Công ty Alibaba đã “phá nát” bao nhiêu gia đình?

Kinhtedothi| 30/09/2019 07:42

Đất không thể tách thửa, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng các đối tượng cầm đầu Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba - PV) vẫn “vẽ” ra 43 dự án “ma”, rồi quảng cáo để bán cái không có thật hoặc bán cái không phải của mình nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 7.000 người với số tiền hơn 2.500 tỷ đồng.

Gia đình “hục hặc” vì dính vào Alibaba
Nhiều tháng nay vợ chồng chị L.T. Hồng (SN 1986, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa thể làm lành khi chồng phát hiện chị Hồng tự ý đem hơn 700 triệu đồng dành dụm trong nhiều năm để mua nền đất trong dự án “ma” của Công ty Alibaba.
Chị Hồng cho biết cuối năm 2018, khi sắp nghỉ thai sản, chị nghe một số người làm chung nhà máy “rỉ tai” đi mua nền đất do Công ty Alibaba sẽ có lời. Theo giải thích với số tiền 700 triệu đồng, mua 1 nền đất 100m2, ký thêm cái hợp đồng quyền chọn (HĐQC) cho Công ty Alibaba thuê lại nền vừa mua trong vòng 1 năm, mỗi tháng nhận được 2% trên tổng số tiền đã đầu tư.
Sau khi tính toán cứ 100 triệu đồng, mỗi tháng lãi 2 triệu. Vì vậy chị Hồng lén chồng đem hơn 700 triệu đồng ký hợp đồng mua 1 nền đất trong dự án Alibaba Tân Thành Center City 5 (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với Công ty CP BĐS Chiến Thắng (ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, công ty con của Công ty Alibaba).
Sau khi đọc bản hợp đồng chuyển nhượng, chị Hồng thấy ở phần nghĩa vụ bên chuyển nhượng, có mục: “Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về QSDĐ và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp” nên yên tâm ký mua.
“Đến tháng 3/2019, vẫn không thấy họ trả lãi như HĐQC. Tôi gọi điện đòi, họ hẹn lần hẹn lữa không trả đồng lãi nào. Tôi tới thẳng trụ sở công ty ở 120 đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, để đòi vẫn không được.
Đến khi chồng nói đưa tiền để đi mua căn hộ chung cư, lúc đó tôi phải kể thật. Từ khi sự việc vỡ lở, cuộc sống vợ chồng căng thẳng lắm. Mới đây, khi nghe công an bắt lãnh đạo công ty này, chồng tôi uống rượu liên tục” - chị Hồng buồn bã nói.
Tương tự là trường hợp ông T.V. Sơn (ngụ tỉnh Cà Mau), sau khi nhận hơn 150 triệu đồng tiền bồi thường oan sai của người thân. Trong lúc không biết làm gì, ông Sơn nghe một số nhân viên của Alibaba “tỉ tê”, nên đã vay thêm bên ngoài hơn 300 triệu để đầu tư nền đất và được Công ty Alibaba mời lên TP Hồ Chí Minh tập huấn vài ngày rồi phong cho chức...
Phó Giám đốc 1 công ty con để về quê… chiêu dụ người khác. Cũng trong khoảng tháng 3/2019, trong lúc không nhận được đồng lãi nào, nhưng lại bị chủ nợ dưới quê liên tục đòi tiền. Vì vậy, ông Sơn buộc lòng bán đi miếng đất để trả nợ. Đau hơn là ông không dám nói thật với vợ và con vì sợ gia đình tan vỡ.
“Vẽ” dự án “ma” - hành vi lừa đảo đã rõ
May mắn hơn chị Hồng, ông Sơn là anh H.N.Linh (SN 1991, ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) ký hợp đồng với Công ty CP BĐS Chiến Thắng để mua nền đất diện tích 131m2 tại dự án Alibaba Tân Thành Center City 5, với giá hơn 923 triệu đồng, với cam kết 100% đất thổ cư, khi đã nộp đủ tiền sẽ nhận giấy CNQSDĐ. Anh Linh cũng ký HĐQC để nhận lãi 2%/tháng.
Nhưng đến tháng 3/2019 vẫn không nhận được đồng lãi nào. Sau nhiều lần đòi tiền lãi không được, nhận biết có nguy cơ mất luôn vốn nên anh phải nhờ một luật sư đòi thay và chỉ… xin nhận lại vốn. Đến ngày 16/9, anh Linh đòi được tiền thì ngày 18/9, anh em Nguyễn Thái Luyện bị bắt.
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, sau khi khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) cùng Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, Tổng Giám đốc, em ruột Luyện) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tính đến cuối ngày 25/9, đã có gần 1.000 người làm đơn tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo với số tiền hơn 500 tỷ đồng.
Cũng theo cơ quan điều tra, với phương thức tinh vi, núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn đa cấp, dùng đất nền trong 43 dự án “ma” ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận làm mồi nhử. Tính đến cuối tháng 6/2019, Công ty Alibaba đã lừa bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng ở khắp nơi, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Trước việc anh em Luyện vừa bị khởi tố, bắt giam với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có nhiều luồng dư luận cho rằng hành vi của anh em nhà Luyện chỉ là dân sự và không phải hoạt động đa cấp.
Về vấn đề này, luật sư N.T.T (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), khẳng định: “Công ty Alibaba thể hiện rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thứ nhất, đất nông nghiệp đem phân lô bán nền trong khi luật nghiêm cấm. Thứ hai, các dự án do công ty này “vẽ” ra đều là dự án “ma” vì chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Dân sự, đất đó chưa được phép bán nhưng anh bán ra lấy tiền là đã vi phạm pháp luật”.
Triệu tập gần 20 giám đốc công ty con của Alibaba
Cũng theo luật sư T., nếu lấy tư cách môi giới bán đất từ A sang B, cái đó có thể đang phân tranh giữa dân sự và hình sự. Nhưng ở đây đã có hành vi lấy tiền của người sau trả cho người trước, đến người cuối cùng sẽ phải gánh hậu quả nặng nề và mất tiền.
“Công ty Alibaba làm cách nào bàn giao sản phẩm cho người mua? Nếu có bàn giao cũng chỉ là tờ giấy và giấy đó là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng (muốn chuyển đổi phải có diện tích 500m2 trở lên), thì không thể xây nhà” - vị luật sư khẳng định.
Đối với hành vi thông qua việc môi giới bán nền để chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn theo hình thức đa cấp. Theo luật sư T., đa cấp nếu công khai minh bạch, không có yếu tố gian dối, bản thân nó là dân sự. Một khi đã có yếu tố gian dối, có hậu quả, trở thành lừa đảo.
“Ở đây yếu tố lấy của người sau trả cho người trước đã quá rõ, thể hiện ở HĐQC với 4 quyền và người mua cuối cùng sẽ là nạn nhân cuối cùng. Trong khi chính quyền chưa duyệt quy hoạch, làm thế nào tách thửa? Khi đó người mua cuối cùng chỉ biết đứng nhìn miếng đất của mình mọc đầy cỏ hoang” - vị luật sư khẳng định.
Liên quan vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu gửi giấy triệu tập gần 20 giám đốc công ty con của Công ty Alibaba để làm việc.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng tiến hành làm việc với ông Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty Địa ốc Xanh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty Địa ốc Long Thành ALI ở tỉnh Đồng Nai, em ruột bị can Nguyễn Thái Luyện) để phục vụ công tác điều tra hành vi lừa đảo xảy ra tại Công ty Alibaba.
Cơ quan điều tra cũng kêu gọi người dân từng ký hợp đồng mua đất, đã nộp tiền cho Công ty Alibaba hãy liên hệ Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an (47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội); hoặc Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (672 đường Ba Tháng Hai, quận 10) hoặc công an quận, huyện nơi cư trú để nộp đơn tố giác tội phạm. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên tiếp tục giao dịch, mua bán đất nền tại 43 dự án do Công ty Alibaba lập ra để tránh bị lừa đảo.

Luật sư N.T.T (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), khẳng định: “Công ty Alibaba thể hiện rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thứ nhất, đất nông nghiệp đem phân lô bán nền trong khi luật nghiêm cấm. Thứ hai, các dự án do công ty này “vẽ” ra đều là dự án “ma” vì chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Dân sự, đất đó chưa được phép bán nhưng anh bán ra lấy tiền là đã vi phạm pháp luật”.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Công ty Alibaba đã “phá nát” bao nhiêu gia đình?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO