hiện được lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc tôn trí xá lợi trái tim tại Việt Nam Quốc Tự từ ngày 3 đến 11/5 là một biểu tượng thiêng liêng về sự hy sinh vì tự do tín ngưỡng, lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của dân tộc.
Đa dạng hoạt động văn hóa, tâm linh lan tỏa tinh thần hòa bình

Đại lễ Vesak 2025 không chỉ là nghi lễ tôn giáo mà còn là một đại sự kiện văn hóa, nghệ thuật và giao lưu quốc tế. Từ ngày 28/4, nhiều hoạt động bên lề sẽ diễn ra, gồm: Đàn lễ tưởng niệm tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng ba miền Bắc, Trung, Nam; Lễ tắm Phật truyền thống; Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; Triển lãm mỹ thuật Phật giáo…
Theo Thượng tọa Thích Gia Quang, điểm đặc biệt trong kỳ Đại lễ lần này, so với ba lần tổ chức trước tại Việt Nam, là việc GHPGVN – được sự thống nhất từ Chính phủ hai nước Việt Nam và Ấn Độ – sẽ long trọng cung thỉnh xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật quốc gia của Ấn Độ, về tôn trí tại Đại lễ.
Hành trình cung nghinh, tôn trí và đỉnh lễ chiêm bái xá lợi sẽ chính thức khởi đầu tại Chùa Thanh Tâm – Học viện Phật giáo Việt Nam, tọa lạc trong Công viên Láng Le, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM, từ 8h00 ngày 2/5 đến hết ngày 8/5.
Tiếp sau đó, từ ngày 9/5 đến 13/5, xá lợi sẽ được cung thỉnh về Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh – vùng đất hội tụ nhiều ngôi chùa cổ kính linh thiêng, đồng thời là điểm đến tâm linh tiêu biểu, trang nghiêm dành cho các đại biểu quốc tế.
Từ ngày 14/5 đến 16/5, xá lợi sẽ được cung rước qua một số tuyến phố của TP. Hà Nội, sau đó được tôn trí tại chùa Quán Sứ, Hà Nội – trụ sở Trung ương của GHPGVN.
Từ ngày 17/5 đến 21/5, xá lợi sẽ an vị tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam – nơi từng đăng cai Đại lễ Vesak 2019. Kết thúc Đại lễ, xá lợi sẽ được long trọng cung tiễn trở về Ấn Độ.
Những sự kiện này góp phần truyền tải mạnh mẽ thông điệp: “Phật giáo là tôn giáo của hòa bình, Việt Nam là điểm đến của hòa bình.”
Việt Nam – Nơi hội tụ niềm tin, hòa hợp và phát triển
Việc chọn Việt Nam – nơi có nền văn hóa lâu đời, đa dạng tín ngưỡng – làm nơi tổ chức Vesak một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín và sự tin cậy mà cộng đồng quốc tế dành cho đất nước hình chữ S. Không chỉ thể hiện lòng tôn kính đối với đạo Phật, Đại lễ Vesak 2025 còn là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và tôn giáo trên thế giới. Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 là sự kiện không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc mà còn là dịp để Việt Nam khẳng định thông điệp mạnh mẽ về hòa bình, văn hóa và hội nhập. Với tinh thần từ bi, trí tuệ và đoàn kết, Vesak 2025 hứa hẹn sẽ lan tỏa ánh sáng Phật pháp và những giá trị nhân văn cao đẹp đến khắp năm châu.
Lễ khai mạc và bế mạc Đại lễ sẽ diễn ra tại Hội trường Học viện Phật giáo Việt Nam, Cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM; được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên một số cơ quan thông tấn, báo đài.