Phạm Ngà
Thắp hương trước mộ Nguyên Hồng
Chẳng ngờ trời nổi cơn mưa
Lại chẳng ngờ nữa, trời vừa tạnh êm
Cung đường nửa xuống nửa lên
Nửa như cư tụ, nửa miền hoang sơ.
Khói vương sương lạnh mịt mờ
Đỏ au đồi đất, lơ thơ gió đồng
Ông bà kề giấc thong dong
Suối nông một dải ngập ngừng chảy trôi.
Chắp tay ngoảnh bốn phương trời
Rượu suông nghiêng chén dâng người nằm đây
Đất trời cũng đảo điên say
Men nồng chưa ráo, đã cay mắt mình.
Bút văn rớm máu nhân tình
Bao nhiêu thân kiếp u minh cõi lòng
Khấn người gang tấc vừa xong
Khấn thêm bao kẻ lạnh lùng bơ vơ.
(Rút từ cuốn sách “Phạm Ngà - Thơ và trường ca”,
NXB Hội Nhà văn, 2019)
Bài thơ mở một khoảng không giao thoa giữa thực và ảo, cầm giữ và chảy trôi, giác ngộ và vô minh, âm phần và dương thế. Ngay từ khổ thơ đầu, nhà thơ Phạm Ngà đã đưa người đọc tới một nơi khó xác định được không gian và thời gian cụ thể. “Cung đường nửa xuống nửa lên/ Nửa như cư tụ, nửa miền hoang sơ”. “Cung đường” được phác họa ở đây có thực trong đời sống hay là ký ức hiện về trong tâm tưởng nhà thơ? Với đường nét mờ nhòe, hư ảo ấy, người đọc cảm nhận nơi nhà văn Nguyên Hồng yên nghỉ đang khuất chìm trong mây bay, sương khói. Đây không phải ảo giác, mộng tưởng mà chính xúc cảm mạnh mẽ, chân thành đã đến với nhà thơ Phạm Ngà. Cảm xúc ấy cho ông chọn được bến đỗ trong hành trình về/ đến với nhà văn Nguyên Hồng, một đàn anh đáng kính của văn chương Hải Phòng với "Những ngày thơ ấu", “Bỉ vỏ", "Sóng gầm", "Cửa biển" từng gắn bó máu thịt với “thành phố cần lao” này. Cả khổ thơ đầu cho thấy, tứ thơ không đến bất chợt mà tác giả đã ấp ủ khá lâu trước đó. Nó được dồn nén, bùng vỡ vào thời khắc đặc biệt, lúc tác giả bài thơ, nhà văn Nguyên Hồng và người đọc hữu duyên gặp nhau khi “trời vừa tạnh êm”.
Đến được nơi Nguyên Hồng yên nghỉ, nhà thơ Phạm Ngà như lạc vào không gian vừa quen vừa lạ. Vẫn là khói sương mờ mịt tràn xuống từ khổ thơ đầu, nhưng ông đã nhìn thấy đồi đất “đỏ au” và cánh đồng đang “lơ thơ” gió. Tác giả sắp đặt ở đây hai hình ảnh, ngọn đồi và cánh đồng, làm cho nó chộn rộn, sống động, biến một vùng đất quen thuộc trở nên khác thường. Hình ảnh “Ông bà kề giấc thong dong” được tiếp nối bằng câu thơ “Suối nông một dải ngập ngừng chảy trôi” gợi nhắc một dòng chảy bất tận trong tâm cảm mà nhà thơ đã may mắn chứng kiến. Ở đây, “giấc ngủ” của ông bà và dòng suối “ngập ngừng chảy” nhập thành hữu thể (existens). Hai hình ảnh trên hoán chuyển cho nhau, mang cho bạn đọc cảm giác nhìn suối chảy ngỡ nghe được tiếng thở cùng thấp thoáng hình bóng người xưa.
Câu thơ “Chắp tay ngoảnh bốn phương trời” tạo sự bất ngờ trong bài thơ. Trước khi tác giả dâng rượu cho người dưới mộ, ông đã ngoảnh về bốn phương trời, phải chăng nơi ấy hồn vía nhà văn Nguyên Hồng đang cư ngụ. Nhưng tại sao lại bốn phương trời? Câu thơ mách bảo rằng, Phạm Ngà đã linh cảm thấy anh linh người quá cố đang án ngữ trời đất, cùng hàm ý, sự nghiệp và nhân cách Nguyên Hồng luôn song hành cùng đời sống này.
“Bút văn rớm máu nhân tình/ Bao nhiêu thân kiếp u minh cõi lòng”. Từng trang viết thấm đẫm nước mắt nhân thế, giàu lòng vị tha bao dung của Nguyên Hồng đang hiện về trong khổ thơ cuối. Khấn nhà văn Nguyên Hồng trong “gang tấc”, tác giả đã “Khấn thêm bao kẻ lạnh lùng bơ vơ”. Đây là câu thơ giàu linh cảm. Tác giả đã làm cầu nối cho nhà văn mà ông yêu mến ở thế giới bên kia tiếp tục hành trình đến với những kiếp lầm than, thua thiệt, những “kẻ lạnh lùng bơ vơ” vẫn hiện hữu khắp nơi trong đời sống đương thời.
Xuyên suốt bài thơ là hành trình của nhà thơ Phạm Ngà đi vào cõi tâm linh, viếng người xưa, làm ánh sáng của người xưa ở thế giới bên kia tiếp tục lan tỏa. Bài thơ tựa dòng sông liên tục cuộn chảy từ cội nguồn, nơi khởi sinh vẻ đẹp và ý nghĩa cao cả của văn chương để đến với biển lớn thế nhân. “Thắp hương trước mộ Nguyên Hồng”, theo tôi là bài thơ hay nhất trong mạch thơ lục bát của nhà thơ Phạm Ngà.
Nhà thơ Phạm Ngà là một trong những cây bút chủ công của thành phố Hải Phòng và cả nước từ những năm chiến tranh, và hiện vẫn đang sung sức. Phạm Ngà sau trước vẫn trung thành với phong cách truyền thống, lối viết giản dị, chân thành, quyến rũ bằng cảm xúc mạnh. Riêng mảng thơ lục bát của ông, theo tôi là mạch chảy riêng khác. Nó tươi mới, chân thực và biến ảo, dẫu có lúc đắng đót mà luôn thấm đẫm nhân tình.