Đại Đức Thích Trúc Thái Minh: Vâng. Trước tiên, cho Thầy gửi lời chào đến tất cả anh chị em bạn đọc. Với câu hỏi của các phóng viên, nhà báo gửi cho Thầy, đúng là năm 2019 đối với chùa Ba Vàng của Thầy là một năm vô cùng sóng gió, Thầy có gọi nó giống như sóng thần vậy. Thầy nghĩ sóng gió ấy có thể do một số người chưa hiểu về Thầy, chưa hiểu về chùa và cũng có thể do một số người chưa hiểu lắm về lĩnh vực tâm linh. Vì tâm linh là một lĩnh vực, một phạm trù rất phức tạp, phải thật sự là những người đi sâu, thể nghiệm mới có thể hiểu và tin về nó được. Vấn đề tâm linh là vấn đề khó. Và Thầy nghĩ chúng ta nên phân định rất rõ giữa phạm trù tâm linh và mê tín. Tâm linh với mê tín hoàn toàn khác nhau. Tâm linh cũng là một thực tại khách quan, Thầy nghĩ là một lĩnh vực mà chúng ta cần phải nghiên cứu và tìm hiểu về nó, nhất là trong thế kỉ 21 này. Chúng ta hiểu được đúng về nó, Thầy nghĩ rất tốt. Nếu nói tâm linh tức là nói về lĩnh vực tinh thần của chúng ta. Con người chúng ta có hai phần, đó là vật chất (thể chất, thân xác) và phần tinh thần. Tinh thần có quy luật vận động của nó, các đường đi của nó. Trong lĩnh vực tâm linh thì các Thầy đi sâu vào, có thể các Thầy sẽ hiểu được nó nhiều hơn so với mọi người. Và đặc biệt nhất, Đức Phật là bậc Thầy của tâm linh, cho nên các Thầy đi tu theo Phật thì đương nhiên phải đi vào lĩnh vực tâm linh rồi.
Còn với câu hỏi của anh chị em, Thầy thấy ở trong sự phát triển luôn luôn là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, đó là theo triết học của mình. Phát triển còn là sự từ bỏ cái cũ, vươn tới cái mới, là sự vượt qua các chướng ngại, chướng nạn trên bước đường của sự vận động và phát triển. Không có sự phát triển nào mà không có những chướng ngại. Thầy lấy ví dụ, giống như một mầm cây muốn trở thành một cái cây thì nó phải phá vỡ được cái vỏ, cái hạt của mình để trồi ra. Rồi sau đó, nó còn phải xuyên thủng lớp đất phủ trên nó thì mới có thể vươn lên khỏi mặt đất và trở thành một cái cây được. Thưa với anh em, quan niệm của Thầy về sự phát triển là như vậy.
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh- Sau sóng gió phật tử và nhân dân biết về chùa nhiều hơn.
Chùa Ba Vàng của Thầy, từ khi xây dựng, hình thành đến nay cũng đang trên quá trình phát triển nên chuyện gặp phải những chướng ngại, chướng nạn, Thầy nghĩ là những điều rất bình thường, có lẽ cũng là chuyện đương nhiên. Ngài Đường Tam Tạng Huyền Trang còn phải gặp 81 nạn mới thành công. Và khi các Thầy theo Phật, các Thầy biết, bản thân Đức Phật Thích Ca khi đạt đạo, Ngài đi truyền giáo để xây dựng Tăng đoàn, xây dựng tứ chúng thì Ngài cũng gặp phải vô vàn khó khăn, chướng ngại.
Những chướng nạn của Ngài đến từ những người chưa hiểu và chưa biết gì về Ngài. Rồi chướng nạn ấy đến từ những giáo phái khác, vì tín đồ của họ đi theo Phật nhiều quá, họ mất tín đồ nên họ cũng gây chướng nạn. Rồi có những vị giáo chủ ganh ghét, đố kị với tài năng, đức độ của Đức Phật cho nên họ tìm mọi cách để ác hại, hãm hại Ngài. Thế nhưng, Ngài cũng đã bình thản vượt qua được tất cả. Và điều đó mới khẳng định giá trị chân thật của Ngài. Các Thầy là những người tu hành thì chắc chắn trên bước đường tu không thể nào không có chướng nạn. Nhưng các Thầy coi chướng nạn đấy cũng là những thử thách, trong nhà Phật, các Thầy gọi là nội ma và ngoại chướng. Hai loại đó mà người tu nhẫn chịu vượt qua được thì mới khẳng định được sự tu tập của mình. Đó là Thầy nói về những sóng gió của năm 2019 đối với chùa Ba Vàng của Thầy và đối với Thầy.
Chùa Ba Vàng về đêm.
Sau cơn sóng gió đó, đến nay Thầy mới nhận ra được rằng, lúc sóng gió, chùa rất gian nan, vất vả, ảnh hưởng rất lớn đến việc tu học của Tăng Ni, Phật tử. Trong gian nan như vậy nhưng Thầy lại thấy được sự đoàn kết, yêu thương của Phật tử, của nhân dân đối với chùa, với chư Tăng. Họ là những người gắn bó, đồng hành, đồng cam cộng khổ với các Thầy từ ngày đầu tiên bắt tay xây dựng ngôi chùa Ba Vàng này. Họ bên cạnh các Thầy, họ hiểu được những hoạt động của chùa, hiểu được tấm lòng của các Thầy; cho nên, họ rất thương, rất yêu quý chùa, yêu quý chư Tăng. Điều này thể hiện rõ nét nhất chính là trong lúc chùa gặp hoạn nạn như vậy. Thầy cảm nhận được sự yêu thương, sự đoàn kết, sự một lòng, nhất tâm đoàn kết của họ đối với chùa. Còn đến nay, mọi hoạt động của chùa đã trở lại bình thường, ổn định và vẫn tiếp tục phát triển.
Thầy nhận thấy, chính qua bão táp năm ngoái, số lượng người dân biết đến chùa lại nhiều hơn. Và sau khi biết về chùa, họ vào trong trang truyền thông của chùa tìm hiểu, rồi về đến chùa tìm hiểu, họ càng hiểu chùa hơn và đến với chùa còn đông hơn trước. Thầy nghĩ đó là một điều rất đặc biệt, như người ta bảo trong các hoạn nạn lại có những điều tốt lành. Bây giờ, Phật tử và nhân dân biết về chùa nhiều hơn.
Đối với Tăng chúng của chùa, sau năm 2019, Thầy cũng động viên chư Tăng tu hành miên mật và nghiêm khắc hơn. Hiện nay, Tăng chúng của chùa tu hành rất nghiêm khắc. Phật tử cũng tu học nề nếp hơn và đoàn kết hơn sau khi sóng gió xảy ra.
Đó là những điều rất quý báu mà Thầy thấy được khi chùa xảy ra hoạn nạn.
Phóng viên: Thưa Đại Đức, được biết năm 2020 mặc dù dịch bệnh COVID-19 trong và ngoài nước diễn biến rất phức tạp, Đại Đức và nhà chùa đã không đứng ngoài cuộc mà tham gia tích cực sâu rộng vào đời sống chúng sinh. Vậy xin Đại Đức có thể điểm một số hoạt động đó được không ạ?
Thông qua lễ hội hoa cúc được tổ chức năm 2020, chùa Ba Vàng đã quyên góp được khoáng 7 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung.
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh: Năm 2020 đúng là năm khó khăn của toàn cầu khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ở Vũ Hán. Phải nói rằng, đây là điều thực sự lo ngại. Thầy nghĩ đất nước Việt Nam chúng ta, đặc biệt nhất, tỉnh Quảng Ninh là nơi có nguy cơ lây nhiễm nhiều nhất thế giới; vì Quảng Ninh có đường biên với Trung Quốc rất dài, có nhiều cửa khẩu, còn có cả đường hàng không, đường biển, khách đi du lịch từ Trung Quốc sang Quảng Ninh rất đông. Cho nên, Thầy nói, tỉnh Quảng Ninh trong đất nước Việt Nam là nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nhiều nhất. Việt Nam chúng ta là một trong những nước sát bên cạnh Trung Quốc, cũng là nước có nguy cơ lây nhiễm. Với thực trạng như vậy, trên cương vị là một vị tu sĩ đệ tử Phật, Thầy rất lo lắng cho sức khỏe của Phật tử, của nhân dân. Lo lắm! Cho nên lúc đó, Thầy tìm hết trong các kinh điển của Phật để xem Đức Phật có dạy những bài kinh nào có tính chất bảo hộ cho con người, mà có thể bảo hộ cho mình được trong những lúc dịch bệnh xảy ra như thế này. Rất may lúc ấy, Thầy tìm đọc được bài kinh Châu Báu, hay còn gọi là kinh Tam Bảo. Đức Phật đã thuyết giảng bài kinh này khi thành phố Vesali thời Đức Phật còn tại thế, xảy ra đại dịch cũng giống như đại dịch của mình bây giờ, làm chết vô số dân chúng. Các vị vương tướng ở đó lúc ấy không biết làm thế nào nên đã tìm cách cho người đến gặp Phật để thỉnh Đức Phật và Tăng đoàn đến, giải cứu nạn dịch này. Khi Đức Phật và Tăng đoàn đến đó, Ngài đã cho 500 vị Tăng đọc tụng bài kinh Châu Báu (kinh Tam Bảo), vừa đọc vừa đi 3 vòng xung quanh thành phố Vesali. Quả nhiên có sự cảm ứng thực sự! Sau đó, trời đã đổ những trận mưa rất lớn, rửa sạch tất cả xú uế, ô nhiễm của môi trường kinh thành. Cuối cùng, nạn dịch dần dần được đẩy lui trong thời gian ngắn. Bài kinh này đã được xếp vào một trong những bài kinh Paritta - bài kinh có tính chất hộ trì an lành cho những ai trì tụng.
Khi Thầy tìm được bài kinh này, Thầy thấy hay quá. Thầy rất mừng, Thầy nghĩ đây cũng là một bảo bối quý báu để cho tất cả những người có tín tâm, những tín đồ theo đạo Phật tụng đọc. Bởi vậy sau đó, Thầy đã phổ biến cho tất cả Tăng Ni, Phật tử của chùa phát nguyện tụng trì bài kinh Paritta có tính chất hộ trì để an lành này, và chính bản thân Thầy cũng đích thân trì tụng. Có những khi trì tụng suốt cả đêm, đi kinh hành xung quanh chùa trong khi cả mưa, cả gió, cả bão để tụng bài kinh này cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu nguyện cho dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến Tăng Ni, Phật tử và đến với nhân dân của đất nước mình. Tất nhiên, Thầy cũng có tâm nguyện cầu rộng nhưng Thầy biết là cái đức của mình còn rất nhỏ, không thể nào lớn hết được, cho nên cũng chỉ dám cầu đến cho Tăng Ni, Phật tử, nhân dân Việt Nam. Mình cầu nguyện, có sức lan tỏa và Thầy rất tin lời Phật dạy, tin kinh Phật dạy. Đó là về mặt tâm linh, Thầy lo lắng điều đó để cho Phật tử, cho nhân dân. Và đến hiện tại, cả chùa vẫn đang tiếp tục cầu nguyện, trì tụng bài kinh này. Thầy cũng nghĩ rằng, chắc nó cũng có sự màu nhiệm. Đến nay, đối với hàng vạn Phật tử của chùa cũng chưa có một ai bị mắc nhiễm vào COVID-19. Thầy nghĩ đó là một điều rất may lành.
Bên cạnh việc về tâm linh như vậy, Thầy vẫn hướng dẫn và nhắc nhở tín đồ Phật tử thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của nhà nước và chính quyền các cấp. Tại chùa, Thầy trang bị máy sát khuẩn cho du khách khi về thăm chùa, rồi phát khẩu trang miễn phí, nước rửa tay sát khuẩn… Đối với Tăng Ni, Phật tử thường trực ở chùa, Thầy hướng dẫn mọi người rèn luyện, tập thể thao, ăn uống, vệ sinh sinh hoạt… để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng phòng, chống dịch và không chủ quan, ỷ lại vào sự gia hộ của chư Phật dù biết khi mình trì tụng kinh Paritta có sự gia hộ.
Còn đối với xã hội, phải nói rằng trong năm 2020, lo lắng về nạn dịch là nỗi lo lắng chung của cả xã hội, của cả thế giới. Thầy cũng vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện đối với xã hội: Thầy tổ chức phát khẩu trang, phát nước sát khuẩn miễn phí ở rất nhiều nơi trong các tỉnh thành trên cả nước, cứ nơi nào có Phật tử của chùa thì Thầy đều vận động Phật tử cùng nhau tổ chức phát tâm để phát khẩu trang miễn phí cho bà con nhân dân. Bên cạnh đó, các đạo tràng Phật tử của chùa lại cùng nhau ủng hộ gạo, ủng hộ thực phẩm cho những vùng khó khăn trong đại dịch COVID-19 này. Còn phía chùa, Thầy cũng đã tham gia đóng góp và ủng hộ rất nhiều cho các đơn vị vũ trang, lực lượng vũ trang biên phòng, cụ thể là đi ra tận biên giới động viên các chiến sĩ biên phòng, rồi mang khẩu trang, nước sát khuẩn, mang gạo, mang mỳ, mang thực phẩm, thức ăn... lên đó để động viên các chiến sĩ giữ vững biên giới Tổ quốc, đặc biệt là ngăn chặn sự xâm nhập của COVID-19. Chùa tham gia với sự kêu gọi của Mặt trận Tổ Quốc các cấp, cũng đóng góp ủng hộ Mặt trận Tổ Quốc các cấp trong việc phòng, chống đại dịch COVID. Chùa còn ủng hộ Trung tâm Truyền Thông của tỉnh Quảng Ninh, rồi các nhà trường, các bệnh viện của tỉnh... Và các Phật tử của chùa, các đạo tràng đều đứng ra phát tâm để đi ủng hộ phát khẩu trang miễn phí.
Đến cuối năm, khi xảy ra mưa lũ ở đồng bào miền Trung, chùa cũng tham gia ủng hộ rất tích cực. Thầy đã cùng với Mặt trận Tổ quốc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ Quốc của tỉnh Quảng Ninh, và thành phố Uông Bí để đóng góp, ủng hộ cho Mặt trận Tổ quốc phần ủng hộ cho đồng bào bão lũ. Chùa cũng tham gia với Ban Trị sự Phật giáo của tỉnh để ủng hộ xây dựng những phòng áp lực âm cho bệnh nhân COVID tham gia. Chùa vận động bà con ủng hộ từ thiện, đi trực tiếp vào các vùng đồng bào bị bão lũ. Bản thân Thầy đã đi trực tiếp 2 lần vào vùng bão lũ Quảng Bình và Quảng Trị để ủng hộ bà con nhân dân. Nhân Lễ hội Hoa Cúc của chùa, Thầy vận động mọi người phát tâm ủng hộ cho đồng bào bão lũ miền Trung. Trong cuộc vận động hôm ấy, tất cả mọi người đóng góp ủng hộ được gần một tỷ đồng.
Có thể nói, trong năm 2020, tất cả Tăng Ni và các đạo tràng Phật tử, các câu lạc bộ của chùa đóng góp, ủng hộ kinh phí cùng với xã hội để tham gia phòng, chống đại dịch COVID rồi ủng hộ từ thiện cho đồng bào bão lũ miền Trung, Thầy nghĩ kinh phí cũng khá nhiều, đến khoảng 6, 7 tỷ đồng. Đó là những hoạt động mà chùa tham gia cùng với xã hội.
Bên cạnh đó, trong khi giảng bài trên truyền thông, Thầy cũng đều khuyến khích các Phật tử phải thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về phòng, chống dịch, về vệ sinh, giãn cách… và luôn luôn cảnh giác cao độ, khuyến khích mọi người phải cùng với nhà nước để thực hiện tốt việc phòng, chống dịch này. Thầy nghĩ đó là đóng góp nhỏ bé của Thầy đối với xã hội, đối với đất nước để giữ cho dịch không bùng phát.
Một buổi hành lễ của chùa Ba Vàng hướng tới sự an lành cho người dân trong đại dịch COVID-19.
Phóng viên: Có lẽ thời gian Đại Đức dành nhiều nhất là cho việc tu tập hướng đến đời sống chúng sinh, nhất là những người nghèo, yếu thế trong xã hội. Vậy điều Đại Đức tâm đắc nhất cho đến nay là gì?
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh: Đúng là khi Thầy từ người trí thức, một cán bộ nhà nước phát nguyện đi xuất gia, Thầy thấy lý tưởng xuất gia là lý tưởng rất cao quý, có thể nói đó không những là lý tưởng, mà cũng là hoài bão bao nhiêu năm của Thầy khi Thầy tìm hiểu, tiếp cận với giáo lý của nhà Phật. Cho nên, Thầy đi xuất gia là một điều gì đó rất lớn lao, rất cao quý, Thầy nghĩ không có một cái gì có thể đánh đổi được lý tưởng này của Thầy. Cho nên với đạo Phật, khi Thầy phát nguyện xuất gia thì Thầy học, Thầy hiểu được giáo lý Phật dạy, biết được Đức Phật dạy đời là biển khổ, tất cả chúng sinh chìm đắm trong biển khổ này. Với tư duy của mình, Thầy cũng cảm nhận điều đó rất rõ. Cho nên, khi Thầy phát nguyện xuất gia cũng tâm nguyện làm sao cứu khổ chúng sinh, đem ánh sáng Phật Pháp đến với tất cả mọi người. Mọi người mà được tiếp cận với ánh sáng, với giáo lý của Phật Pháp thì chắc rằng sẽ vơi đi rất nhiều những nỗi khổ, niềm đau. Cho nên, tâm nguyện của Thầy đối với chùa Ba Vàng này cũng phải đi đúng hướng ấy, để phục vụ chúng sinh, làm lợi ích cho chúng sinh, đem lại những giá trị chân thật cho mọi người. Và việc Thầy rèn giũa Tăng chúng đi sâu vào việc tu tập, thành tựu được đạo quả, chí nguyện là mục đích rất quan trọng đối với Thầy. Tăng chúng phải tu tập được, phải thành tựu được đạo nghiệp, rồi mới có thể làm lợi ích cho chúng sinh.
Bên cạnh đó, mặt thứ hai là đóng góp của chùa đối với xã hội. Đức Phật đã gọi đời là biển khổ, mà trong biển khổ đó lại có những người rất khổ, có những người ở hoàn cảnh cực kỳ éo le, nghèo đói, vô cùng túng thiếu, rồi tật nguyền, bệnh tật; đó là về thân. Về tâm, người ta cũng rất nhiều nỗi khổ, có khi là thất tình, thất trí, chán đời, tuyệt vọng, bế tắc, rồi oán hận, thù đời, điên khùng, đam mê nghiện ngập, cờ bạc, hút sách, lo lắng, sợ hãi, ma hành quỷ ám cũng có… Cho nên, Thầy nói rằng, “đi tu ở chùa là làm dâu trăm họ”, đủ hết các thành phần đến đây. Buồn chán họ cũng đến chùa, thất tình cũng đến chùa, rồi ma hành quỷ ám, con cái bị làm sao cũng đưa đến chùa... Thầy nghĩ, Thầy ở chùa là phải “làm dâu trăm họ” rất đúng, lo lắng những việc đó.
Thực sự mà nói, Thầy thấy con người quá nhiều nỗi khổ - khổ về thể chất, lẫn khổ về tinh thần. Với những đối tượng như vậy và nói chung với tất cả, Thầy đều dùng Pháp của Phật để hướng dẫn cho họ tu tập, để họ được chuyển hóa những nghiệp chướng, chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của mình. Đó là sự thật. Và khi áp dụng Phật Pháp, Thầy thấy có sự chuyển hóa thật sự tích cực, kể cả về thân lẫn về tâm của người ta, hoàn cảnh sống của người ta cũng được chuyển hóa, không nhiều thì ít đều có chuyển hóa. Có những người có thể không hết ngay được bệnh nhưng tâm họ lại được thư thái. Rồi có những gia đình sau khi gặp Phật Pháp, vợ chồng trở nên hòa thuận, hạnh phúc hơn, con cái trở nên tốt hơn, ngoan ngoãn hơn. Và có nhiều câu chuyện rất cảm động về sự nhiệm màu Phật Pháp, nhiều lắm, có thể Thầy không thể nhớ hết được.
Có thể nói, Phật Pháp rất nhiệm màu, có nhiều câu chuyện Thầy rất cảm động. Trong quá trình làm đạo, Thầy thấy rất nhiều việc nhiệm màu. Thầy rất mong sau này nếu đủ duyên, giữa y học và Phật giáo kết hợp được với nhau thì sẽ rất tốt trong việc điều trị cho bệnh nhân. Vì bản thân ở chùa, chỉ dùng liệu pháp của Phật Pháp thôi mà cũng đã rất nhiều người được chuyển hóa. Có nhiều người bệnh đi các bệnh viện và bệnh viện trả về rồi, như trường hợp của cháu Lê Trung Tuấn là một trong rất nhiều trường hợp; và khi họ về chùa, được hướng dẫn tu tập thì họ lại chuyển hóa, có rất nhiều người đã khỏi bệnh. Tất nhiên, không phải tất cả đều khỏi bệnh nhưng rất nhiều người được chuyển hóa và cũng rất nhiều người đã khỏi bệnh. Thầy nghĩ đó là điều rất đặc biệt.
Thầy rất mong muốn, nếu có đủ duyên nhà nước sẽ tổ chức làm sao có những buổi hội thảo giữa Phật giáo và khoa học y khoa kết hợp với nhau thì rất tốt. Liệu pháp về tâm linh rất tốt cho việc điều trị bệnh nhân về mặt sức khỏe, về tinh thần và thể chất. Đó là điều Thầy rất mong muốn. Thầy xin có đôi lời như vậy.
Phóng viên: Ngoài những hoạt động được tổ chức thường quy hàng năm thì sang năm Tân Sửu và năm tiếp theo, Đại Đức và nhà chùa sẽ có những hoạt động gì mới?
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh: Kể ra bây giờ nói đến 5 năm tiếp theo thì hơi dài. Nhưng trước mắt, Thầy nghĩ sang năm 2021, nếu đầy đủ nhân duyên, Thầy sẽ tổ chức khánh thành công trình đại giảng đường, công trình phục vụ cho Phật tử như nhà ăn, nhà bếp Phật tử, khu sinh hoạt của Phật tử. Đó cũng là một trong những công trình lớn của chùa mà trong năm 2020 nhà chùa đã gấp rút hoàn thành để sang năm 2021 có thể được làm lễ khánh thành. Nếu đủ duyên nữa, năm 2021, chùa sẽ khởi công xây dựng đại bảo tháp. Đây là một điểm nhấn về du lịch tâm linh của chùa và có những giá trị đặc biệt về tâm linh đối với chùa, Thầy nghĩ cũng có giá trị đối với tâm linh chung của cộng đồng.
Đối với việc tu học của Tăng chúng, thời gian tới, Thầy càng đẩy mạnh hơn nữa. Với tâm nguyện của Thầy, những người tu học Phật phải có những thành tựu nhất định, đó mới là lợi ích thiết thực cho họ. Vì Phật Pháp không phải chỉ cứu một đời này mà sẽ cứu cho con người muôn đời về sau. Cho nên, ai đến với Phật Pháp, Thầy nghĩ dù sớm hay dù muộn cũng đều được lợi ích. Nhưng muốn được lợi ích thì ngoài việc học ra, người đó phải chân thật thực hành Phật Pháp. Cho nên, Thầy cũng đẩy mạnh việc tu học của Tăng Ni, của Phật tử.
Và trong tình hình COVID vẫn còn phức tạp như hiện nay, chùa cũng tiếp tục triển khai chương trình tu học trực tuyến. Trong năm 2020 này, chùa đã tổ chức các chương trình tu học, sinh hoạt, các nghi lễ rất tốt. Và các đạo tràng Phật tử của chùa Thầy cũng cho sinh hoạt trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin mới và áp dụng cả kỹ thuật số vào trong công tác quản lý của chùa. Thầy nghĩ, trong thời đại bây giờ cũng phải vận dụng những tiến bộ của khoa học vào trong các công việc quản lý của chùa, trong việc sắp xếp các phận sự.
Tiếp nữa, năm 2021, Thầy nghĩ nhà chùa sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, với Ban Trị sự để triển khai các công tác từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội; vì chùa luôn luôn có hoạt động từ thiện xã hội và cùng với chính quyền làm sao giữ được an ninh trật tự của địa phương cũng như thúc đẩy, phát triển văn hóa du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Thực sự mà nói, chùa Ba Vàng là điểm du lịch lớn của tỉnh Quảng Ninh, du khách về chùa đông, điều đó góp phần thêm vào sự phát triển kinh tế du lịch cho tỉnh. Đó là sự thật.
Bên cạnh đó, một điều Thầy nhắm tới thúc đẩy là việc hoằng pháp của chùa; vì việc hoằng pháp rất quan trọng. “Hoằng pháp” tức là đem được giáo lý, những điều Phật dạy đến mọi người. Và trong điều này chính là giáo dục nếp sống đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc cho nhân dân. Đó là điều rất quan trọng. Vì thực sự, khi nền kinh tế phát triển thì mặt vật chất được đẩy lên, nhưng nhiều khi tinh thần, đạo đức con người lại đi xuống. Hai điều này rất dễ trái chiều với nhau. Khi vật chất quá sung mãn, con người thỏa mãn rất nhiều các giá trị vật chất thì lại xem nhẹ giá trị tinh thần; cho nên đạo đức nhiều khi bị xuống cấp và bị mất gốc. Cho nên ở chùa, trong những năm qua, Thầy đã hết sức cố gắng làm sao đưa được những lời Phật dạy vào trong cuộc sống cho Phật tử thực hiện, rồi đem những nét đẹp của văn hóa truyền thống, tinh hoa của dân tộc vào trong cuộc sống cho Phật tử, cho nhân dân. Nhất là đối với thế hệ trẻ, Thầy đặc biệt quan tâm, vì thế hệ trẻ rất cần thiết phải được lớn lên, được phát triển trong một môi trường lành mạnh, môi trường ấy là môi trường giáo dục đạo đức, gọi là “tiên học lễ, hậu học văn”. Ở chùa cũng thế, các Thầy cũng dạy các cháu từ những đạo đức làm người rất căn bản, để sau này các cháu trưởng thành sẽ là những người có đức và có tài thì mới có thể là chủ nhân của đất nước, giúp cho đất nước được phát triển phồn vinh, thịnh vượng được.
Đó là những điều Thầy nhắm tới, không phải kế hoạch 1 năm, 5 năm mà có lẽ chương trình lâu dài của chùa sẽ là như vậy: Tăng Ni tu học cho thật tốt, thành tựu được đạo quả; Phật tử và quần chúng nhân dân phải được học giáo lý của Phật, trau dồi đạo đức, biết sống nhớ ơn, đền ơn, rồi quay về với cội nguồn, với những văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có quay về những điều đó, chúng ta mới yêu quê hương, yêu đất nước để xây dựng đất nước được; còn chúng ta hoàn toàn quên mất hết rồi thì làm sao có thể giữ gìn và phát triển đất nước tốt đẹp được. Đó là điều Thầy mong muốn, Thầy nghĩ đấy là một chương trình lâu dài của chùa.
Phóng viên: Con xin cảm ơn Thầy đã dành thời gian quý báu của mình trả lời Chất lượng và Cuộc sống!