Đại biểu Quốc hội: Nên tiếp tục thực hiện giảm thuế (VAT) 2% để kích cầu tiêu dùng
Dự kiến, tại phiên họp chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022.
Về nội dung này, Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2023 đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỉ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh).
Về vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, trước mắt có thể giảm 2% thuế VAT, nhưng thời gian tới, cần tiếp tục giảm thêm loại thuế này để kích cầu tiêu dùng, kích cầu nội địa.
Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh để kích cầu nội địa, ngoài việc giảm thuế VAT cần tăng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phù hợp với người Việt Nam.
"Tôi cho rằng, cần tập trung hướng vào thị trường nội địa 100 triệu dân, vì thị trường nước ngoài đang chao đảo", ông Ngân nói.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, hiện nay, nền kinh tế đã tiệm cận suy thoái, nếu tiếp tục gia tăng hoặc đơn giản chỉ giữ nguyên việc thu thuế VAT sẽ tỉ lệ nghịch với những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân đang gặp phải.
Ông Vân lấy ví dụ sức vác của một người chỉ được 20kg là kiệt sức, nếu bớt đi 2kg, gánh nặng trên vai họ sẽ giảm và có thể đi thêm được 10 bước nữa. Nếu tiếp tục giảm xuống 15kg, họ có thể tiến xa hơn được 20 bước, gấp đôi giá trị tạo ra so với 10 bước.
"Tôi cho rằng, thay vì chỉ dừng lại ở mức giảm 2% thuế VAT, việc giảm thuế xuống tiếp 3 - 5% sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân và doanh nghiệp bởi sẽ giúp chi phí giá thành hàng hoá thấp, góp phần thúc đẩy mua bán, tăng doanh số", ông Vân đề xuất.
Tại phiên họp thứ 23 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo như chính sách đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, thay vì mở rộng áp dụng đối với mọi loại hàng hóa, dịch vụ như đề xuất của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại việc mở rộng chính sách giảm thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu ngân sách trong khi tình hình thu ngân sách năm 2023 đang khó khăn, tổng cầu yếu, "sức khỏe" doanh nghiệp sụt giảm.
Tiếp thu ý kiến trên, tại tờ trình ngày 15.5.2023, Chính phủ đề xuất việc giảm thuế sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ước tính, nếu áp dụng việc giảm thuế này trong 6 tháng cuối năm, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 24.000 tỉ đồng (phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ như đề xuất trước đó thì giảm thu 35.000 tỉ đồng).
Sau khi nghe tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày ờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận (tức Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay -Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.
Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.