Sự kiện & Bình luận

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Xây dựng giai cấp công nhân ngày càng hiện đại, lớn mạnh

NHN 08:43 03/12/2023

Tạp chí Người Hà Nội xin giới thiệu toàn văn Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với tựa đề: "Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và anh hùng, tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước".

pb3.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Cùng toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, giữa lòng Thủ đô Hà Nội - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, hào hoa và thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Công đoàn Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) - một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý và 1.100 đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của giai cấp công nhân, người lao động cả nước và tổ chức công đoàn các cấp về dự Đại hội. Qua các đồng chí, cho tôi gửi tới toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động cả nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Như chúng ta đều biết, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Thưa các đồng chí,

Nhiệm kỳ 2018 - 2023 vừa qua, hoạt động của tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động diễn ra trong bối cảnh có nhiều điểm đặc biệt. Những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Công đoàn Việt Nam có nhiều thuận lợi; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang xẩy ra ở nhiều nơi; sự suy giảm kinh tế, thương mại và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn. Vào cuối nhiệm kỳ, tình trạng thiếu việc làm của người lao động diễn ra trên diện rộng, số người lao động phải rời các doanh nghiệp về quê hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho người lao động. Đặc biệt, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Quán triệt các Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn cả nước đã vượt mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra. Ngay sau Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt, xây dựng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; tập trung thực hiện 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm; tạo chuyển biến mới trong hoạt động công đoàn. Các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung vào hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động. Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế vững chắc trong lòng đoàn viên, người lao động, nhất là trong thời điểm người lao động cả nước phải chống chọi với đại dịch COVID-19. Mô hình tổ chức bộ máy của Công đoàn ngày càng được hoàn thiện; chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn từng bước được nâng cao. Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, lao động đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh; khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam.

Những thành tích đó không chỉ là kết quả sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân, lao động, của tổ chức công đoàn, mà còn là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dịp này, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và thành tích, tiến bộ của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cả nước trong nhiệm kỳ qua.

Thưa các đồng chí,

Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn thừa nhận, hoạt động của công đoàn và phong trào công nhân vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cần sớm có giải pháp khắc phục, trong đó có cả những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ nay. Cụ thể là: (1) Về mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn có mặt chậm được đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động. Một bộ phận cán bộ công đoàn còn thiếu sâu sát; năng lực hạn chế, chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, gần gũi với người lao động, thiếu kỹ năng hoạt động công đoàn. Do đó, không nắm được tâm tư, nguyện vọng và không phát huy đầy đủ vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. (2) Về chất lượng đội ngũ công nhân, người lao động nước ta cũng có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập; còn không ít những đoàn viên, người lao động có trình độ nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở chưa tương xứng với sự phát triển của doanh nghiệp, người lao động, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (theo thống kê thì hiện nay tỉ lệ các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn còn rất thấp); nhiều nơi chất lượng đoàn viên chưa cao, nhất là về nhận thức chính trị; cá biệt còn một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, làm những việc sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Những tồn tại, hạn chế trên đây có trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Tôi đề nghị Đại hội cần quan tâm thảo luận, phân tích kỹ các nguyên nhân tồn tại, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm, để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục cho bằng được trong nhiệm kỳ này.

Thưa các đồng chí,

Chúng ta đều biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phát triển đất nước: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam): Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, hơn lúc nào hết, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn nước ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, chung tay xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tôi rất hoan nghênh, đánh giá cao và cơ bản đồng tình với Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XII trình Đại hội, đặc biệt là nội dung, giải pháp và các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Tôi chỉ xin nhấn mạnh và gợi mở thêm một số vấn đề, mong được các đồng chí quan tâm, xem xét, quyết định:

Một là, trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ, rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Trong quá trình tổ chức hoạt động, Công đoàn phải phát huy quyền làm chủ của người lao động, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Quan tâm nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm sao để tổ chức Công đoàn các cấp thực sự là hạt nhân tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động trong cả nước.

Hai là, tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại.

Công đoàn phải giúp cho mỗi đoàn viên, người lao động nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về chế độ, về giai cấp, về tổ chức công đoàn, trách nhiệm công dân, không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, tích cực tham gia các phong trào thi đua,... để đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước; từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của mình và gia đình. Các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục cần đa dạng, quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với các phương thức, hình thức truyền thống, nhất là đi sâu, đi sát, cùng làm việc, sinh hoạt, chia sẻ, vận động đoàn viên, người lao động. Đổi mới hình thức tuyên truyền, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, viên chức, người lao động; nhất là việc kiên trì, sáng tạo trong tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cụ thể hoá các tiêu chí cho phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; xây dựng các mô hình phù hợp, kịp thời phát hiện và biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác.

Ba là, các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động. Vai trò đại diện của tổ chức công đoàn thể hiện trước hết ở sự tích cực tham gia xây dựng chính sách, luật pháp; tham gia xây dựng các quy chế, quy định, nội quy lao động ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, để chuyển tải mong muốn, nguyện vọng, phát huy cao nhất quyền làm chủ của người lao động. Kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề quan tâm, bức xúc của người lao động. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối thoại và thương lượng tập thể, mở rộng diện bao phủ thoả ước lao động tập thể mang lại lợi ích cho người lao động. Luôn luôn quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, y tế,... bảo đảm an toàn cho người lao động. Tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, hạn chế ngừng việc tập thể; không để các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, lao động làm những hành vi trái pháp luật.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn có những diễn biến phức tạp, gặp nhiều khó khăn, đe doạ sự ổn định về việc làm và cơ hội nâng cao thu nhập của người lao động, tôi đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày. Việc chăm lo của Công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, người lao động và gia đình của họ. Từ đó thu hút, tập hợp và phát triển đoàn viên công đoàn, nhất là đội ngũ công nhân, người lao động ngoài khu vực nhà nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn.

Bốn là, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế. Trước sự xuất hiện những hình thức mới của việc làm, quan hệ việc làm, sự thay đổi về nhu cầu tập hợp, liên kết của người lao động và thiết chế cho phép hình thành tổ chức đại diện người lao động độc lập ngoài công đoàn trong doanh nghiệp, Công đoàn các cấp phải căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của người lao động để xác định mô hình tổ chức, nội dung, mục tiêu và phương thức hoạt động phù hợp. Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động; quan tâm thí điểm một số mô hình mới để thu hút, tập hợp đoàn viên, người lao động. Phương thức hoạt động công đoàn cần linh hoạt, không ngừng sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công đoàn, cần có giải pháp cụ thể đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ chuyên trách và cán bộ công đoàn cơ sở. Coi trọng cải cách hành chính; kiên quyết chống quan liêu, bệnh hình thức và bệnh thành tích trong hoạt động công đoàn. Triển khai sâu sắc, toàn diện, thực chất các hoạt động công đoàn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

Năm là, với vị thế là một tổ chức chính trị - xã hội, là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và Chế độ, hơn ai hết, Công đoàn phải phát huy và làm tốt hơn nữa việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn. Các cấp công đoàn phải tích cực đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện thật tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; góp ý với đảng viên, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ với hình thức phù hợp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Tăng cường giới thiệu để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những cán bộ, đoàn viên công đoàn ưu tú, xuất sắc; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên tiên tiến, nòng cốt trong các doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước, ngoài công lập.

Để đáp ứng công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn cần đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng. Công tác cán bộ công đoàn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn cấp trên với cấp uỷ trong công tác cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn phải được lựa chọn kỹ càng, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, bản lĩnh, có phẩm chất, năng lực, có tư duy, tầm nhìn, nhiệt huyết, trách nhiệm, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nắm chắc luật pháp, am hiểu về công tác công đoàn; có kỹ năng, phương pháp vận động quần chúng tốt, có năng lực xử lý tình huống để dẫn dắt, truyền cảm hứng cho đoàn viên, người lao động.

Thưa các đồng chí,

Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đại hội Công đoàn lần này là bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII. Tôi đề nghị các đồng chí đại biểu dự Đại hội nêu cao trách nhiệm, sáng suốt, công tâm lựa chọn những đồng chí thật sự tiêu biểu về bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có năng lực, uy tín, nhiệt tình và trách nhiệm cao vào Ban Chấp hành.

Với quan điểm xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, tôi đề nghị các Ban Đảng Trung ương; các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ hoạt động của Công đoàn các cấp, đặc biệt là chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn; phân công những đồng chí có đủ năng lực, phẩm chất, có uy tín, có kiến thức và kinh nghiệm hoạt động công đoàn làm cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nhân, công đoàn; chỉ đạo chính quyền và các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm, bức xúc; tạo mọi điều kiện để công đoàn hoạt động, nhất là hỗ trợ, chăm lo, bảo đảm phúc lợi xã hội cho người lao động.

Với truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam suốt 94 năm qua, cùng những thành tựu to lớn đã đạt được và tinh thần "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển" của Đại hội lần này, tôi tha thiết mong muốn và tin tưởng rằng, nhiệm kỳ 2023 - 2028, nhiệm kỳ hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân, lao động Việt Nam chắc chắn sẽ có bước phát triển mới, lập nên những thành tích to lớn và ấn tượng hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với đất nước và dân tộc; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Tôi xin chúc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII của chúng ta thành công tốt đẹp và chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp!

Chúc các vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi!

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Đại hội Chi bộ 5 xã Hồng Kỳ nhiệm kỳ 2025 -2027
    Ngày 14/12, Chi bộ 5, xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) long trọng tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025 – 2027 đã thành công tốt đẹp.
  • Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - sứ mệnh lịch sử
    Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Triển lãm "Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh"
    Sáng 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh”. Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành tựu 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
  • Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử năm 2025
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ban hành Kế hoạch số 362/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô trong năm 2025 trên địa bàn Thành phố.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Xây dựng giai cấp công nhân ngày càng hiện đại, lớn mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO