Đa dạng hoá triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô
Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều hướng đi mới nhằm phát huy hiệu quả của việc thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử, trong đó có bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, góp phần đưa Quy tắc trở thành nề nếp trong đời sống nhân dân Thủ đô và tạo ra nét văn hóa riêng cho người Hà Nội.
Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được huyện lồng ghép với thi đua xây dựng mô hình văn hoá tại cộng đồng dân cư
Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm định hướng hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, đảm bảo tính thực tiễn, qua đó góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội, vừa tạo được sự hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại.
Nhiều phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thủ đô vận động các tổ chức, gia đình trên địa bàn cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Tại huyện Đan Phượng, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thành phố, UBND huyện Đan Phượng triển khai ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn và các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. UBND các xã, thị trấn vận động các tổ chức, gia đình trên địa bàn cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thi đua xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Kết quả, toàn huyện tổ chức phát tờ ký cam kết tới hơn 40 nghìn hộ gia đình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, so với nhiều địa phương khác của Hà Nội, Đan Phượng là địa phương dẫn đầu trong việc triển khai và nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo trong thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử. Từ nhiều năm nay, huyện đã xây dựng những mô hình điểm như mô hình Thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh sạch đẹp; Thôn, cụm dân cư, tổ dân phố thông minh; Tổ dân phố kiểu mẫu; Sân chơi lành mạnh cho mọi lứa tuổi; Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả; Phòng cháy chữa cháy cộng đồng; Camera an ninh; Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; Mô hình di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn; Làng nghề an toàn về an ninh trật tự; Nhà trường an toàn về an ninh trật tự; Tổ xung kích phòng chống tội phạm…
Tại quận Long Biên, bên cạnh việc treo Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại 194 nhà văn hóa và tất cả các di tích trên địa bàn, quận Long Biên có xây dựng mô hình Tổ dân phố xanh, sạch, đẹp, văn minh theo 4 tiêu chuẩn và 16 tiêu chí; trường học xanh, sạch, đẹp, văn minh, hạnh phúc; tuyến đường hoa; xây dựng 34 điểm luyện tập thể thao. Đối với Tổ dân phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hàng năm, quận đều có đánh giá và khen thưởng các mô hình tiêu biểu.
Phó Chủ tịch UBND quận Đinh Thị Thu Hương khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, quận Long Biên xây dựng rất nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay trong quá trình thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử. Quy tắc ứng xử của Thành phố đã định hướng nhằm hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hoá chung, đảm bảo tính thực tiễn. Qua đó, góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội, vừa tạo được sự hài hoà với sự phát triển cuộc sống hiện đại. Nhiều đơn vị trên địa bàn quận vận động các tổ chức gia đình cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thi đua xây dựng gia đình văn hoá, tổ dân phố văn hoá, phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, học tập trên địa bàn quận đã thường xuyên tự kiểm tra, giám sát cá nhân tại tổ chức mình trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử.
Thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý di tích và lễ hội
Trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện có trên địa bàn huyện có 201 di tích, trong đó có 106/201 di tích đã được xếp hạng, gồm: 03 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (đền Hát Môn, xã Hát Môn; đình Tường Phiêu, xã Tích Giang; đình Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp), 45 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 58 di tích xếp hạng cấp Thành phố.
Hàng năm, có 68 lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa xuân, từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, trong đó có 67 lễ hội làng và 01 lễ hội vùng là Lễ hội truyền thống đền Hát Môn tổ chức với quy mô cấp huyện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Các lễ hội truyền thống tại các xã, thị trấn đảm bảo yêu cầu đề ra. Nhân dân thập phương đến chiêm bái tại các di tích và tham gia các lễ hội đã thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng thể hiện ở việc không gây mất an ninh trật tự, ăn mặc phù hợp, không vứt rác bừa bãi....
Thông qua các hoạt động tuyên truyền gắn với tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, người dân có ý thức hơn trong ứng xử tại nơi công cộng, tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện tượng ăn mặc hở hang gây phản cảm không còn nhiều, không còn tình trạng tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan tại các di tích; đảm bảo văn minh nơi thờ tự và thực hiện tốt tự do tín ngưỡng trong nhân dân.
Trong công tác tuyên truyền thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, ngành văn hóa Thủ đô luôn lấy con người, gia đình… là hạt nhân để tuyên truyền nhằm đạt hiệu quả cao. Nhiều đơn vị đề xuất cần phải đổi mới hơn nữa hình thức tuyên truyền, vận động thực hiện Quy tắc ứng xử, tăng cường các hội thi, toạ đàm để tuyên truyền. Đặc biệt, nhiều địa phương đề nghị phải có chế tài xử phạt đối với việc chưa thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử nhằm khắc phục những trường hợp thiếu ý thức trong khi thực hiện Quy tắc ứng xử.