Các tác giả được tặng giải thưởng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật loại B. Ảnh: Thụy Du |
Phản chiếu đời sống văn học, nghệ thuật
Trong số 28 tác phẩm được xét tặng thưởng lần này, chiếm nhiều nhất là lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, tiếp đó là các tác phẩm về sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, múa và đáng mừng là có cả tác phẩm về văn học, nghệ thuật (VHNT) dân tộc thiểu số. PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT cho biết, các tác phẩm được lựa chọn từ sự đề cử của địa phương và các cơ quan, đơn vị báo chí, xuất bản, không có cơ cấu, phân chia tặng thưởng.
Thơ Việt Nam hiện đại được nhiều tác giả quan tâm, phê bình. Tác giả Anh Chi với cuốn “Theo dòng chảy thơ Việt Nam hiện đại” được tặng thưởng mức B, tác giả Phạm Quốc Ca với cuốn “Thơ và mấy vấn đề văn học”, tác giả Hà Quảng với cuốn “Đến với thơ đương đại” được tặng thưởng mức C, đều đi sâu phân tích về thơ Việt Nam từ năm 1975 đến nay, đặc biệt là giai đoạn đổi mới, đồng thời đặt ra những vấn đề về việc tiếp tục dòng chảy hiện đại thơ như thế nào trong tương lai.
Với tác giả Phạm Quốc Ca, đây là cuốn sách lý luận, phê bình văn học thứ 2 của ông, mới xuất bản nhưng đã được thai nghén, đúc rút từ vài chục năm. Ông cho rằng, chính thực tiễn sáng tác thơ đã cho ông những suy nghĩ và kiến giải riêng, thuyết phục được bạn đọc và giới VHNT. Tác giả Chu Giang tiếp tục dụng công, đào sâu vấn đề đối thoại trong văn học với “Luận chiến văn chương” quyển bốn, được tặng thưởng mức B. Vẫn ngòi bút sắc sảo, thẳng thắn, "nói có sách, mách có chứng”, tác giả đã thu hút bạn đọc, tham gia hiệu quả vào việc phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc trong đời sống văn học.
Ở các loại hình nghệ thuật, mảng sân khấu, PGS.TS Phạm Duy Khuê với “Cơ sở lý luận sân khấu học” và PGS.TS Trần Trí Trắc với “Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam” được tặng thưởng mức B, đều đi vào vấn đề lý luận cơ sở để định hình một lĩnh vực. Mảng mỹ thuật thì vấn đề được quan tâm là so sánh cách nhìn của họa sĩ phương Đông và phương Tây, mảng điện ảnh là việc chuyển thể văn học - điện ảnh…
Còn ở mảng âm nhạc, các tác phẩm gắn với thực tiễn nhiều hơn, như “Nhận diện vai trò của âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn hiện nay” (chương trình “Bàn tròn âm nhạc” - Phạm Xuân Kỳ, Tạ Mai Anh biên tập) đạt mức B, “Âm nhạc cho thiếu nhi cần được đầu tư sáng tác và cẩn trọng trong dàn dựng” (bài viết - Văn Thu Bích) đạt mức C, “Khi thị hiếu âm nhạc dễ dãi có xu hướng lên ngôi” (bài viết - Quang Minh) đạt mức Khuyến khích… Điều này phản chiếu sự sôi động hay bình lặng của mỗi loại hình nghệ thuật trong đời sống hiện nay.
PGS.TS Phan Trọng Thưởng nhận xét, các tác phẩm tham gia xét tặng thưởng đợt này cho thấy sự cố gắng, lao động bền bỉ, đầu tư tâm huyết của lực lượng lý luận, phê bình VHNT hai năm qua. Bên cạnh tiêu chuẩn hàng đầu là chất lượng chuyên môn, Hội đồng đặc biệt chú ý đến bản lĩnh của người cầm bút khi xét tặng thưởng. Nhiều tác phẩm đã khơi trúng những vấn đề thời sự, gây tranh luận trong đời sống VHNT và mạnh dạn đi sâu phân tích, định hướng.
Còn đó những trăn trở
Mục đích của hoạt động lý luận, phê bình VHNT là tạo ra những tác phẩm có giá trị khoa học, có đóng góp về lý luận và thực tiễn, có tác dụng kịp thời trước những vấn đề xã hội quan tâm, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước, trực tiếp góp phần định hướng sáng tác VHNT và thưởng thức của công chúng. Nhưng, hai năm qua công tác này vẫn chưa thực sự có đột phá, sự “mỏng” và yếu vẫn còn đó. Điều này thể hiện rõ trong kết quả tặng thưởng, không có tác phẩm xứng đáng đạt mức A. PGS.TS Phan Trọng Thưởng thừa nhận, các cấp xét tặng đã phải “so bó đũa, chọn cột cờ”. Đội ngũ hoạt động lâu năm thì dễ quay lại lối mòn, còn lực lượng trẻ thì thiếu kinh nghiệm và khả năng đào sâu vấn đề.
Nhà phê bình Phạm Quốc Ca cũng có chung nhận định, các tác giả lý luận, phê bình VHNT hiện nay có “nền” cao hơn trước do sự rộng mở, hội nhập mạnh mẽ của đất nước. Nhưng khả năng áp dụng, Việt hóa những kiến thức tiếp thu từ thế giới vào thực tiễn đời sống VHNT ở nước ta vẫn chưa hiệu quả, linh hoạt.
Ở một góc nhìn khác, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận xét, hiện nay công tác lý luận, phê bình VHNT của nhiều người chỉ ở việc điểm tin, điểm sách, viết vài bài báo thời sự rồi để đấy. Nhiều vấn đề bất cập, khúc mắc, gây hoang mang trong đời sống chưa được đi đến cùng và giải quyết rốt ráo, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Ông kêu gọi những người chiến sĩ trên mặt trận lý luận, phê bình cần tự tin, tâm huyết, trách nhiệm hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ trọng đại của mình, bởi đời sống VHNT liên tục chuyển động, cần đến những “ngọn cờ” chỉ đường đúng đắn, hiệu quả.
Đối với các tác giả, tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT là sự khẳng định lao động sáng tạo của họ trên lĩnh vực gian nan này. Tin rằng, từ sự động viên, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo như thế, đội ngũ lý luận, phê bình VHNT có thêm động lực, phát huy tiềm năng, đem đến nhiều tác phẩm, công trình mang giá trị và tầm cao mới.