Chuyển động Hà Nội

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vùng ven đô

Hải Hoa 07/07/2023 11:40

Trong sản xuất lúa bấy lâu, người dân xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội) không phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” song vẫn có những vụ mùa bội thu. Có được điều này do địa phương đã thực hiện cơ giới hóa, triển khai mô hình "mạ khay - cấy máy" hiệu quả.

Quá trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo xã Đại Thắng không ngừng đổi mới và phát triển theo thời gian. Từ nguồn xã hội hóa, địa phương đã nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông, kè ao hồ, hệ thống kênh mương nội đồng, trồng hoa và cây xanh góp phần cho việc đi lại thuận tiện, tạo cảnh quan môi trường, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất. Vốn cần cù chịu khó, luôn tìm tòi học hỏi và tiếp thu nhanh cái mới, chủ động thay đổi cách làm để phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp nên chất lượng cuộc sống người dân xã Đại Thắng ngày một được nâng lên.

z4492587801940_100371a066b3a1c72d16884d061c01a9.jpg
Màu xanh trải rộng, cây lúa chắc khỏe thẳng hàng thẳng lối trên khắp xứ đồng xã Đại Thắng.

Từ năm 2012, xã thực hiện thành công chương trình dồn điền đổi thửa, tạo nền tảng triển khai đề án đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Thắng được thành lập từ đó. Nhận được sự hỗ trợ của Thành phố, huyện Phú Xuyên; xã Đại Thắng và HTX Nông nghiệp Phú Thắng đầu tư nhiều tỷ đồng mua các máy làm đất, máy cấy và hàng chục ngàn khay nhựa để làm mạ, giàn gieo hạt giống lúa. Những năm sau đó, xã tiếp tục được Thành phố, huyện Phú Xuyên hỗ trợ kinh phí đầu tư dây chuyền và xưởng sản xuất giá thể phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Màu xanh trải rộng, cây lúa chắc khỏe thẳng hàng thẳng lối trên khắp xứ đồng xã Đại Thắng là những gì chúng tôi nhìn thấy gần đây. Việc gieo cấy vụ lúa mùa hiện nay tại địa phương này đã hoàn tất, các xứ đồng đã phủ kín thân lúa non vươn mình trong nắng gió. Hơn 10 năm nay, người dân trên địa bàn không phải vất vả cày bừa làm đất, gieo mạ, cấy, gặt theo cách truyền thống vì HTX Nông nghiệp Phú Thắng đã thực hiện hiệu quả mô hình mạ khay – cấy máy, cơ giới hóa trong sản xuất, vừa giảm sức người sức của, vừa tăng năng suất mùa vụ cho bà con nông dân.

Khi người dân có nhu cầu gieo cấy giống lúa Bắc Thơm 7, nếp 97, lúa lai…, HTX sẽ chọn giống, làm mạ, sau đó vận chuyển mạ đến ruộng của người dân để cấy bằng máy. Cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” trong cày cấy ở Đại Thắng từ lâu đã không còn vì HTX làm trọn gói với các tổ máy cày bừa (làm đất), tổ máy gặt. Đầu mùa gieo cấy cho đến khi lúa chín, người dân địa phương cơ bản không phải bước chân xuống đồng như trước.

Nếu đăng ký dịch vụ làm đất ruộng với HTX, hàng năm các hộ gia đình đóng phí trung bình từ 70.000 – 80.000 đồng/sào vào tháng 7 và tháng 10. Trước kia, một sào ruộng, có thể người dân phải làm vài ngày, còn cơ giới hóa chỉ trong một lúc hoặc nửa buổi. Người dân chưa hài lòng hoặc cảm thấy việc làm đất trên ruộng chưa tốt họ sẽ lập 1 tổ riêng, thuê máy ở nơi khác đến làm chứ không nhất thiết làm dịch vụ với HTX. Nhưng khâu làm đất của HTX đều tốt, đáp ứng yêu cầu người dân, thuận lợi cho việc gieo cấy nên hầu hết gia đình còn sản xuất lúa ở địa phương đều tìm đến HTX. Theo ông Lê Văn Toàn (thôn Vân Nội, xã Đại Thắng), nhờ có HTX Nông nghiệp Phú Thắng với máy móc hỗ trợ mà gia đình làm được hơn 10 mẫu ruộng mỗi vụ. Nếu làm bằng sức người như trước, gia đình không thể làm 10 mẫu ruộng và nếu có thuê người làm thì cũng không có lãi, mất nhiều thời gian, công sức.

img_0512.jpg
Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thắng Nguyễn Văn Vĩ chia sẻ mô hình mạ khay với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội.

Không chỉ hiệu quả trong việc làm đất, việc cấy máy trong sản xuất lúa ở Đại Thắng cũng đem lại hiệu quả rõ rệt. Lúc đầu triển khai, người dân thấy xót ruột vì máy cấy các khóm lúa thưa không như cấy tay truyền thống. Tuy nhiên cấy máy đem về năng suất cao, vụ xuân có thể đạt 2,3 tạ/sào, vụ mùa thấp hơn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng cũng dao động từ 1,6 – 1,8 tạ/sào. Song tính ưu việt của cấy máy ở chỗ giúp người dân được tiết kiệm được thời gian, giảm được sức người, chi phí.

Trước đây 2 người cấy tay/sào ruộng có thể mất một ngày, trong khi cũng với diện tích này, cấy máy chỉ tốn 20 phút. Từ khi gieo mạ đến khi thu hoạch một vụ, nếu làm theo phương pháp tay chân truyền thống, mỗi sào lúa người dân có thể thu được 2 tạ/sào, bán được khoảng 1.400.000 đồng. Nhưng chi phí, công sức người dân bỏ ra từ cách làm truyền thống tốn kém. Cụ thể, 2 người cấy tay/sào ruộng, thời gian tốn một ngày, tiền công thuê người cấy phải bỏ ra 250.000 đồng/người, cộng thêm tiền giống, phân gio chăm sóc 200.000 đồng/sào. Với dịch vụ mạ khay - cấy máy, cơ giới hóa, người dân chỉ phải bỏ ra khoảng 300.000 đồng, giảm một nửa chi phí so với cách làm truyền thống. So với cấy tay, cấy máy với khóm lúa thưa, thoáng nên cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, về tổng thể giảm được 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng/ha/vụ cho người dân địa phương.

Cũng như nhiều địa phương khác của Thủ đô, mỗi năm người dân nơi xã Đại Thắng chỉ có 2 vụ chính gồm vụ xuân và vụ mùa. Với vụ xuân, việc gieo mạ, cấy thường ở thời điểm rét buốt, vụ mùa lại rơi vào khoảng thời gian nắng như đổ lửa. Bởi vậy, mô hình mạ khay - cấy máy, cơ giới hóa giúp người dân không phải bước xuống những lớp đất đồng sình lầy, có khi lạnh cắt da cắt thịt hoặc nóng như nước sôi. Đồng thời có cơ giới hóa trong sản xuất, người dân tiết kiệm được thời gian với ruộng đồng, có thêm thời gian để làm nghề phụ như đan lưới, bật bông, may vỏ chăn, đúc tượng, sản xuất đồ mộc… để tăng thu nhập.

“Thuận lợi của chúng tôi giờ đây là địa phương đã bê tông hóa đường nội đồng, việc trung chuyển mạ khay – cấy máy, di chuyển máy móc làm đất, gặt hái thuận tiện hơn. Ngày xưa đường đất vận chuyển mạ ra đến đầu ruộng rất vất vả, các xã viên, thợ cấy tiếp tục đưa mạ xuống máy cấy khá tốn thời gian.

z4492587789616_4ec393a38798dc93da96cdf0d66ed778.jpg
Đại Thắng là xã đầu tiên của huyện Phú Xuyên thực hiện mô hình mạ khay – cấy máy trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí và sức lao động, tăng năng suất mùa vụ cho người dân.

Đại Thắng là xã đầu tiên của huyện Phú Xuyên thực hiện mô hình mạ khay – cấy máy, hiện còn cung cấp mạ nếu xã bạn ở vùng lân cận có nhu cầu. Người dân xã khác nếu muốn làm đất để cày cấy, khi lúa chín muốn gặt máy thì HTX cũng sẵn sàng hỗ trợ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất cho bà con”, ông Nguyễn Văn Vĩ, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thắng cho biết.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vùng ven đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO