Đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp khiến nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật có phần chững lại. Để thích ứng với bối cảnh đại dịch, nhiều triển lãm online đã được tổ chức thay thế cho các triển lãm truyền thống. Qua các triển lãm có thể thấy rõ nỗ lực của các bảo tàng, trung tâm văn hóa, nghệ thuật cũng như cá nhân các nghệ sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của công chúng.
Một bức ảnh tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giới thiệu tại triển lãm trực truyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại”.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long vừa giới thiệu với công chúng triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại”. Với 200 tài liệu, hình ảnh gồm 3 chủ đề: Từ nhân dân mà ra; Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam; Di sản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, triển lãm không chỉ giúp công chúng ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn với vị tướng huyền thoại mà còn làm nổi bật dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà D67 - di tích cách mạng gắn với hoạt động của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại” không phải triển lãm online đầu tiên Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long tổ chức. Trước triển lãm này, hệ thống trưng bày online của Trung tâm tại địa chỉ http://trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn/ cũng đã giúp du khách không có điều kiện đến di sản Hoàng thành Thăng Long vẫn có thể tiếp cận, tìm hiểu những sự kiện lịch sử, nét văn hóa truyền thống và cả những phong tục độc đáo của cha ông ta qua các triển lãm: “Gió lành Đoan Dương”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Tân Sửu nghênh xuân”, “Kinh đô mãi muôn đời” và “Lung linh trăng rằm”.
Cùng góp mặt trong các triển lãm online, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã giới thiệu trực tuyến chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc ở nhiều chủ đề khác nhau như chủ đề kháng chiến chống Mỹ; “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”; tranh cổ động về đề tài xây dựng và bảo vệ đất nước; và mới đây nhất là triển lãm "Mạch nối" giới thiệu tới công chúng một số tác phẩm của các tác giả đã và đang công tác tại bảo tàng nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (24/6/1966 - 24/6/2021)… Bảo tàng Hồ Chí Minh thì giới thiệu tới công chúng trưng bày online “Việt Nam - Độc lập, Tự cường”, “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động”, triển lãm “Tổng Bí thư Trường Chinh”... Còn Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam mới đây cũng mang tới công chúng triển lãm ảnh online “Gia đình Tổ ấm yêu thương” với nhiều hình ảnh, câu chuyện sinh động chân thực về chủ đề mái ấm gia đình.
Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, triển lãm online “Italian Routes - Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu” và “Phong cảnh Việt Nam - Đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu, khám phá mới” diễn ra từ 23/7 đến 23/8 cũng đã giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng nét đặc trưng của thiên nhiên và phong cảnh tuyệt đẹp của hai đất nước Italy và Việt Nam ngay tại nhà.
Điểm qua một vài triển lãm online gần đây có thể thấy các bảo tàng, trung tâm văn hóa, nghệ thuật... đang hết sức nỗ lực để có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp nhằm tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, giao lưu văn hóa của công chúng. Ngoài các triển lãm online thì các trưng bày ảo 3D cũng đã được tổ chức. Có thể kể tới tour tham quan ảo 360 độ "Di tích cách mạng nhà và hầm D67" của Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, tour tham quan 3D tại trang web của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam…
Chị Hà Thanh, Khu đô thị thành phố giao lưu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, tôi thường đến các triển lãm, các sự kiện văn hóa để thưởng lãm, giao lưu, trao đổi. Nay khi thành phố thực hiện giãn cách, dù không thể trực tiếp xem triển lãm nhưng qua các hoạt động, sự kiện, triển lãm được tổ chức online tôi vẫn có cơ hội để thưởng thức và trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật. Đó cũng là một cách giải trí bổ ích trong mùa dịch.”
Dù rằng các triển lãm online chỉ là những giải pháp tình thế nhưng không thể phủ nhận sự nhập cuộc cũng như những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong việc đưa văn hóa, nghệ thuật đến với công chúng. Để công chúng được thưởng lãm văn hóa nghệ thuật trong những không gian trưng bày online sinh động; tiếp cận được các hiện vật đặc sắc, chân thực đồng thời đem đến cho công chúng những trải nghiệm ấn tượng... đòi hỏi sự đầu tư công phu, tỉ mỉ từ khâu xây dựng nội dung, kịch bản, thuyết minh cho đến việc lựa chọn góc quay, hiện vật và hình ảnh để trưng bày...
Các trưng bày online thường xuyên được các bảo tàng tổ chức trong mùa dịch Covid 19.
Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ngoài triển lãm trực tuyến, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn xây dựng và phát triển công nghệ trực tuyến 3D tích hợp trên nền tảng website của bảo tàng. Mới đây nhất, ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng đã được bảo tàng triển khai. Chỉ cần truy cập trang chủ vnfam.vn, chọn mục 3D tour, công chúng có thể khám phá trực tuyến nội dung các phòng trưng bày thường xuyên của bảo tàng, xem video chất lượng cao giới thiệu bảo vật Quốc gia - Tượng Phật bà Quan Âm, nghe giới thiệu các chuyên đề và bộ sưu tập để hiểu rõ thêm về sự phát triển nền mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ… Các hoạt động này được bảo tàng tổ chức với mục tiêu đa dạng hóa trải nghiệm tham quan cho du khách, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay.
Có thể nói, trưng bày ảo 3D, trưng bày online là một hình thức không mới. Đây là phương thức tiếp cận công chúng thông qua việc ứng dụng công nghệ, tư liệu số. Vài năm gần đây, một số bảo tàng, di tích ở Việt Nam cũng đã thử nghiệm và ứng dụng số hóa vào hoạt động trưng bày. Việc sáng tạo các hình thức trải nghiệm, giới thiệu di sản, tư liệu, hiện vật, hình ảnh trên không gian số góp phần từng bước hiện đại hóa, đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng, trung tâm văn hóa nghệ thuật.
Nhìn ra thế giới, các bảo tàng lớn như Bảo tàng Metropolitan New York (Mỹ), Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng quốc gia London (Anh), Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc... cũng đều đã số hóa hầu hết các tác phẩm nghệ thuật với định dạng 3D và chương trình tham quan ảo. Chỉ cần sử dụng các thiết bị thông minh người xem có thể tìm hiểu các tác phẩm, bộ sưu tập, tác giả và thông tin có liên quan một cách nhanh chóng. Điều này cho thấy, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại. Bởi thế việc tổ chức các triển lãm trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 không chỉ tạo cơ hội cho công chúng trải nghiệm văn hóa nghệ thuật trong không gian mạng mà còn là sự bắt nhịp xu hướng ứng dụng công nghệ trong hoạt động triển lãm trưng bày…