Chuyện về thầy thuốc quân y ưu tú

Quang Tiến - Văn Chiển| 03/05/2018 09:23

Ngày chớm hè, trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, chúng tôi được nghe Đại tá, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú An Thế Nghiêm kể lại những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời bác sĩ - chiến sĩ phục vụ thương, bệnh binh “vô điều kiện” của mình. Nhìn ánh mắt hiền từ, lấp lánh yêu thương của ông khi trò chuyện, tôi có cảm giác như ông sinh ra là để được san sẻ, được sống vì mọi người, với những lý tưởng sống thật mạnh mẽ mà cũng thật bình dị…!

Vững bước nơi chiến trường

Sinh năm 1933 tại Vân Tràng, Nam Trực, Nam Định, năm 14 tuổi, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, theo tiếng gọi Tổ quốc, cậu học trò An Thế Nghiêm xung phong "đi làm cách mạng" và trở thành chiến sĩ liên lạc của tỉnh đội. Sau đó, Nghiêm được phân công đi học rồi làm y tá tại tỉnh đội Ninh Bình. Trong suốt thời gian chống Pháp, ông đã trải qua nhiều địa bàn và cương vị công tác khác nhau, từ y tá trưởng Viện Quân y Tiền phương K32, Quân khu 3 đến Thiếu úy, Trợ lý Quân y F350. Năm 1954, khi quân giải phóng tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ông được giao nhiệm vụ làm trợ lý quân y Sư đoàn 350, đơn vị bảo vệ Thủ đô. Năm 1956, ông được cấp trên cử đi học tại Trường sĩ quan Quân y, nay là Học viện Quân y. Sau hơn 4 năm học tập ở trường, năm 1961, ông trở về nhận công tác tại Phòng quân y, Quân khu Việt Bắc, sau đó lại được về trường Đại học Quân y đào tạo tiếp. Năm 1966 học xong, ông nhận nhiệm vụ đi chiến trường B2.

Chuyện về thầy thuốc quân y ưu tú
Đại tá, bác sĩ An Thế Nghiêm tại buổi nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú do Nhà nước trao tặng.

Trong những năm tháng cả nước kiên cường chống Mỹ, bước chân bác sĩ quân y An Thế Nghiêm in dấu ở hầu hết những chiến trường nóng bỏng, khốc liệt, từ các tỉnh Đông Nam Bộ, địa bàn hoạt động của các bệnh viện dã chiến được thay đổi, di chuyển liên tục từ miền Nam ra Tây Nguyên, thậm chí sang tận Campuchia. Sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, mặt trận Buôn Mê Thuột hết sức khó khăn, khốc liệt, tháng 6/1968, Bộ Tư lệnh Tây Nguyên B3 đã mở chiến dịch Nam Buôn Mê Thuột. Với cương vị là Viện trưởng Bệnh viện tiền tiêu K79C, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị, cứu chữa, nuôi dưỡng toàn bộ thương, bệnh binh của chiến dịch để chi viện cho mặt trận B3.

Vừa đưa mắt nhìn xa xăm để nhớ lại những ngày gian khổ mà hào hùng ấy, ông vừa kể: “Hoàn cảnh lúc đó hết sức khó khăn, vật chất, lương thực, thuốc men thiếu thốn, kỹ thuật ngoại khoa hạn chế, trong khi, chỉ được tăng cường thêm một tổ phẫu thuật dã chiến. Vì vậy, tôi phải động viên anh em quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành cao nhất nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, trong chiến dịch, bệnh viện đã điều trị, trả về cho mặt trận B3 hơn 600 thương, bệnh binh, góp phần bổ sung quân chiến đấu cho tuyến trước. Tổng kết chiến dịch, bệnh viện của chúng tôi được tặng Cờ thi đua của Bộ Tư lệnh B3. Cá nhân tôi được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Cục hậu cần B2 cùng tấm Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba”.

Một điều khá thú vị là cùng thời gian này, ông đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi viết truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ Quân đội giải phóng phát động với bài viết “Tất cả cho tiền tuyến”. 

Sau chiến dịch Nam Buôn Mê Thuột, năm 1970, ông An Thế Nghiêm được điều động về làm Viện trưởng Viện K79B Đoàn Hậu cần 86 đảm nhiệm thu dung điều trị thương, bệnh binh từ miền Bắc vào chi viện cho B2 trên địa bàn các tỉnh thuộc Đông Bắc Cam-pu-chia. So với địa bàn cũ, chiến trường nơi đây còn nhiều khó khăn gấp bội. Vật chất thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, bộ đội hành quân liên miên trong tình trạng cơ thể suy kiệt, sốt rét ác tính triền miên, nước sinh hoạt thì khan hiếm, mỗi bệnh binh chỉ được cung cấp một nửa bi đông/ngày. Mặc dù vậy, những khó khăn ấy không làm người Viện trưởng như ông và các đồng nghiệp nản chí. Dưới sự chỉ huy của ông Nghiêm, các y, bác sĩ đã vượt mọi khó khăn để giảm thiểu được mức tử vong tối đa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó. 

Và những… "xê dịch"

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá An Thế Nghiêm tự chiêm nghiệm cuộc đời binh nghiệp của mình rồi đúc kết, có lẽ ông là người mang "số xê dịch". Hầu như ông không ở ổn định đơn vị nào trong thời gian dài. Chính vì vậy, làm Viện trưởng Viện K79B được 2 năm, ông tiếp tục được chuyển công tác sang làm Viện trưởng Viện Quân y YV3 thuộc Đoàn Hậu cần C10, Đông Nam Bộ, đảm nhiệm thu dung điều trị cho 400 thương binh trong chiến dịch giải phóng Lộc Ninh.

Chuyện về thầy thuốc quân y ưu tú
Đại tá, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú An Thế Nghiêm chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. 

Theo diễn biến của chiến trường, bệnh viện “di động” do ông trực tiếp phụ trách cũng theo bước hành quân tiến sâu vào phía Nam, vượt qua sông Mã Đà, một địa danh khủng khiếp về bệnh sốt rét ác tính với câu ca truyền miệng “Mã Đà sơn cước anh hùng tận”. Sau đó, tiếp tục vượt qua sông Bé về Bình Dương – Biên Hòa. Đến giữa năm 1973, theo đề nghị của bác sĩ Phạm Kinh, Chủ nhiệm Quân y Khu 7, Cục Hậu cần B2 đồng ý chuyển giao toàn bộ Bệnh viện K13 thuộc Đoàn Hậu cần 814 do ông làm Viện trưởng về Quân khu 7. Tháng 4/1973, trước yêu cầu thực tế, cấp trên đã thành lập bệnh viện đầu tiên của Quân khu 7 trong vùng giải phóng lấy tên là Bệnh viện K113 - QK7, nay là Bệnh viện 7B - QK7. Khi thành lập, ông được bổ nhiệm làm Viện phó.

Tháng 4/1975, Bệnh viện 113 - QK7 tiếp quản bệnh viện dã chiến của sư đoàn Mỹ tại thành phố Biên Hòa. Thời gian này ông được phân công làm Viện phó, đảm trách chuyên môn phải giải quyết 3 nhiệm vụ gồm: giải quyết thương bệnh binh từ vùng giải phóng về, điều trị thương bệnh binh sốt rét và chống dịch sốt xuất huyết cho các đơn vị đóng tại Biên Hòa, Vũng Tàu, đặc biệt là bộ đội Không quân tại sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình. Lúc đó, do trình độ hiểu biết về dịch sốt xuất huyết còn hạn chế, ông đã tranh thủ tìm đọc các tài liệu liên quan, đồng thời, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp. Nhờ vậy, ông đã điều trị khỏi hàng trăm thương bệnh binh, không để xảy ra trường hợp tử vong.

Tháng 1/1976, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông được gọi ra Bắc và được cử đi học và thực tập sinh Truyền nhiễm tại Bệnh viện Laszlo-Budapest tại Hungari. Sau khi về nước, ông gắn bó lâu dài với Viện Quân y 103, Học viện Quân y từ năm 1980 cho đến năm 1992. Trong thời gian làm việc tại đây, ông được tập thể tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân chăm lo thêm việc làm kinh tế, tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện đời sống cho nhân viên của khoa trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn. Và đây cũng là những ngày tháng ông được sống trọn vẹn với gia đình, với vợ con.

Trong câu chuyện, Đại tá An Thế Nghiêm luôn nhấn mạnh hai từ khâm phục và biết ơn vợ mình – bà Vũ Thị Liên Minh. Hơn mười năm gần như bặt tin chồng nhưng bà Minh vẫn là hậu phương vững chắc, nhẫn nại chờ đợi, nhẫn nại hy sinh để ông có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ quân đội, cứu chữa cho hàng ngàn thương, bệnh binh vượt qua cơn thập tử nhất sinh. Giờ đây, khi hai ông bà được an hưởng tuổi già thì lại tiếp tục nhận đỡ đầu cho một cháu bé là nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống cùng phường. Nhiều năm nay, đều đặn hàng tháng, ông bà đền trích một phần lương của mình để chia sẻ, giúp đỡ cho gia đình cháu bé. 

Tổng kết về cuộc đời mình, Đại tá An Thế Nghiêm chia sẻ: 40 năm tham gia kháng chiến và công tác cũng là khoảng thời gian tôi phục vụ trọn vẹn cho quân đội. Các danh hiệu mà Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng cũng khá đủ đầy, với những Huy chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương chiến công Giải phóng hạng Ba, ba Huân chương chiến sĩ Giải phóng hạng 1, 2, 3. Huân chương Quân công hạng Hai, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen khác nhau của Bộ Quốc phòng. Nhưng, tôi nghĩ, danh hiệu cao quý nhất đó là sự cống hiến của mình được đồng đội, bạn bè, người thân ghi nhận, trân trọng. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn tâm niệm một điều, còn sống là còn cống hiến, sống trọn với những phẩm chất cao quý của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn”
    Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong cùng các cộng sự giới thiệu và ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn” tại TP Huế.
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở
    Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22-11-2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025.
  • VinFast VF 3 – Sành điệu, chất chơi trên mọi nẻo đường
    Được định vị là chiếc xe đi phố, VinFast VF 3 gây bất ngờ lớn với ngay cả chủ xe khi dễ dàng chính phục nhiều cung đường khó nhằn trong hành trình hàng nghìn km.
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về thầy thuốc quân y ưu tú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO