Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Xây dựng đô thị văn minh và phát huy vai trò hương ước, quy ước trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Ly Ly 09:39 01/12/2023

Sáng ngày 30/11, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Triển khai thực hiện tiêu chí công nhận chuẩn đô thị văn minh và phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn Thành phố". Hội nghị có sự tham gia của các điểm cầu tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Phạm Cao Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Phạm Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Hà Nội.

Phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết của nhân dân

Phát biểu Đề dẫn Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, ngày 14/11/2023 UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 271/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về ý nghĩa của việc xây dựng đô thị văn minh; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong việc tham gia xây dựng cảnh quan đô thị, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn thành phố.

z4928902018761_6abba03ebae13be16b677710ac670372.jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Hội nghị

“Việc triển khai xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh sẽ mang lại những lợi ích thiết thực về phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết của nhân dân toàn Thành phố trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là Hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”, bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Thành phố có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố có quy ước, trong đó có 1.232 quy ước đã được sửa đổi, bổ sung.

Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh, phát huy hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

z4928902050899_bd24bbf0ffa2086a26addbef30e8247d.jpg
Điểm cầu tại Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng được lắng nghe đồng chí Phạm Cao Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập huấn triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về "Xây dựng và thực hiện quy ước hương ước của cộng đồng dân cư" và Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ "Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh". Mục đích của Nghị định nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực hỗ trợ việc quản lý nhà nước bằng pháp luật; Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp đảng uỷ chính quyền và nhân dân cùng thực hiện

Để có được kết quả toàn diện trong triển khai, cần có sự tham gia của các cơ quan ban, ngành địa phương, Mặt trận Tổ quốc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh là mục tiêu xuyên suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh tại địa phương và bố trí nguồn lực để thực hiện.

Với những những yêu cầu đặt ra, tọa đàm tập trung vào những nội dung trọng tâm: Những kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; ban chỉ đạo và các ngành, các cấp đối với việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở, xây dựng đô thị văn minh.

Các đại biểu cũng trao đổi, phổ biến những cách làm hay, những mô hình tốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp đối với việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước và xây dựng đô thị văn minh ở cơ sở.

z4931824006555_6787e64227ba52744a8fc213d089826b.jpg
Điểm cầu tại quận Ba Đình

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình Lê Thị Khanh - đại diện điểm cầu quận Ba Đình chia sẻ, kinh nghiệm chính được rút ra trong xây dựng chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn quận đó là các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch phải rõ tiêu chí, sát thực tiễn. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động. Tập trung nguồn lực đầu tư, huy động sự tham gia, đóng góp, ủng hộ của người dân. Đối với những tiêu chí khó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung cao, tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời. Xây dựng các mô hình, điển hình tiêu biểu, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.

z4931824516296_2975f2841d23c8e27180b3c9b2c88ec3.jpg
Điểm cầu tại huyện Đông Anh

Tại huyện Đông Anh, qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay 195/195 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã tiến hành bổ sung, sửa đổi, phê duyệt hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc bổ sung quy chế dân chủ và quy ước thôn, tổ dân phố năm 2019, 2022; chỉ đạo việc thực hiện bổ sung quy ước các thôn, tổ dân phố năm 2019, 2022; hướng dẫn xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước; tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện bổ sung quy ước tại các thôn, tổ dân phố.

Việc xây dựng và thực hiện hương ước đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính tự chủ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy được dân chủ tại cơ sở, hạn chế được các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự, an ninh tại địa phương.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thị Vân Anh lưu ý các đơn vị thường xuyên phối hợp rà soát, cập nhật các hướng dẫn đánh giá tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn Thành phố; tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiệp vụ; định kỳ hàng quý trong đánh giá công tác cần sơ kết, tổng kết; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện./.

Bài liên quan
  • Phát huy giá trị hương ước trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh
    Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nhiệm vụ đã được cụ thể hóa vào chương trình công tác lớn riêng trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, được xác định là khâu đột phá của Chương trình số 06-CTr/TU. Để thực hiện nhiệm vụ này, thì việc phát huy hiệu quả của những quy ước, hương ước là hết sức cần thiết.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đô thị văn minh và phát huy vai trò hương ước, quy ước trên địa bàn Thành phố Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO